Hãy nói lời yêu…

(PLVN) - “Con tôi không có thành tích học tập cao nhưng nó thông minh theo cách riêng của nó. Tôi muốn chúng lớn lên có tâm hồn, có mơ mộng, có hy vọng, có thất bại, đau khổ nhưng mạnh mẽ và tự tin đi theo con đường mà chúng thấy đáng để đi”...
Bi kịch đến từ sự áp đặt trong phim truyền hình “Hãy nói lời yêu”.

Khi cha mẹ là nỗi… ám ảnh

Phim “Hãy nói lời yêu” trên truyền hình mới đi được một phần chặng đường, nhưng với gia đình bà Hoài thì bi kịch chất chồng. Người phụ nữ như bà Hoài lầm tưởng sự kiểm soát của mình với mọi thành viên trong gia đình là sự quan tâm. Một tay bà lo toan, sắp xếp mọi việc trong gia đình từ chồng cho đến con.

Bà tưởng rằng đó là chu đáo đó, là tốt nhất. Nhưng nó lại đẩy ông Tín và các con vào chỗ ngột ngạt, bí bách đến muốn vùng thoát khỏi sự kiểm soát của bà. Bà kiểm soát My, cô gái 18 tuổi từ việc làm gì, ở đâu, chơi với ai, nhất nhất đều là theo ý bà mà không quan tâm My nghĩ gì, muốn gì dẫn tới My không còn muốn tâm sự với mẹ và thiếu thốn tình cảm sự sẻ chia đã đẩy My non nớt rơi vào tay “sở khanh” Bình. My bị lừa ngoạn mục và rồi tên cáo già lại chiếm mất đời con gái của My, còn để My phải chịu sự ê chề, nhục nhã khi bị lừa  trở thành kẻ thứ 3 chen vào hạnh phúc gia đình người khác.

Chưa hết, bà Hoài còn quay lại mạt sát Tú, bạn thân của My, trong khi Tú không hề có lỗi. Điều này làm cho My đã đau khổ lại thêm cảm giác có lỗi với bạn… Và cách làm cực đoan của bà Hoài có thực sự thành công khi chồng và con gái ngoài mặt nhượng bộ, chấp nhận làm theo ý của mình nhưng trong lòng là sự bất lực, phản kháng? 

Trên các trang mạng lan truyền một câu chuyện điển hình của những người mẹ “không để con thua ngay vạch xuất phát”. Cô Phụng là một người mẹ rất nghiêm khắc với cậu con trai, từ khi đứa trẻ học lớp mẫu giáo đến tiểu học, bất luận là môn học nào, cô Phụng cũng đều yêu cầu con mình phải hoàn thành thật tốt. Ngoài việc học ở trường, sau khi tan học hoặc trong các kỳ nghỉ, cậu con trai của cô Phụng đều phải ở nhà làm bài tập hoặc đến các lớp học thêm.

Mỗi ngày ngoài thời gian ăn cơm và ngủ, thời gian còn lại cậu bé đều phải học bài. Cô Phụng còn nói nhỏ với con trai: “Dù môn học gì con cũng phải học thật tốt”. Mỗi lần cậu bé muốn đi chơi thì đều bị cô Phụng la mắng. Cô cho rằng, nhiệm vụ của đứa trẻ là phải học. Do đó, từ trước đến nay cô không để ý đến cảm nhận của con trai, càng không lắng nghe những suy nghĩ của con trai mình.

Một ngày sau giờ học, cô Phụng cũng nghĩ như mọi ngày để cậu con trai làm bài tập trong phòng, còn bản thân sẽ xuống bếp làm cơm. Đột nhiên cô nghe thấy dưới lầu rất ồn ào, không lâu có người gõ cửa nói rằng, con trai của cô đã nhảy lầu tự tử. Cô Phụng không dám tin và lập tức chạy đến phòng của con trai, thật sự trong phòng không có người, chỉ nhìn thấy trên bàn có một bức thư viết: “Mẹ, con thực sự rất mệt mỏi! Con cũng muốn giống như những đứa trẻ khác, sau khi tan học hoặc các kỳ nghỉ có thể được đi chơi vui vẻ, hi vọng thường ngày không phải đi học thêm”. 

Mặc dù người mẹ đã khóc rất nhiều nhưng đứa trẻ mãi mãi không nghe thấy, cũng không thể tỉnh lại nữa, một sinh mạng nhỏ đã trút hơi thở trước mặt người mẹ ở một phút giây không ngờ như thế… Khi những tích tụ, những ám ảnh đã quá lâu khi phải mặc những “chiếc áo quá rộng”…

Bi kịch đến từ sự áp đặt trong phim truyền hình “Hãy nói lời yêu”.

