Hãy cùng nhìn lại một năm đã qua

(PLVN) - Ngày cuối năm đã đến, bên cạnh những niềm vui năm mới, khởi đầu mới còn có những cái tặc lưỡi tiếc nuối “Hết năm rồi à?”, “Sao nhanh quá!” cứ chực chờ thốt ra. Do đó, đây chính là lúc để cùng nhìn lại một năm đã qua cả điều tốt đẹp, vui vẻ, buồn bã, từ đó nhìn nhận lại bản thân sâu sắc, hiểu rõ mình muốn gì, cần gì để chuẩn bị cho năm tới.
Cuối năm là những khoảng lặng cho mọi người. (Ảnh minh họa - Nguồn: Milkcocoa)

Xu hướng của giới trẻ

Ngay từ những ngày đầu của tháng cuối năm, M.Phương (25 tuổi, Hà Nội) đã “rục rịch” chuẩn bị cho kế hoạch nhìn lại một năm đã qua của mình. Bằng cách chuẩn bị một quyển sổ yêu thích và các cây bút nhiều màu, năm 2023 của cô dường như được quay trở lại trên mỗi nét chữ.

“Từ những công việc đã làm, địa điểm đã đi qua, điều đã học được, cuốn sách đã đọc cho đến cả những thành tựu và tiếc nuối chưa làm được trong năm 2023 đều được tôi ghi lại một cách tỉ mỉ. Đây là hoạt động quen thuộc 1 - 2 năm gần đây của tôi, cứ vào tháng 12 tôi sẽ lại ngược dòng ký ức của mình để nhìn lại một năm đã qua, cùng điểm lại những sự kiện quan trọng và xem mình đã đạt được bao nhiêu mục tiêu đặt ra vào đầu năm”, M.Phương chia sẻ.

Thói quen của M.Phương nghe có vẻ lạ với nhiều người nhưng thực chất đây lại là xu hướng nổi bật của giới trẻ vào dịp cuối năm, chỉ khác là bằng những hình thức khác nhau. Có người thì tự nhìn lại một năm ngay trong suy nghĩ nhưng cũng có người ghi lại ra giấy, máy tính hay thậm chí vẽ lại nhưng chỉ để riêng mình chiêm nghiệm, thấu cảm.

Cũng có người chia sẻ một năm của mình với bạn bè, gia đình, có người công khai trên các nền tảng mạng xã hội. Chả thế mà cứ mỗi dịp năm hết, Tết đến, trên khắp các mạng xã hội, người người, nhà nhà lại thi nhau kể về các thành tựu, buồn vui năm vừa qua.

Việc nhìn lại một năm đã qua là một xu hướng có thể dễ bắt gặp ở bất kỳ đâu, nhất là trên các ứng dụng có đông người sử dụng. Trên thực tế, xu hướng nhìn lại một năm được khởi nguồn trên chính các ứng dụng đó. Cứ đến cuối năm, nhiều nền tảng khác nhau bắt đầu đưa ra một bản báo cáo cá nhân cho người dùng về lịch sử, thói quen, xu hướng tìm kiếm trong năm đó.

Những bản báo cáo, review một năm nhìn lại này giúp người xem kết nối lại với những điều họ đã bỏ lỡ, đồng thời nhắc nhớ về tất cả những gì đã xảy ra trong 12 tháng qua. Điển hình như các ứng dụng âm nhạc, vào đầu tháng 12 ứng dụng sẽ đưa ra danh sách được thống kê bởi nền tảng về gu âm nhạc, bài hát nghệ sĩ yêu thích trong năm.

“Tôi thường dùng mạng xã hội để nhìn xem bản thân đã thay đổi thế nào trong suốt một năm qua. Là người có sở thích cập nhật, đăng tải ảnh và các sự kiện lên mạng xã hội nên hầu như khi nhìn lại tôi không bỏ sót sự kiện nào. Cảm giác ngồi ngắm nghía lại kho ảnh năm cũ khiến tôi cảm thấy phấn chấn và yêu đời hơn cũng như có thêm năng lượng cho tương lai. Dù đó có là việc vui hay buồn thì khi nhìn lại tôi vẫn thấy hạnh phúc vì đó là con đường tôi đã vượt qua được trong năm cũ”, T.Như (22 tuổi, Tuyên Quang) cảm nhận.

Tháng cuối cùng của năm và tuần đầu năm mới là thời điểm rất thích hợp để chúng ta nhìn nhận xem sự nghiệp của mình đang tiến triển thế nào. Đây là lúc ai cũng nên rà soát lại tất cả mọi thứ một cách trung thực nhất để tự nhìn nhận xem bản thân đã nỗ lực hoàn thành bao nhiêu phần trăm kế hoạch trong năm cũ, liệu có gì còn thiếu sót và đâu là nguyên nhân, phải khắc phục những hạn chế nào nhằm phát triển bản thân tốt hơn và tất nhiên là đặt ra một kế hoạch nhiều hứa hẹn cho năm mới sắp đến.

Với nhiều bạn trẻ, việc nhìn lại một năm không đơn thuần chỉ là một thói quen hay sở thích mà còn mang lại nhiều cảm xúc tích cực. Bởi khi ngoảnh đầu nhìn lại, nhìn quãng thời gian đã đi qua, chúng ta ngày một biết ơn và trân quý những điều đã xuyên qua cuộc đời, vì sau tất cả vẫn ở đây, vẫn mạnh mẽ và vẫn đang ngày một cố gắng trở thành một phiên bản tốt nhất của bản thân.

