Tò mò bất chấp hậu quả - thói xấu cần xử lý nghiêm

(PLVN) - Thích tụ tập đông người, tò mò bất chấp hậu quả… là những thói quen xấu của một bộ phận người Việt. Những thói xấu này có thể dẫn đến những hệ quả khó lường.
Người dân tụ tập tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ gây rối tang gia.
Người dân tụ tập tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ gây rối tang gia.

Gây khó khăn cho cơ quan chức năng

Trong sự việc lực lượng chức năng truy bắt Tuấn “khỉ” tại Củ Chi, TP HCM vừa qua, dư luận cũng đã thấy được trí tò mò đã đưa người dân đến đâu. Ngay tại hiện trường vụ nổ súng và vây bắt, người dân xúm xít vòng trong vòng ngoài theo dõi diễn biến. 

Chưa hết, không ít người dân nghe thông tin có vụ nổ súng, dù ở cách đó vài chục cây số, như Đồng Nai, Long An… cũng chạy xe máy, chở nhau đến xem. Sự tò mò của đám đông tụ tập đã biến nơi truy bắt kẻ nổ súng giết người trở nên ồn ào như “hội chợ”.

Những nhà trọ trong khu vực trở nên đông đúc vì khách từ xa đến nghỉ lại để xem, những hàng quán mọc lên tạm bợ để đáp ứng nhu cầu của khách nghỉ chân và “tám chuyện” cũng không ít, trong đó có những chủ quán doanh thu hàng chục triệu/ngày chỉ nhờ cung cấp nước uống cho khách tò mò. 

Không chỉ thế, người dân còn tổ chức chụp hình, quay phim, livestream trên mạng. Nhiều người bán hàng online, nhiều facebooker mê “câu view” cũng làm đủ chiêu trò quanh sự việc này để tăng “like”, đưa những thông tin sai sự thật ngập tràn mạng xã hội. Thậm chí, câu chuyện Tuấn “khỉ” gọi điện cho một “hiệp sĩ” xin ra đầu thú cũng được dựng lên, đồn thổi khắp nơi gây hoang mang dư luận.

Chuyện người dân kéo đến xem lực lượng chức năng vây bắt tội phạm đã không còn xa lạ ở nước ta. Bất chấp đối tượng bị truy bắt là đối tượng nguy hiểm, nhiều người dân vẫn nô nức rủ nhau đến gần hết mức có thể để chứng kiến.

Một kênh Youtube livestream hiện trường và đưa ra suy đoán vụ vây bắt Tuấn “khỉ”.
Một kênh Youtube livestream hiện trường và đưa ra suy đoán vụ vây bắt Tuấn “khỉ”. 

Có vụ việc, hoạt động livestream còn khiến cơ quan chức năng “đau đầu” vì tội phạm đang ẩn nấp trong nhà, bắt giữ con tin, nhưng qua đoạn phim trên mạng có thể thấy rõ vị trí của lực lượng vây bắt từ nhiều góc quay cả người dân chung quanh và các nhà cao tầng gần đó. Không chỉ thế, vừa lo đối phó với tội phạm, cơ quan chức năng còn phải tổ chức bảo vệ an toàn thêm cho những người dân tò mò chung quanh.

Những chuyện nghe mà tưởng như đùa ấy hóa ra hoàn toàn có thật. Người dân không hình dung, hoặc không cần biết, hành vi của họ có thể gây cản trở nghiệp vụ của cơ quan cảnh sát và có thể gây nguy hiểm cho chính họ…

Tiềm ẩn nguy hiểm

Tò mò đôi khi chỉ là một thói xấu cho vui, nhưng không ít trường hợp, nó gây ra nguy hiểm cho những người tò mò và cả những người chung quanh họ. Như những vụ việc vây bắt tội phạm nói trên, nguy cơ rình rập người dân bất cứ lúc nào khi mà tội phạm còn nằm ngoài vòng pháp luật. Tương tự, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, sự tụ tập còn khiến cản trở giao thông, cản trở cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ. 

