Hậu Lộc (Thanh Hóa): Nhà máy gốm ăn cắp tài nguyên

(PLO) - Mặc dù đã hết hạn, nhưng Nhà máy Gốm Thịnh Lộc, huyện Hậu Lộc vẫn khai thác đất. Thay vì phải đưa ra những biện pháp để xử lý thì các cấp chính quyền lại tỏ ra thờ ơ, đổ trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường!.

Theo Quyết định 2403 ngày 25/07/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Chi nhánh Công ty CP Sản xuất và Thương mại Đại Thanh - Nhà máy Gốm xây dựng Thịnh Lộc, địa chỉ xã Thịnh Lộc, huyện Hậu Lộc được khai thác đất sét làm gạch ngói và thuê đất tại xã Thịnh Lộc. Thời hạn khai thác và thuê đất là 36 tháng, kể từ ngày ký quyết định.
Thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, khi giấy phép khai thác đã hết hạn, thay vì dừng khai thác để chờ quyết định gia hạn từ UBND tỉnh Thanh Hóa, Nhà máy Gốm xây dựng Thịnh Lộc vẫn ngang nhiên khai thác đất. Có mặt tại khu vực khai thác ngay sau nhà máy, chúng tôi chứng kiến một công trường khai thác đất rầm rộ, hai máy múc và gần chục chiếc xe tải hoạt động hết công suất. Xe lớn, xe nhỏ nhộn nhịp nối đuôi nhau chở đất vào bãi tập kết của nhà máy.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Nhà máy Gốm xây dựng Thịnh Lộc cho biết: Cũng biết là giấy phép khai thác của nhà máy đã hết hạn từ tháng 7 và đang trong thời gian làm thủ tục đợi gia hạn, nhưng cũng vì bí nguyên liệu nên mới tiến hành múc một ít ở diện tích 3,5ha được cấp phép xây dựng cơ bản để làm bãi chứa nguyên liệu của nhà máy để phục vụ cho sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đảng – Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc thẳng thừng: Chỗ nhà máy đang lấy đất trong khung được khai thác do UBND tỉnh cấp, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên hiện tại mới tiếp tục khai thác. Nếu như bình thường chỉ cần lấy vài năm là đã hết, nếu là đất của huyện giao thì xã có trách nhiệm quản lý, nhưng đây là quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh ký, vì vậy đó là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường và nhà máy?!
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Quang – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc cho biết: Khi giấy phép khai thác của Nhà máy Gốm xây dựng Thịnh Lộc hết hạn, chúng tôi đã xuống kiểm tra và yêu cầu dừng khai thác. Còn hiện tại nhà máy vẫn còn tiến hành lấy đất thì Phòng chưa nắm được. Nhưng chủ yếu phải là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, chứ huyện làm sao ở dưới đó để biết được khi nào nhà máy lấy đất?!
Trước thực tế, việc Nhà máy Gốm xây dựng Thịnh Lộc đang khai thác đất là trái với quy định của pháp luật, nhưng, các cấp chính quyền huyện Hậu Lộc thay vì siết chặt quản lý lại đùn đẩy trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Câu hỏi đặt ra: Có phải chính quyền địa phương đang “cố tình” không hiểu luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ăn cắp tài nguyên khoáng sản của Nhà nước?! 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm