Hãy giúp đỡ thay vì tò mò!

(PLVN) - Nếu những hành vi tò mò, tụ tập biến thành hành động nghĩa hiệp, hợp tác với cơ quan chức năng, hỗ trợ người bị nạn sẽ rất hữu ích.
Nhiều người chen lấn trong đám tang nghệ sĩ Anh Vũ để livestream.

Xúm xít những chốn tai nạn, ẩu đả, truy bắt tội phạm là thói quen xấu của một bộ phận người Việt. Thói xấu ấy còn đôi khi đi kèm cả sự vô cảm khi họ tụ tập, gây ồn ào, náo loạn ở những nơi không nên tụ tập chút nào và gây cản trở hoạt động cứu người hay gây bức xúc cho người bị hại. Đó là những vụ tai nạn mà người đứng xem đông đúc vòng trong, vòng ngoài, nhưng không một ai đến giúp đỡ, hỗ trợ người bị nạn.

Trong khi đó, người gặp tai nạn cần có không gian đủ rộng để hít thở không khí, để sơ cứu đúng cách, cần hơn nữa là không bị ách tắc giao thông để được đưa đi cấp cứu kịp thời. Đã có những chuyện đau lòng xảy ra khi mà đám đông tò mò tụ tập, nhưng vô cảm trước tình cảnh của người bị tai nạn, khiến người bị tai nạn đau đớn, qua đời.

Hay như trong chuyện tang ma của những nghệ sĩ nổi tiếng. Lần nào cũng vậy, hễ một nghệ sĩ nổi tiếng qua đời, lại thấy ngoài người thân, bạn bè đến chia buồn, có cả những đám đông tụ tập trước đám tang. Đó là những người đến để xem tang ma của nghệ sĩ lớn đến thế nào.

Họ cũng đến để xem các nghệ sĩ khác, “thần tượng” của họ ngoài đời như thế nào. Họ tạo thành một đám đông cười đùa, huyên náo, chạy đến xin chữ kí, xin chụp ảnh chung với người nổi tiếng, khiến đường vào tang gia bị tắc nghẽn, khiến không gian chia buồn bị phá vỡ bởi những tiếng reo hò, kêu réo đầy phản cảm.

Như trong đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ, hàng trăm người dân đã chen chân nhau livestream, vừa bàn tán về đám tang, về gương mặt nghệ sĩ quay cận cảnh và đời tư của mỗi nghệ sĩ xuất hiện tại đám tang cũng được mổ xẻ. Họ khiến tang quyến hết sức bối rối càng rối hơn vì không biết ứng xử sao đối với những người nhân danh “người hâm mộ” nhưng thiếu văn hóa, trơ trẽn và phá hoại.

Cũng trong nhiều sự việc đau lòng của bạo lực học đường, bạo hành gia đình của người yếu thế trong xã hội bị bắt nạt, đã có các đám đông bàn tán, chỉ trỏ, nhưng không một ai lên tiếng, không ai can thiệp để ngừng chuyện bất bình, giúp đỡ người bị nạn dù hoàn toàn có khả năng.

Thay vì đứng xem một cách tò mò và “tám chuyện” như đang “xem phim”, đáng ra những người ở hiện trường tai nạn biết tuân thủ khoảng cách quy định, biết hỗ trợ gọi cấp cứu, cất giữ đồ đạc giúp người tai nạn thay vì quay phim và bàn tán, hay gọi cơ quan chức năng, đồng lòng bảo vệ những nạn nhân của bạo lực diễn ra trước mắt. Hay tại các tang ma nghệ sĩ, hãy học các lực lượng fan hâm mộ nước ngoài, khi họ lặng lẽ và đầy văn minh, tổ chức những buổi thắp nến tưởng niệm thần tượng của mình chứ không hề gây rối tại tang gia…

Nếu tất cả những sự tò mò mang vô cảm và ác ý ấy được biến thành hành động nhiệt tình tuân thủ pháp luật, giúp đỡ và hỗ trợ thì kết quả của nhiều sự việc ắt hẳn đã khác, cái tình giữa người với người đã tỏa sáng và đời sống sẽ đẹp hơn biết mấy.