Cuối tháng 7/2019, một vụ tai nạn đã diễn ra tại huyện Kim Thành, Hải Dương khi xe 16 chỗ gây tai nạn làm chết một người. Trong khi đông đảo người dân đang tập trung xem tai nạn, một xe tải lưu thông hướng Hà Nội - Hải Phòng bị tông vào dải phân cách, lao thẳng vào đám đông làm 5 người chết và 2 người bị thương.

Một vụ việc tương tự đã xảy ra thời gian trước đây trên địa bàn tỉnh Long An, cũng chỉ vì tò mò tụ tập xem tai nạn lật xe trên trục quốc lộ. Trời mưa, đường trơn, một xe tải mất thắng đã lao vào đám đông đang lấn ra đường để xem và gây tai nạn khiến nhiều người chết, bị thương. Hoặc trong không ít vụ ẩu đả, đã có nhiều trường hợp người bị thương, bị chết chỉ vì bị… đâm nhầm khi đứng xem đánh nhau.

Có một điều rất lạ khi truy bắt tội phạm, tai nạn giao thông hay các vụ ẩu đả là những địa điểm khá nguy hiểm, có thể bị vạ lây bất cứ lúc nào, nhưng lại là nơi luôn tập trung rất đông người đến hóng chuyện. Đem tính mạng của mình đặt vào nơi “tên bay, đạn lạc”; Giẫm đạp, giày xéo hiện trường các vụ bắt tội phạm, vụ án hình sự hay tai nạn giao thông; tụ tập khiến người bị tai nạn thiếu dưỡng khí, gây khó khăn trong việc sơ cấp cứu…

Đó là những hậu quả mà đám đông tò mò gây nên. Khi ấy, sự tò mò không còn là một thói quen xấu nữa, nó đã trở thành hành vi thiếu ý thức, thành hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật. 

Luật sư Lê Quang Vũ, Đoàn luật sư TP HCM:

“Khi thi hành nhiệm vụ và xác định khu vực nguy hiểm, lực lượng chức năng sẽ phong tỏa một khu vực nhất định và cấm người dân đi lại trong khu vực bị phong tỏa. Nếu người dân vẫn cố tình đi vào khu vực cấm, gây khó khăn hoặc cản trở người thi hành công vụ thì có thể bị xử phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng vì hành vi “tập trung đông người trái pháp luật tại địa điểm, khu vực cấm” hoặc hành vi “gây rối, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức”, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Trường hợp người dân dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thì có thể bị xử lý hình sự về tội Chống người thi hành công vụ”.

Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga:

“Tò mò, thích tụ tập “tám chuyện” là một thói quen xấu có từ lâu đời của người Việt. Bắt nguồn từ nền sản xuất nông nghiệp, rồi tập quán làng xã, cây đa, bến nước từ ngày xưa, đã hình thành một thói quen thích tụ tập, buôn chuyện của nhiều người. Ngày nay cũng thế, người Việt thích ngồi cafe, lề đường hè phố để “chém gió” cùng nhau. Đó là thói quen nhưng nhiều trường hợp gây nguy hiểm…

Chẳng hạn như những cuộc tụ tập ăn nhậu “chén chú chén anh”, dẫn đến ẩu đả, thương tích hay các vụ tụ tập xem tai nạn, xem truy bắt tội phạm nói trên. Tôi nghĩ, để bỏ thói quen xấu này không phải một sớm một chiều. Đó là cả quá trình về mặt quản lý xã hội của cơ quan chức năng và khía cạnh giáo dục trong học đường.

Về quản lý xã hội, cần xử lý nghiêm những trường hợp tụ tập gây cản trở người thi hành công vụ hay gây hậu quả cho người tai nạn. Về giáo dục, nên đưa những hành vi xấu ấy vào trong chương trình giáo dục công dân từ nhỏ để trẻ nhận thức được, đồng thời cha mẹ cũng cần tự làm gương, dạy dỗ con cái, để chúng ta có một thế hệ sau này nhận thực tốt hơn, hành vi chuẩn mực hơn, không để thói tò mò vô lối kéo trì dân trí”.

N.Mai (t/h)