Phụ thuộc quá nhiều vào việc gia công cho Unilever
Công ty CP Xà phòng Hà Nội (Hasoco, mã XPH) tiền thân là Nhà máy Xà phòng Hà Nội được thành lập từ năm 1960. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, các sản phẩm của Hasoco đã từng bước góp mặt trên thị trường trong nước với các sản phẩm chất tẩy rửa dân dụng và ngày càng nỗ lực để khẳng định chất lượng, thương hiệu của mình.
Những ngày đầu thành lập Hasoco đã khẳng định vị thế doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm tẩy rửa. Một số sản phẩm nổi tiếng được khách hàng yêu thích thời kỳ này có thể kể đến kem giặt Haso H/s, xà phòng bánh 72%, thuốc đánh răng Ngọc Lan, xà phòng thơm hoa nhài Ngọc Lan.
Trong 60 năm qua, có giai đoạn, Hasoco chỉ chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm xà phòng bánh và nước tẩy rửa cho các thương hiệu lớn tại Việt Nam và các tập đoàn lớn trên thế giới, cụ thể là Unilever. Mối lương duyên của XPH với Unilever bắt đầu từ năm 1994. Công ty được chấp thuận cho liên doanh với Tập đoàn Unilever và tách ra làm hai doanh nghiệp: Một là Công ty Xà phòng Hà Nội, một là Công ty Liên doanh Lever - Haso.
Trong thời gian liên doanh, hoạt động chủ yếu của Lever- Haso là dịch vụ thương mại và gia công sản phẩm mang thương hiệu Unilever Việt Nam. Tới năm 2003, toàn bộ phần vốn góp của Xà phòng Hà Nội tại liên doanh này được bàn giao lại cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) quản lý trước khi cổ phần hóa. Ngày 1/2/2005, Xà phòng Hà Nội chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Tính tới năm 2017, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam vẫn là một đối tác rất lớn của XPH trong lĩnh vực gia công sản xuất các sản phẩm. Điều này mang lại doanh thu ổn định cho XPH trong các năm trước, nhưng nguy cơ hiện hữu khi tính phụ thuộc quá lớn. Trung bình mỗi năm, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm gia công cho đối tác Unilever như nước rửa chén Sunlight, nước lau sàn Sunlight, Vim, nước giặt Omo chiếm tới 98,6% tổng sản lượng tiêu thụ của XPH. Mặc dù có phát triển các sản phẩm riêng như Avo (nước giặt, xà phòng thơm), Shiny (nước rửa chén), song những sản phẩm này có lượng tiêu thụ rất thấp.
Trụ sở Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội. |
Tình hình kinh doanh của Haso gặp nhiều khó khăn khi Unilever bắt đầu chấm dứt hợp đồng gia công với Công ty từ năm 2017 buộc Haso phải phát triển các sản phẩm riêng như trên. Sự phụ thuộc của XPH đã phản ánh rất rõ trên báo cáo tài chính năm 2017 của XPH. Hợp đồng gia công cho Unilever đã kết thúc vào 31/5/2017 nên doanh thu thuần của XPH cả năm chỉ đạt 13,1 tỷ đồng, tương ứng bằng 27% doanh thu đạt được năm 2016.
Tình hình kinh doanh của XPH giai đoạn 2012 - 2017 đều theo chiều hướng đi xuống. Nếu như doanh thu thuần của XHP năm 2012 là 260,4 tỷ đồng, thì năm 2013 đạt 217,1 tỷ đồng; năm 2014 đạt 131 tỷ đồng; năm 2016 đạt 48,5 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm 2017 chỉ còn bằng 5% mức thực hiện năm 2012.
Doanh thu đi xuống kéo theo lợi nhuận lao dốc. Nếu như năm 2012, Công ty lãi nhẹ 2,3 tỷ đồng thì năm 2013, Công ty lỗ 2,3 tỷ đồng; năm 2014 lỗ 5,9 tỷ đồng; năm 2015 lỗ 9,2 tỷ đồng. Năm 2016, XPH thoát lỗ, song khoản lãi rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng. Đến ngày 31/3/2018, XPH có khoản lỗ lũy kế hơn 18,2 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Công ty đã dự tính được việc kết thúc hợp đồng gia công sẽ ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu. Từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Công ty đã đặt mục tiêu quyết liệt tăng doanh thu tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tìm phương hướng sản xuất - kinh doanh khác như tìm đối tác gia công khác. Tuy nhiên tìm được một đối tác lớn đa quốc gia như Unilever là điều không hề đơn giản, nhất là khi thị trường còn nhiều doanh nghiệp gia công khác tương tự XPH.
