HANOSIMEX- “Con chim đầu đàn” của ngành dệt may Việt Nam

(PLVN) - Là đơn vị giàu truyền thống của ngành may mặc Việt Nam, thương hiệu HANOSIMEX lâu nay đã tạo được chỗ đứng khá vững chắc trong lòng nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt. Thương hiệu thuần Việt lâu đời này vẫn đang nỗ lực vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh, củng cố vị thế là một trong những nhãn hãng thời trang uy tín, định hình xu hướng tại thị trường Việt Nam.
Một gian hàng của HANOSIMEX.
Một gian hàng của HANOSIMEX.

Khẳng định được vị trí trong ngành dệt may

Tổng công ty (Cty) Cổ phần Dệt May Hà Nội (HANOSIMEX), tiền thân là Nhà máy Sợi Hà Nội (Sợi Đức) được chính thức thành lập ngày 21/11/1984. Tháng 10/1985, Nhà máy thành lập thêm phân xưởng sản xuất phụ để tận dụng bông phế liệu bị loại ra trong quá trình sản xuất chính để sản xuất khăn bông với sản lượng 4.000 chiếc/năm.

Tháng 12/1987, Nhà máy mở rộng quy mô đầu tư xây dựng dây chuyền dệt kim số I và tới tháng 6/1990, dây chuyền được đưa vào sản xuất bao gồm nhiều loại máy với chất lượng cao, có công suất 190.000 sản phẩm quần áo các loại hàng năm và 300 tấn vải các loại. Tháng 4/1990, Bộ Kinh tế Đối ngoại cho phép Nhà máy được hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp với tên giao dịch HANOSIMEX. Quyết định này tạo điều kiện cho nhà máy mở rộng quan hệ thương mại với các bạn hàng trên thế giới vì thế mà hoạt động sản xuất kinh doanh được tăng lên rõ rệt.

Một năm sau, Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định tổ chức hoạt động của Nhà máy sợi Hà Nội thành Xí nghiệp liên hiệp sợi-dệt kim Hà Nội, vẫn giữ tên giao dịch đối ngoại là HANOSIMEX. Tháng 6/1993, xây dựng dây chuyền dệt kim số II và tới tháng 3/1994, dây chuyền được đưa vào sản xuất.

Ngày 19/5/1994, Nhà máy Dệt kim được khánh thành bao gồm cả hai dây chuyền I và II. Tháng 1/1995, khởi công xây dựng Nhà máy thêu Đông Mỹ và tới tháng 9/1995 thì khánh thành.

Ngày 26/9/1995, Bộ Công nghiệp nhẹ một lần nữa đổi tên Xí nghiệp liên hiệp sợi-dệt kim Hà Nội thành Cty Dệt Hà Nội. Ngày 28/2/2000, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Dệt May Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam - VINATEX) đổi tên Cty Dệt Hà Nội thành Cty Dệt May Hà Nội. Vào dịp 20 năm ngày thành lập, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án thí điểm mô hình Cty mẹ - Cty con tại Cty Dệt May Hà Nội, doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của VINATEX.

Năm 2007, Cty thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và chính thức hoạt động theo hình thức Tổng Cty từ tháng 1/2008. Ngày 19/4/2018, 20,5 triệu cổ phiếu của HANOSIMEX với tổng giá trị đăng ký giao dịch hơn 205 tỷ đồng chính thức lên sàn UPCoM.

Khách hàng trong nước và bạn hàng nước ngoài đều rất ưa chuộng sản phẩm của Tổng Cty, nhất là hai dòng sản phẩm thời trang cao cấp mang nhãn hiệu JUMP, BLOOM. Tại các Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam, sản phẩm HANOSIMEX luôn được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng tiêu dùng được nhiều người yêu thích, được tặng giải thưởng Sao vàng đất Việt, Quả cầu vàng, Cúp sen vàng...

HANOSIMEX được giao tiếp nhận, vực dậy Nhà máy Sợi Vinh (1993) và Nhà máy Dệt Hà Đông (1995) làm ăn thua lỗ kéo dài, có nguy cơ phá sản, với số nợ gần 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HANOSIMEX còn giúp đỡ Cty Dệt Kim Hoàng Thị Loan (Nghệ An), Cty Sản xuất xuất nhập khẩu dệt may Hải Phòng, là những đơn vị gặp nhiều khó khăn - ổn định được sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ. Có thể nói, HANOSIMEX đã khẳng định được vị trí của mình trong VINATEX, xứng đáng là “con chim đầu đàn” của ngành dệt may Việt Nam.

