Hành xử 'xấu xí' với phụ nữ nơi công cộng

(PLO) - Ngày càng nhiều những vụ bạo lực, nhất là đối với phụ nữ diễn ra gần đây không khỏi khiến dư luận bức xúc. Dường như, bạo lực đã trở thành một thói quen xấu trong hành xử, kể cả đối với những người được mệnh danh là trí thức, doanh nhân hay công chức nhà nước.
Hình ảnh camera ghi lại ông Khánh C.S tát nữ nhân viên bán hàng

Ngày càng nhiều vụ đánh người

Nóng nhất tuần qua, có lẽ là vụ việc ông Khánh C.S., một kiến trúc sư, doanh nhân thành đạt vung tay tát một nữ nhân viên bán hàng đang mang thai sau khi lời qua tiếng lại. Điều đáng nói, là dù vụ việc được camera ghi hình lấy lại, không có âm thanh, không biết hai bên đã nói những gì, nhưng người xem clip vẫn thấy hình ảnh ông Khánh dùng ngón tay trỏ ngoắc nữ nhân viên một cách rất bề trên, và chỉ hơn một phút sau cái ngoắc ấy, ông này xông tới tát mạnh vào má người phụ nữ. 

Mặc dù việc mang thai chỉ được biết sau khi cái tát diễn ra và nhân vật khai tên khác để tránh tai tiếng, sau khi đưa người đại diện truyền thông ra phát ngôn cho mình, ông Khánh tối hôm ấy cũng đã đăng đàn nói lời xin lỗi qua mạng, nhưng ấn tượng xấu mà cái tát gây ra cho công chúng vẫn còn rất sâu đậm.

Ông Khánh là một doanh nhân có tiếng với nhiều mô hình kinh doanh ẩm thực khá lạ, thuộc phân khúc cao cấp ở TP HCM, thường xuất hiện với hình ảnh lịch lãm, sang trọng. Cái tát vào mặt nữ nhân viên đã gây ra một cuộc tẩy chay khá mạnh của người tiêu dùng đối với những thương hiệu kinh doanh của doanh nhân này.

Sự việc này gợi cho nhiều người nhớ lại chuyện cách đây khoảng 1 năm, một người đàn ông công tác tại một cơ quan nhà nước đã hành hung nặng tay với một nữ tiếp viên hàng không khiến nữ tiếp viên này bị sốc tâm lý, phải vào bệnh viện điều trị.

Và mới đây, một đoạn clip lan truyền trên mạng đã cho thấy hình ảnh một nam thanh niên, chỉ vì tranh cãi với bạn gái về chuyện ăn uống đã ra tay đánh bạn gái thậm tệ. Anh này tát, đấm vào mặt, sau đó, khi bạn gái quỵ xuống như đã ngất xỉu, anh này còn thô bạo lôi cô gái đứng dậy với thái độ bực dọc. Sự việc đã khiến cộng đồng mạng rất bức xúc, và hiện nay danh tính người đàn ông nói trên vẫn đang được tìm kiếm. 

Cũng trong năm nay, cách đây chưa đầy hai tháng, hai thanh niên đi ô tô sau khi va chạm giao thông đã lao vào đánh một người nước ngoài, sau đó còn xông vào hành hung luôn cô gái đi cùng. Sự việc không những gây nên bức xúc dư luận trong nước, mà còn xuất hiện tại một số diễn đàn, tin tức quốc tế, khiến nhiều bạn bè nước ngoài có những bình phẩm không hay về cách hành xử thiếu văn minh và thiếu tôn trọng phụ nữ của một bộ phận thanh niên Việt.

Nghiêm trị để thay đổi nhận thức

Những sự việc trên chỉ là phần nổi của rất nhiều hành xử “xấu xí”. Bạo lực trong gia đình đã là một câu chuyện khác, còn việc đánh đập, hành hung, xúc phạm người phụ nữ ngay chốn công cộng đã không còn hiếm gặp trong đời sống hàng ngày. Một nhân viên hướng dẫn tại Địa đạo Củ Chi chia sẻ, trước đây, địa đạo có không ít hướng dẫn viên nữ, dịu dàng, xinh xắn dẫn khách tham quan. Tuy nhiên, thời gian sau thì các nữ hướng dẫn xin rút khỏi nhiệm vụ. Lý do là không ít du khách say xỉn, tỏ thái độ không hay với nữ hướng dẫn, thậm chí nhiều trường hợp khi vào địa đạo, lợi dụng không gian tối, nhiều khách nam còn có hành động quấy rối, xúc phạm với với nữ hướng dẫn.

Có thể thấy, hành xử thiếu văn minh, thiếu tôn trọng phụ nữ đã tồn tại như một thói quen xấu trong đời sống chúng ta, kể cả với những người được coi là trí thức, cán bộ, doanh nhân… Điều đáng nói là đa số các hành vi bạo lực, xâm phạm người khác diễn ra trên đường phố chỉ được xử lý rất cảm tính, dễ dàng “cho qua” sau những lời xin lỗi. Trong những vụ việc nói trên, chỉ hai thanh niên đánh du khách Tây và cô gái đi cùng bị khởi tố với hành vi cố ý gây thương tích, ngoài ra, hầu hết được giải quyết bằng “tình nghĩa”, bằng lời xin lỗi và thỏa thuận giữa đôi bên.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn LS TP HCM phân tích, các trường hợp nêu trên đã có các điều luật cụ thể để xử lý. Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt phòng, chống bạo lực gia đình thì người quấy rối là người thực hiện những hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự về tội Làm nhục người khác.

Đối với hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định về trật tự công cộng, căn cứ vào Điểm a, Khoản 2, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau, trong trường hợp cố ý gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Tại các nước phát triển, các hành vi nói trên, đặc biệt có liên quan đến hành xử bạo lực với phụ nữ sẽ bị nghiêm trị, dù bên bị hại có tố cáo hay không. Đó là một trong những lý do khiến người phụ nữ được tuyệt đối tôn trọng, luôn được bảo vệ trước pháp luật. Tại Việt Nam, việc xử lý bằng thỏa thuận, tình nghĩa, xí xóa cho qua rất dễ tạo ra những tiền lệ xấu, khiến hành vi sai trái không bị xử lý nghiêm, tạo tâm lý “nhờn luật”. Đây là một trong những lý do khiến cho nhận thức về tuân thủ luật pháp, về tôn trọng phụ nữ không được nâng cao.