Từ người sợ kim tiêm, trở thành “Hiệp sĩ hiến máu”

(PLO) -15 năm qua, kể từ lần đầu tiên hiến máu cứu bạn đến nay trung bình hơn hai tháng anh lại đi hiến máu một lần, thậm chí trong hai ngày anh hiến 1 lít máu để cứu người. Anh là “hiệp sĩ hiến máu” Nguyễn Văn Quý (SN 1979), Chủ tịch Hội Nông dân phường Hội Thương, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. 
Từ người sợ kim tiêm, trở thành “Hiệp sĩ hiến máu”
Người sợ kim tiêm trở thành hiệp sĩ
Anh Quý sinh ra và lớn lên tại TP.Pleiku. Là con nhà võ, được bố dạy và khuyến khích tập luyện khi mới học lớp 3 nên anh rắn chắc, khỏe mạnh hơn các bạn cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, anh thật thà: “Nhìn to con thế nhưng tôi sợ tiêm lắm. Cứ tưởng tượng cái mũi kim tiêm chọc vào người là tôi sợ chết khiếp, bởi vậy không bao giờ “dám” ốm. Nhiều lần trường tổ chức tiêm phòng ngừa bệnh, tôi đều lẻn trốn về”. 
Kết thúc chương trình phổ thông, anh Quý theo học Trường Trung cấp Luật, đồng thời tham gia công tác đoàn của phường. Nhờ đó, anh hiểu hơn về các hoạt động thiện nguyện, về tinh thần hiến máu nhân đạo cứu người của đoàn viên thanh niên, nhưng bản thân anh nghĩ chẳng bao giờ mình đi hiến máu. 
Năm 1999, trong lần tham gia tình nguyện, một thành viên trong đoàn bị tai nạn giao thông mất nhiều máu, cần tiếp máu gấp nhưng chưa tìm được nguồn máu. Thấy bạn trong cơn nguy kịch, biết mình có cùng nhóm máu B, anh Quý không thể làm ngơ nên liều nhắm mắt để bác sĩ lấy máu cứu bạn. Nhờ đó, bạn anh qua cơn nguy hiểm và dần bình phục. Anh Quý vui lắm, cảm giác sợ tiêm cũng không còn nữa. 
Với 68 lần hiến máu, anh Quý được Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam tặng danh hiệu "Hiệp sĩ hiễn máu"
Với 68 lần hiến máu, anh Quý được Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam tặng danh hiệu "Hiệp sĩ hiễn máu" 
Nhận thấy những giọt máu của mình có thể cứu sống nhiều người, anh Quý càng cảm nhận được sự quan trọng của việc cho máu. Chính từ ý nghĩ đó, anh Quý luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào để cứu người, đồng thời vận động cả gia đình, bạn bè, người thân đi hiến máu. “Mỗi lần hiến máu xong tôi thấy cơ thể mình khỏe ra, ăn rất ngon miệng, da dẻ hồng hào, béo tốt. Vậy tại sao lại không hiến máu tiếp chứ”- anh Quý cười vui.
68 kỷ niệm khó quên
Kể từ lần đầu tiên hiến máu cứu bạn đến nay, trung bình cứ hơn 2 tháng anh Quý lại đi hiến máu một lần. Ngoài ra, bất cứ khi nào người bệnh, bệnh viện cần máu là anh sẵn sàng lên đường. Trong những tình huống quá cấp bách để cứu người, anh Quý còn liều mạng hiến đến 1 lít máu trong vòng 2 ngày. 
“Cách đây vài năm, mẹ của một cán bộ phường bị tai nạn, thiếu máu rất nhiều trong khi gia đình chưa tìm được người cùng nhóm máu. Biết chuyện, tôi đã hiến 2 đơn vị máu (tương đương 0,5 lít máu). Ngày hôm sau, một người quen của tôi đang cần máu gấp cũng vì tai nạn nên tôi đã cho tiếp 0,5 lít máu”, anh Quý nhớ lại.
Đến nay, tổng số lần hiến máu của anh Quý đã lên đến con số 68. Đó là 68 câu chuyện khác nhau về những mảnh đời và có những  kỉ niệm có lẽ suốt đời này anh Quý không quên được. Có hai trường hợp anh cho máu nhưng không cứu được người bệnh khiến bản thân mãi bị ám ảnh. 
“Tôi nhớ nhất một gia đình có con gái bị ung thư máu giai đoạn cuối ở thị trấn K’Bang, huyện K’Bang, Gia Lai. Cô gái đó chỉ mới 25 tuổi, vì thương con nên cha mẹ cô bán sạch tài sản, đưa vào thành phố chữa chạy với hy vọng kéo dài sự sống cho con. Tôi đã tặng cô gái 2 lần máu của mình nhưng không khỏi buồn bởi nửa tháng sau, tôi nhận được tin cô mất. Trường hợp nữa là mẹ của bạn tôi bị tai nạn giao thông, chấn thương nặng phải mổ. Dù tôi đã cho 2 đơn vị máu nhưng bác ấy cũng không qua khỏi”. 
Sau những lần cho máu, anh Quý nhận ra rằng có nhiều bệnh nhân nghèo sự sống phụ thuộc vào những giọt máu nhân đạo của xã hội, mà chỉ mình anh thì không thể đáp ứng được nhu cầu đó. Anh băn khoăn, trăn trở và nung nấu quyết tâm thành lập Câu lạc bộ (CLB) hiến máu cứu người. 
Ngày 29/10/2011, Câu lạc bộ Nhân Ái, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai đi vào hoạt động, với 40 thành viên. Thời gian đầu, CLB gặp nhiều khó khăn trong việc vận động mọi người tham gia hiến máu, nhưng với sự kiên trì thuyết phục của các thành viên nòng cốt nên đến nay CLB đã có 68 thành viên ở khắp nơi trong tỉnh tham gia, với 4 nhóm máu O, B, AB, RH - vốn là nhóm máu cực kỳ quý hiếm.
Anh Quý cho biết, thành viên của CLB là những cán bộ phường, những người đã từng được anh cho máu và người thân gia đình. Đặc biệt, có người từng bị nạn và được cứu sống nhờ những người hiến máu từ thiện, sau khi khỏe mạnh hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu nên đã tham gia CLB. 
Gần 3 năm hoạt động, CLB Nhân Ái đã trở thành “nguồn máu” dự trữ đáng tin cậy cho các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Pleiku cũng như tỉnh Gia Lai. Điều này đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Là lãnh đạo CLB, anh Quý mong muốn ngày càng có nhiều thành viên tham gia, đặc biệt là những người mang nhóm máu mà CLB chưa có. 
Anh Quý tiết lộ thêm, sắp tới CLB Nhân Ái sẽ không chỉ chuyên về cho máu mà còn mở rộng về công tác từ thiện, giúp đỡ những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.H.G 
Với 68 lần hiến máu, anh Nguyễn Văn Quý được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng danh hiệu “Hiệp sĩ hiến máu” và công nhận là người hiến máu nhiều nhất tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, anh Quý còn nhận được rất nhiều Giấy khen, Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Trung ương Đoàn, các cấp, ngành có liên quan vì thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chưa hết, anh còn là Tổng Thư ký bộ môn Taekwondo của tỉnh và nằm trong đội trọng tài quốc gia của bộ môn này. Là huấn luyện viên nổi tiếng môn võ Taekwondo gần 20 năm qua, anh Quý luôn miễn tiền học phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn.

Đọc thêm