Nỗi đau khôn lường
Còn nhớ, ngày 21/10/2012, cái chết của em Nguyễn Thị L. - lớp trưởng lớp 10A10, Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) khiến gia đình và nhà trường bàng hoàng, đau đớn. Vì trót làm mất 500 nghìn quỹ lớp, sợ mọi người xì xào đổ oan cho mình lấy trộm, L đã uống thuốc trừ cỏ để quyên sinh. Gia đình phát hiện ra đưa em đến bệnh viện thì đã quá muộn, thuốc độc ngấm quá lâu vào cơ thể đã cướp đi sự sống của em học sinh vừa ngoan vừa giỏi.
Trong lá thư để lại cho thầy, cô giáo, ngoài những lời tâm sự buồn vì phải xa thầy, xa bạn, cô bé nói rằng mình buộc phải tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch:
“Em chào thầy và các bạn!
Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch. Thầy ơi cho em xin lỗi vì đã để thầy nhắc”.
Trong lá thư thứ hai, L. viết: “Em chào thầy và các bạn!
Em thành thật xin lỗi vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nó nhưng em đã xin bố em tiền để trả lại lớp. Mong thầy thông cảm cho em. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng mà cho em làm lớp trưởng, cho em được cùng học tập với các bạn. Nhưng nhiều khi em đã để thầy phải nhắc nhở.
Em xin lỗi! Sau cái chết này, em mong em sẽ chứng tỏ được mình trong sạch. Xa các bạn, thầy cô quả là một điều rất buồn nhưng dù sao em vẫn phải cảm ơn mọi người đã cho em học tập thật vui vẻ bên mọi người cùng những ngày tháng qua. Các bạn luôn làm cho em vui vẻ, nhưng em đã làm gì buồn mong các bạn tha lỗi nhé! Tạm biệt thầy và các bạn! Hãy học tốt nhé! Nhớ mãi những ngày qua”...
Nếu các bạn có sang lại nơi này hỏi chuyện, các bạn sẽ được biết một nửa còn lại của bi kịch. Bố cô bé nhiều ngày sau đến lớp học ngồi vào vị trí của cô bé. Và rồi 100 ngày sau, bố cô bé cũng đã uống thuốc sâu tự tử. Hai nấm mồ nằm ngay cạnh nhau…
Không ít người nhớ về những năm tháng phổ thông của mình, khi một đứa trẻ yếu thế bị phớt lờ: Năm lớp 6, với thành tích 1 trong 3 thủ khoa thi tốt nghiệp cấp 1, mình dễ dàng được xếp vào lớp chọn A1 của trường (trường có 8 lớp, 3 lớp chọn A1, A2, A3, còn lại là các lớp thường).
Học được 2 tuần, có 1 bạn được chuyển vào lớp mình, trong khi sĩ số lớp đã đủ 48, cô chủ nhiệm dạy toán ra 1 bài kiểm tra để loại 1 bạn đi. Và 1 tuần sau, tức là 3 tuần kể từ khai giảng, mình là người bị loại. Cảm giác lúc ấy thực sự rất sốc, mình chưa bao giờ có cảm giác thất bại và xấu hổ đến như thế.
Bố mẹ mình lên tận trường hỏi cho ra nhẽ tại sao con tôi lại bị đẩy xuống lớp gần bét bảng như thế, trong khi thành tích học tập không thua kém ai. Lời qua tiếng lại cũng mất 2 tuần mình học ở lớp mới. Thầy hiệu trưởng thấy nhà làm căng thì nói nếu cháu muốn về A1 thì nhà trường sẽ chuyển cháu về lớp như cũ, nhưng mình trả lời cháu sẽ vẫn học ở lớp mới.
Mình vẫn nhớ cái cảm giác bị loại khỏi lớp chọn nó xấu hổ, tủi nhục kinh khủng, thậm chí mình còn định chuyển trường, không dám cả đi học. 1 đứa trẻ con có 12 tuổi đầu mà bị phát sốc tâm lý như thế, thử hỏi là các bạn, các bạn có cảm giác như thế không?