Trải qua 36 năm hình thành và phát triển, đến nay HANOSIMEX có 8 Cty cổ phần, 4 nhà máy thành viên với hàng nghìn cán bộ công nhân viên. HANOSIMEX hiện là một Tổng Cty lớn nằm trong chuỗi cung ứng Sợi – Dệt - May của VINATEX với các nhà máy sản xuất tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh... Sản phẩm của Tổng Cty đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Úc, Đức, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ… 

Liên tục tìm tòi, đổi mới vươn lên

Nhiều năm qua, Tổng Cty luôn duy trì việc đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường, mở rộng hình thức kinh doanh hợp tác đầu tư và tái sản xuất đạt hiệu quả cao. Từ chỗ chỉ có mặt hàng sợi, phần lớn bán trong nước, HANOSIMEX đã năng động và nhạy bén mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị để có thêm các sản phẩm dệt kim, khăn bông và denim (vải jean)... tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. 

Nhằm phát triển thị trường nội địa, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai như liên tục cải tiến mẫu mã, tiết kiệm nguyên liệu, phụ liệu để hạ giá thành, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các sản phẩm của Hanosimex được đưa ra bày bán tại loạt cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Tổng Cty và hơn 50 đại lý tiêu thụ sản phẩm, bán lẻ trực tiếp hoặc đưa vào các siêu thị, các hội chợ, triển lãm.

Ðể sản phẩm của HANOSIMEX đứng vững trên thị trường trong nước, lãnh đạo HANOSIMEX quyết định đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, tận dụng tối đa cơ sở vật chất và năng lực hiện có. Trên cơ sở xác định rõ sản phẩm chiến lược, việc đầu tư đã được triển khai đúng hướng, tập trung và phát huy ngay hiệu quả.

Tổng Cty đã đầu tư dây chuyền kéo sợi hiện đại có thiết bị cấp lõi và đổ sợi tự động, các máy ống tự động được trang bị hệ thống cắt lọc điện tử hiện đại sản xuất sợi chất lượng cao, sợi cotton, sợi hóa học đến sợi bọc chun... Dây chuyền dệt vải denim được đầu tư đồng bộ từ công đoạn mắc - nhuộm - hồ - dệt - hoàn tất đã tạo ra những mặt hàng vải co giãn bảo đảm chất lượng và nhuộm màu đồng đều.

Dây chuyền dệt khăn đồng bộ, có thiết bị Jacka điện tử tạo được các mặt hàng khăn đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu của khách hàng... Riêng các nhà máy may của HANOSIMEX còn được đầu tư nhiều thiết bị điện tử tự động thế hệ mới giúp người lao động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mặt hàng may.

Tuy nhiên, đứng trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường dệt may, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố tác động sâu sắc đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của HANOSIMEX. Hàng năm, Tổng Cty phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực, nhất là lao động có trình độ tay nghề cao.Cán bộ quản lý kỹ thuật giỏi cũng thiếu nhiều so với nhu cầu và yêu cầu phát triển. 

Không những thế, trong vài năm gần đây, Tổng Cty nhập nhiều máy móc thiết bị hiện đại mà tay nghề của công nhân còn thấp, chưa thể sử dụng và hiểu hết tính năng của các thiết bị đó nên chưakhai thác hết công suất của máy móc thiết bị. Tổng Cty cũng chưa chú trọng đến việc khai thác thị trường nguyên liệu trong nước nên quá trình sản xuất đôi khi còn chậm. Những hạn chế này gây không ít khó khăn cho việc tổ chức điều hành sản xuất.

Ðể khắc phục tình trạng luôn thiếu hụt lao động, HANOSIMEX liên tục tuyển công nhân mới, đưa ra những chính sách để thu hút người lao động từ nông thôn ra làm việc. Đặc biệt, từ tháng 5/2009, HANOSIMEX xây nhà ở cho 200 công nhân; hỗ trợ cho công nhân học việc tiền ăn trưa, tiền đào tạo, bù tiền lương cho công nhân mới thử việc trong những tháng đầu làm việc khi chưa đạt năng suất khoán, đồng thời từng bước chuyển dịch khâu may về sản xuất tại các địa phương để thu hút lao động các vùng nông thôn.

Hy vọng, với những bước đi trên, sản phẩm của HANOSIMEX sẽ tiếp tục đến với người tiêu dùng trong nước, góp phần triển khai thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”!

Đọc thêm