Khảo sát này được thực hiện 3 tuần sau khi kết thúc giãn cách xã hội ở Việt Nam với 1.826 người tham gia trả lời.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy hậu Covid-19, nhu cầu du lịch đã bắt đầu phục hồi từ giữa tháng 4, đồng thời, thói quen du lịch của khách nội địa có sự thay đổi với những xu hướng du lịch mới, chú trọng nhiều hơn vào vấn đề an toàn và hướng đến trải nghiệm du lịch gắn với thiên nhiên.
Hơn 53% người dân sẵn sàng đi du lịch trong mùa hè này
Theo kết quả của cuộc khảo sát, có hơn 53% trong tổng số người được khảo sát đã sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này, 32,5% có dự định đi trong năm nay và hơn 14% còn lại chưa sẵn sàng để đi du lịch.
|
Đa số lựa chọn đặt tour thông qua nền tảng trực tuyến. |
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu du lịch đang bắt đầu có sự phục hồi, đặc biệt kể từ sau thời điểm lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng và Việt Nam chứng minh được thành công trong công tác phòng chống sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, sau thời điểm Covid-19 bùng phát, tâm lý e ngại khi đến những địa điểm tập trung đông người của người dân là điều hiển nhiên, vì vậy, thói quen du lịch của khách nội địa có sự thay đổi.
Có đến 49,3% người được khảo sát trả lời rằng họ lựa chọn những chuyến du lịch ngắn hạn, thường từ 2 -3 ngày, thiên hướng du lịch tự túc dịch vụ cùng với gia đình hoặc nhóm bạn bè. Cùng với đó, việc ứng dụng các nền tảng trực tuyến vào việc đặt tour cũng tăng lên đáng kể với 44,2%.
Cũng theo cuộc khảo sát này, nhiều người ưu tiên lựa chọn những điểm đến an toàn với dịch bệnh và có mức độ an ninh an toàn tốt. Vì vậy, những không gian du lịch gắn với thiên nhiên được nhiều người hướng đến, trong đó, du lịch biển chiếm tới 67%, tiếp theo là du lịch thiên nhiên với những khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái trên núi chiếm 56%.
|
Du lịch thiên nhiên được ưa chuộng hơn. |
Bên cạnh đó, các dịch vụ có ưu đãi hấp dẫn trong mùa dịch cũng được nhiều người quan tâm hơn. Như vậy, không gian du lịch của người dân tuy không đa dạng như thời điểm trước dịch nhưng nếu biết nắm bắt xu hướng du lịch của khách nội địa thì đây hoàn toàn là cơ hội để các doanh nghiệp có thể vươn lên.
Mặt khác, vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe được khách du lịch ưu tiên hàng đầu, vì vậy, làm tốt công tác phòng chống dịch sẽ là cơ sở để du lịch phục hồi sớm hơn trong thời gian tới.
An toàn hơn giảm giá
Kết quả của cuộc khảo sát trên cũng tương tự với dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, ngành du lịch Việt sẽ nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới với những thay đổi để thích nghi với xu hướng du lịch mới của người dân.
Mới đây, tạp chí The Politico của Mỹ đánh giá Việt Nam là đất nước đi đầu về hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong cuộc chiến chống Covid-19, tuy chỉ áp dụng lệnh hạn chế khá nhẹ nhàng. Vì vậy, bước ra khỏi cuộc chiến, Việt Nam là một trong những nước có triển vọng phục hồi tốt và du lịch sẽ là cứu cánh cho hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước thời điểm này.
Hình ảnh “Việt Nam – Điểm đến an toàn” được lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ du lịch thế giới, là nơi khách du lịch hoàn toàn yên tâm trải nghiệm cảm giác nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian dài bị “kìm nén”.
Từ kết quả của cuộc khảo sát, nhiều ý kiến đề xuất nhằm phát triển hoạt động du lịch nội địa trong thời gian tới được đưa ra.
Tại hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch/Tổng cục Du lịch, Ban IV, TAB tổ chức ngày 16/5 tại Thanh Hóa và hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” do Tổng cục Du lịch, Ban IV, TAB, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/5 tại Hà Nội, các ý kiến đề xuất đều cho rằng đây là cơ hội mang lại lợi ích cho người Việt khám phá vẻ đẹp Việt.
Khi thói quen du lịch của người dân có sự thay đổi rõ rệt sau dịch, các chuyên gia khuyến khích cần cơ cấu lại ngành du lịch.
|
Yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. |
Đối với sản phẩm du lịch, cần tập trung vào các dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch gia đình, du lịch theo nhóm nhỏ, đặc biệt hướng tới các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên chú trọng vào cảm giác trải nghiệm của khách du lịch,…
Đối với doanh nghiệp du lịch, cần đẩy mạnh hơn các hoạt động thanh toán điện tử, thương mại điện tử, các hình thức quảng bá hoạt động trực tuyến thông qua website và mạng xã hội.
Bên cạnh các chương trình khuyến khích phát triển du lịch, các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch vẫn cần thực hiện triệt để, nghiêm túc.
Vấn đề an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân tại các cơ sở, điểm đến du lịch trở thành “nhiệm vụ kép” song hành với việc phát triển, phục hồi du lịch thời gian tới.