Năm lớp 8, mình thi học sinh giỏi được giải cao, cô chủ nhiệm A1 xin mình về lớp cũ nhưng mình không đồng ý. Rồi mình thi cấp 3, vào lớp chọn luôn, thi đại học cũng vào trường top, ra trường có công việc ổn định ở Hà Nội. Đấy là thành quả của biết bao cố gắng, mình coi sự cố năm xưa như một sự vấp ngã và mình đã đứng dậy được.
Nhưng ở ngoài kia biết bao học sinh bị thầy, cô giáo vô cảm trên danh dự của một đứa trẻ? Bị rơi vào những hoàn cảnh ấy, mấy người lấy lại được phong độ? Hay thay vào đó là sự chán trường, chán lớp? Sợ thầy cô, bạn bè? Mình tin rằng, có rất nhiều bạn đọc được bài này cũng cảm thấy như mình hoặc rơi vào trường hợp như mình. Đó là những gì chúng ta muốn nói về bài học danh dự.
Có bao nhiêu thầy cô chủ nhiệm còn nhìn sâu vào mắt trẻ?
Trở lại câu chuyện của cô bé 7 tuổi đứng nắng, sự việc rồi sẽ đi đến đâu nếu nhà trường đã không nhận lỗi sau những ồn ào lên tới đỉnh điểm? Những ngày qua cô bé học sinh lớp 1 nhỏ bé và mong manh của chúng ta đã trải qua những gì? Có ai ghét bỏ, phân biệt đối xử, trêu chọc bé ở trường sau những gì đã xảy ra không? Người lớn có bàn tán chuyện này trước mặt bé không? Bé có tự ti, mặc cảm khi phải đứng trước bục giảng bị cô phê bình, thậm chí bị mang tiếng là có một người mẹ không trung thực?
Một chuyện vốn dĩ không có gì ghê gớm nếu ngay từ đầu nhà trường quan tâm hướng dẫn chỗ trú nắng cho học sinh đi sớm, giáo viên tìm giải pháp hỗ trợ các con thay vì bắt những học sinh nhỏ tuổi đứng phạt trên bục giảng rồi chụp ảnh để “răn đe” người lớn, thì đâu đến nỗi gây ra những bức xúc không đáng có như vậy từ phía phụ huynh?
Sự việc cháu bé lớp 1 ở Hải Phòng, theo lời người mẹ do gia đình khó khăn không thể ăn bán trú, buổi chiều cô không cho đến lớp sớm, phải đứng ngoài cổng trường nắng nóng 15 phút. Điều có thể nhìn thấy rõ nhất ở câu chuyện này, đó là giáo dục phải có sự kết hợp giữa nhà trường với gia đình, dựa trên nền tảng tri thức và tình cảm, nhưng khi người ta từ bỏ tình cảm thì giáo dục sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự khủng hoảng là không thể tránh khỏi.
Còn nhớ thời chưa xa, thế hệ 7X chúng tôi, các cô giáo các cấp cũng thường đến thăm gia đình, trò chuyện để hiểu về những bạn học sinh đặc biệt như gia đình khó khăn, bệnh tật, những bạn học giỏi vươn lên, những bạn gia đình ly tán...
Thầy cô không chỉ đến thăm 1 lần, mà có thể lặp lại vài lần trong năm, thăm nhiều năm. Người thầy như vậy, ngay cả khi học sinh có làm cho giáo viên trở nên mệt mỏi hay tức giận thì trong sâu thẳm trái tim, người thầy ấy vẫn dành cho học sinh của mình những tình yêu thương và trách nhiệm cao nhất.