“Tự cứu mình trước khi người cứu”
Theo Đề án Tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2012 - 2015, Vinachem phải thoái hết vốn Nhà nước mà Tập đoàn nắm giữ tại XPH. Nhưng cho đến nay, qua nhiều lần rao bán trọn lô, không có nhà đầu tư nào mặn mà, Vinachem vẫn đang nắm 80% cổ phần XPH. Vấn đề thoái vốn khỏi XPH lại tiếp tục được đặt ra trong Đề án Tái cơ cấu của Tập đoàn này giai đoạn 2016 -2020.
Tuy nhiên, với tình hình làm ăn thua lỗ của XPH, đây là một thương vụ không dễ giải quyết khi cổ phiếu XPH kém sức hút với mức giảm sâu từ giá 18.000 đồng/cổ phiếu khi vừa chào sàn vào cuối năm 2014 xuống còn 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu, nhiều phiên không có giao dịch.
Trước những khó khăn trên, xác định hướng đi cho mình là “tự cứu mình trước khi người cứu”, Công ty CP Xà phòng Hà Nội đã nỗ lực không ngừng trong việc tìm hướng đi, chọn lựa công nghệ, áp dụng những kinh nghiệm và công nghệ mới vào quá trình sản xuất để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Với kinh nghiệm sản xuất được tích lũy trong quá trình hợp tác với Unilever cùng sự đầu tư dây chuyền sản xuất châu Âu, công nghệ Nhật Bản, nguồn nguyên liệu đầu vào được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, năm 2017, Công ty bắt đầu cho ra mắt các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong việc chăm sóc và bảo vệ gia đình.
Các sản phẩm đã được tung ra thị trường thời điểm này bao gồm: nước giặt Power - hương Kiiro Hana và hương Sakura, xà phòng Kea, dòng sản phẩm Kazoku (nước rửa chén, nước xả vải, nước lau sàn, nước lau kính, nước tẩy toilet, nước rửa tay…), xà phòng bánh Kea hương Miruku và Takusan... được người tiêu dùng dần dần đón nhận và đặc biệt là giá cả rất phù hợp với thu nhập của nhiều gia đình từ nông thôn đến thành thị. Đây là sự chuyển mình rất ấn tượng của Hasoco nhằm mang tới những sản phẩm chất lượng vượt trội và phù hợp với gia đình Việt.
Một số sản phẩm mới của Hasoco. |
Hiện nay, Hasoco không ngừng nỗ lực phát triển, gìn giữ nét văn hóa dân tộc trong các sản phẩm chăm sóc gia đình dành cho người Việt. Vì vậy, dù phải cạnh tranh với các nhãn hàng khác nhưng Hasoco vẫn giữ được vị trí nhất định trong lòng khách hàng tiêu dùng Thủ đô.
Giám đốc Công ty CP Xà phòng Hà Nội Đỗ Huy Lập cho biết, dây chuyền sản xuất nước giặt hiện nay của Xà phòng Hà Nội là 40.000 tấn/năm; công suất xà phòng bánh 6.000 tấn/năm. Nhưng hiện nay mới sản xuất được 10% công suất do thị phần còn nhỏ hẹp, chủ yếu phục vụ khách hàng ở nông thôn và vùng ven thành phố.
Năm 2019, Công ty đã kết thúc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với kết quả đáng trân trọng, nhiều chỉ tiêu vượt so với thực hiện năm 2018 và kế hoạch được giao năm 2019. Trong tương lai, Công ty sẽ tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu các phân khúc khách hàng, phấn đấu doanh thu tăng dần năm sau gấp đôi năm trước; sản lượng tăng 100% và đến 2024 đạt 100% công suất. Cùng chung tay chống đại dịch Covid-19, Công ty Xà phòng Hà Nội trong năm 2020 đã nghiên cứu tìm tòi ra sản phẩm nước rửa tay khô kháng khuẩn Hasoku phục vụ, hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Mở hướng đi mới cho riêng mình chưa bao giờ là dễ dàng và thuận lợi, nhưng với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể Ban lãnh đạo đầy nhiệt huyết và người lao động, hy vọng các sản phẩm của Công ty CP Xà phòng Hà Nội sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn, khẳng định được thương hiệu của mình trong thị trường ngành hàng hóa chất đầy tính cạnh tranh!