Mọi nỗi đau, thất bại đã ở lại năm cũ

Thực tế, việc ngắm nhìn những trải nghiệm trong năm cũ phủ sóng rộng rãi trong giới trẻ chính bởi nhiều lợi ích mà nó mang đến. Sở dĩ mọi người đều tận hưởng cảm giác “sống lại kí ức vào dịp cuối năm” một phần là vì sức hút và ích lợi đến từ việc hoài niệm về những khoảnh khắc tuy cũ nhưng tươi đẹp.

Qua nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của cảm giác hoài niệm nói trên, Tiến sĩ Wing Yee Cheung ghi nhận đa số người tham gia đều cho rằng khi họ nhớ về những điều đẹp đẽ đã xảy ra với bản thân, dù chỉ là quá khứ, lại cảm thấy hạnh phúc hơn và có thêm niềm tin vào tương lai một ngày nào đó, thế giới lại đối đãi với họ dịu dàng như cách nó đã từng.

Bên cạnh đó, nhìn lại năm cũ cũng là một ví dụ điển hình của “self-reflection”, được định nghĩa là sự tự phản chiếu của mỗi cá nhân với những gì đã diễn ra trong cuộc sống của họ. Theo nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard, việc tự phản chiếu như thế đã phát huy tác dụng ngay trong những trường hợp nhỏ nhất.

Trong nghiên cứu phân công nhiệm vụ cho ba nhóm nhân viên sau buổi rèn luyện, hai nhóm được yêu cầu ngồi suy xét lại về buổi rèn luyện đều ghi nhận lần lượt là 22,8% và 25% gia tăng trong năng suất làm việc, qua đó chứng tỏ việc phản chiếu chuyện đã qua giúp thúc đẩy thêm động lực và hứng khởi làm việc.

Với cá nhân, nhóm nhà nghiên cứu của Noah Dinhson, đến từ Trường Đại học Swinburne Technology cho biết sự soi chiếu lại bản thân được chứng minh rằng có tác động tích cực trong việc giúp mỗi cá nhân tìm được bản ngã thông qua nhận thức tốt hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Qua đó giúp dễ dàng định hình “chân dung” mà ta ao ước hướng tới trong tương lai.

Với các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị… “Lễ tổng kết cuối năm” chính là một hình thức nhìn lại một năm đã qua. Đây là hoạt động ngày càng được chú trọng như một sự kiện đặc biệt. Cuối năm là thời điểm thích hợp để đơn vị tổng kết lại quá trình hoạt động cũng như thành tựu đạt được lẫn hạn chế cần khắc phục trong năm vừa qua. Đồng thời động viên, khen thưởng những gương mặt xuất sắc có công đóng góp cho sự phát triển của đơn vị trong năm qua.

Thay vì ngồi nghe các báo cáo tổng kết nặng tính chuyên môn, lễ tổng kết cuối năm ngày nay thường được lồng ghép trong nhiều hoạt động phong phú như Gala dinner, Teambuilding, Year end Party. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết giữa ban lãnh đạo và nhân viên, giữa các đồng nghiệp với nhau, tạo môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm - kỹ năng làm việc đáp ứng xu hướng của thời đại mới.

Không chỉ dừng lại ở tâm lý mỗi cá nhân, góc độ công việc, sức khoẻ mà cả đời sống tình cảm đều cần có bản tổng kết hàng năm. Theo nhiều cuộc khảo sát, bản đánh giá “nhìn lại một năm đã qua” được thực hiện hàng năm giúp mọi người nhìn lại đã “được - mất” gì, những điều đã làm được hoặc còn chưa thực hiện xong.

Nói cách khác, chức năng của bản tổng kết này vừa giống như một lời khen ngợi cho thành tựu của năm cũ, vừa giống một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng chúng ta của năm cũ còn nhiều thiếu sót, còn nhiều thứ cần phải cải thiện. Không chỉ mang lại giá trị cho cá nhân mà cả tập thể cũng có thể nhận thấy đâu là điều quan trọng trong một năm qua.

Nếu như cả năm chúng ta đã chạy đua theo guồng quay cuộc sống, càng gần cuối năm chúng ta càng có xu hướng sống chậm lại và muốn nhìn lại một năm với nhiều điều đáng ghi nhận và suy ngẫm. Đó có thể là những ngày tháng đầy tươi đẹp, hạnh phúc. Đó cũng có thể là thời gian để lại nỗi đau, sự thất bại ở sau lưng… Nhưng như một thông lệ, việc nhìn lại một năm đã qua đã trở thành một thói quen của không ít người trẻ khi năm cũ sắp sửa qua, năm mới chuẩn bị đến.

Để nhìn lại quãng đường một năm đã đi qua, hãy dành thời gian để "tự phản chiếu" về những điều đã được trải nghiệm trong quá khứ bằng cách trả lời 6 câu hỏi: "What (Sự kiện gì?), Where (Ở đâu), Who (Với ai?), When (Khi nào?), How (Như thế nào?), Why (Tại sao?).