Hãy nhìn thẳng vào đôi mắt chân thành của đứa trẻ, trẻ em bao giờ cũng tử tế và cảm nhận yêu thương, đúng sai chân thật nhất, bởi mỗi đứa trẻ là một trang giấy trắng tinh khôi. Thế nên, chỉ có tình yêu và tri thức mới làm nên những con người tốt. Nhà trường từ lâu đã mải miết với bảng điểm, với thành tích mà quên mỗi học sinh là một thiên thần. Và mỗi người thầy không chỉ dạy trò bằng tri thức mà bằng cả trái tim mình…
Không ít người đặt câu hỏi, năm học 2019-2020 gần kết thúc, vậy cô chủ nhiệm và bao nhiêu giáo viên đã biết hoàn cảnh thực sự của em học sinh lớp 1 không ăn bán trú kia? Người lớn chúng ta chỉ cần làm cái điều đơn giản đó thì tôi chắc chắn rằng ban giám hiệu sẽ không phân trần trước công luận rằng nhà trường không có chủ trương nọ kia và không sai, sẽ chẳng có thầy cô nào nói rằng em học sinh lớp 1 đến trường sớm hơn 15 phút, được bạn sao đỏ dẫn vào lớp nhưng lại tự ý bỏ ra đứng ngoài cổng… Giá như ngay từ đầu họ nói: “Chúng tôi sai rồi, chúng tôi xin lỗi”... thì sự việc đã không quá mức ồn ào đến vậy!
Nếu như ngay từ đầu, họ nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình, như thầy Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh), nơi cậu bé 12 tuổi đã mãi mãi dừng lại những mùa phượng cháy, ngay khi nghe ông thốt lên, người nghe chỉ muốn chạy đến ôm vị Hiệu trưởng già này: “Nếu các anh chị hỏi trách nhiệm đó thuộc về ai thì cây ngã trong trường trước nhất là lỗi thuộc về tôi! Dù tai nạn không mong muốn nhưng cũng đã xảy ra, tôi xin nhận trách nhiệm”! Khẳng khái và dứt khoát! Có lẽ do vấn đề này rơi vào đúng chuyên môn của ông: Dám chịu trách nhiệm, bài học dạy làm người.
Trước đầu sóng ngọn gió, đứng trước viễn cảnh sẽ có những đám đông cuồng nộ, áp lực bủa vây, người ta dễ dàng đổ lỗi do tai nạn ngoài ý muốn, nhưng ông lại chọn cách gánh trách nhiệm lên vai mình. Đó không chỉ là tự trọng của người đứng đầu mà còn là sự dũng cảm và lương tâm của nhà sư phạm.
Dẫu lời nhận lỗi của ông không thay đổi được hậu quả thương tâm đã xảy ra nhưng ít nhất mang lại niềm tin. Bởi, nếu nhà quản lý nào cũng ý thức được trong mọi việc, trách nhiệm trước tiên đều thuộc về mình, lấy đó làm thước đo mà hành động thì chắc những rủi ro, sai sót sẽ giảm đi rất nhiều. Đằng sau câu chuyện bi thương, ít ra, chúng ta vẫn tìm thấy được niềm tin từ thầy hiệu trưởng.
Và với một nhà sư phạm như thế, những đứa trẻ lớn lên, tùy vào năng lực từng người, có thể không thực sự giỏi hay nổi bật, nhưng các em sẽ luôn là những con người trưởng thành, tử tế, coi trọng những giá trị và danh dự.
Cho dù, trong nỗi bi thương của gia đình và nhà trường, nhắc nhở chúng ta về những yêu thương. Trường học là nơi lưu giữ những ký ức ngọt ngào và đẹp đẽ, thay vì không ít những đứa trẻ phải sợ hãi đến hụt hẫng khi mất mát cả một khoảng trời ấu thơ khi đến trường. Nỗi mất mát có thể đến với bất kỳ ai, quan trọng trước những mất mát ấy, hãy để lòng trắc ẩn thức tỉnh những yêu thương…