Hậu Giang: Con đường bạc tỷ bị lãng quên

(PLO) - Không mấy khó khăn để chúng tôi tìm được con đường được thi công từ… 14 năm qua, gây bức xúc cho hàng ngàn hộ dân ngụ xã Đông Phước và xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), nhất là những hộ dân đã hiến đất làm đường và đến nay vẫn chưa có tín hiệu cho thấy việc thi công con đường sẽ được “nhớ đến”.
Hiện trạng đoạn đường 3,5 m đã đổ cát đen
Hiện trạng đoạn đường 3,5 m đã đổ cát đen

Nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến đường cho biết: khi Nhà nước có chủ trương mở đường với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, phả bỏ hoa màu, vườn cây ăn trái để giao đất, nhưng không hiểu vì sao việc thi công tiến hành được khoãng gần 4,5km thì ngưng lại cho đến nay.

Chị Lê Thị Kiều Oanh, ngụ số 103, ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu kể lại: “Gia đình tôi đã hiến gần 1.000 mét vuông đất để Nhà nước làm đường, nhưng 14 năm qua con đường này thi công “ ì ạch”, khiếu nại khắp nơi nhưng không ai giải quyết, nếu Nhà nước không thi công công trình thì nên trả đất lại cho gia đình sử dụng vào mục đích nông nghiệp khác…”.

Theo thiết kế, Dự án Đê bao kết hợp giao thông tuyến lộ Ngã tư Đông Sơn – Bưng Cây Sắn đi qua địa bàn 2 xã Đông Phước và Phú Hữu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) được khởi động từ năm 2002. Đến năm 2004, dự án được phê duyệt triển khai với 8km đường giao thông trải nhựa, rộng 3,5m có 7 cây cầu, tổng số vốn đầu tư 17 tỉ đồng, lấy từ nguồn vốn ngân sách tỉnh phân bổ. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ (CATACO). Dự kiến đến năm 2006 dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. 

Theo quan sát thực tế, phần đường đã thi công rải nhựa nay đã hư hỏng nghiêm trọng, nhiều đoạn sụp lún, nhiều “ổ voi”, phần đường còn lại có đoạn rải đá bụi để người dân đi tạm, có đoạn đổ cát nền nhiều lau sậy che khuất tầm nhìn rất phản cảm và nguy hiểm cho người lưu hành. Lãng phí nhất là cây cầu bắc qua sông Nàng  Mao đã làm xong nhưng không thể  làm đường dẫn nên không thể lưu thông, nay đã gỉ sét hoàn toàn.

Nhiều người dân còn cho biết thêm, khi tiến hành thi công, địa phương thông báo những hộ dân bị ảnh hưởng từ 70% diện tích sẽ được hỗ trợ một phần, thế nhưng trên thực tế, nhiều hộ đủ chuẩn đã không được hỗ trợ số tiền trên, ngược lại một số trường hợp không đủ chuẩn lại được nhận tiền hỗ trợ này (?). Bà Lê Thị Tiến, ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu cho biết: “…Nghe mở lộ, vì chuyện chung, tui đã đốn hết 10 gốc xoài trên 10 năm tuổi đang thu hoạch. Vậy mà mười mấy năm trời con đường vẫn ngổn ngang và không biết đến bao giờ mới hoàn thành…”.

Riêng lãnh đạo Ban Quản lí Dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành cho rằng,  các hộ dân không chịu giao mặt bằng để triển khai dự án như ban đầu cam kết là vì họ cho rằng thiếu công bằng, minh bạch trong công tác hỗ trợ.

Nhiều hộ dân còn cho biết thêm, đến nay lãnh đạo địa phương xã, BQL Dự án huyện không còn nắm được số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án( ?). Nếu thật vậy thì Dự án rơi vào cảnh đánh trống bỏ dùi. Năm 2010, sau nhiều lần khiếu nại, các hộ dân được thông báo: UBND tỉnh Hậu Giang lại chủ trương kết thúc Dự án. 

Thiết nghĩ, nếu việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại diễn ra công khai, minh bạch, dân chủ thì sẽ không có việc chậm trễ trên. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan đến Dự án trong thời gian qua trong việc quản lý số liệu. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự lãng phí của con đường “ đau khổ” này khi người dân bị ảnh hưởng của Dự án đang từng ngày mong chờ con đường.