Nghẹn lòng những lá thư tuyệt mệnh

Và gần đây, liên tiếp những vụ việc học sinh để lại thư tuyệt mệnh tự tử không còn là chuyện hiếm. Vụ việc học sinh lớp 6 ở thành phố Hồ Chí Minh có ý định tự tử ngay ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết khiến dư luận hoang mang, cha mẹ bàng hoàng và thầy cô như “ngồi trên đống lửa”. Trước đó, sáng 3/1/2021, vụ việc một học sinh lớp 7A, Trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) treo cổ tự tử trong lớp. Ngày 27/1/2021, tại một trường THCS ở Tân Bình, TP HCM, một học sinh lớp 9 cũng nhảy từ lầu 3 xuống. Nữ sinh được chẩn đoán bị chấn thương, gãy chân. Từ đầu năm học, nữ sinh này đã có những biểu hiện trầm cảm…

Trước đó, tháng 11/2020, tại một trường khác ở Phú Nhuận, nam sinh lớp 8 trèo qua lan can và rơi từ tầng 3 xuống sân trường. 

Ngày 22/3, Công an quận 12, TP HCM khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân hai cô gái trẻ nghi rơi lầu tử vong tại chung cư Topaz Home trên đường Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất). Trước khi rơi ở chung cư Topaz Home tử vong, hai nữ sinh 16 tuổi bỏ nhà đi nhiều ngày và có những tin nhắn thể hiện ý định tự tử.

Vào tháng 12/2020, nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là uống thuốc tự tử vì uất ức trong xử lý vi phạm của nhà trường. Mẹ của nữ sinh này chia sẻ, con gái mình bị uất ức do bị nhà trường xử lý vi phạm quy chế, mà nguyên nhân là do Y. không tham gia học phụ đạo do trường tổ chức có thu phí. Cô giáo chủ nhiệm là Huỳnh Thị Thu Huệ (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4) nhiều lần nặng lời khi nói chuyện với em Y… Bên cạnh đó là việc bị phê bình dưới cờ, rồi hiệu trưởng nhà trường yêu cầu nữ sinh Y. phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 phút đến 6 giờ 50 phút từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hàng tuần để các cô giáo của trường luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường. Trong bức tâm thư được cho là của em Y. viết có đoạn:

“Em mong các giáo viên trên xin dừng chèn ép làm vậy sau cái chết của em. Mong nhà trường này tự suy xét lại và đối xử tốt hơn với các bạn sau này… Xin cô Hiệu phó đừng lấy uy quyền ra trấn áp học sinh, xin cô chủ nhiệm đừng bạo lực các bạn sau này và các em sau thời em… Sau cái chết của em xin nhà trường đừng bao giờ tin vào những việc chưa rõ ràng và bạo lực tinh thần với các bạn khác… Em từng rất hâm mộ các thầy cô khi còn nhỏ nhưng giờ đây mọi thứ sụp đổ khi giáo viên thì bạo lực tinh thần em… Cô Hiệu phó đọc tên em dưới toàn trường vào thứ 2 tuần rồi… Thầy Hiệu trưởng chấp nhận ký vào đơn kỷ luật em. Nay em xin lấy sinh mạng bản thân để chứng minh lời em nói là thật”…  

“Có những thiền sư cảm nhận từng tia sáng đầu ngày”…

Theo các chuyên gia tâm lý, xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ dễ nảy sinh xung đột, trong khi người trẻ, đặc biệt đối tượng vị thành niên là độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý, nhận thức chưa đầy đủ, rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường xã hội. Khi gặp biến cố trong công việc, học tập, tình cảm... nhiều người dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” nên nảy sinh ý nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát và xem tự sát như là một cách duy nhất giúp bản thân giải thoát khỏi bế tắc và trừng phạt những người xung quanh. 

Trước đó, nhà văn Đoàn Bảo Châu khi đọc thư tuyệt mệnh của một học sinh lớp 10 Trường Nguyễn Khuyến, TP HCM về áp lực học hành  đã bày tỏ trên trang cá nhân: “Đọc thư tuyệt mệnh cháu học sinh lớp 10 gửi bố mẹ mà buồn quá. Tại sao chúng ta sống? Bởi chúng ta có niềm vui sống, có lạc thú, có hy vọng, có mơ ước, có lòng tự hào... tức là tất cả những cảm xúc tích cực khiến cuộc sống này đẹp. Vậy khi một đứa trẻ bị tước đi niềm vui, không được vui chơi thì chúng có muốn sống không? Những đứa trẻ cần búp bê, những bộ phim hay, tiếng cười, người lớn không cần búp bê nhưng lại cần bao thứ khác như tình yêu, sự thành công, niềm hy vọng.

Cuộc sống là một phương trình có vô vàn tham số. Mỗi số phận một khác và mỗi người chỉ có thể làm chủ được một vài tham số. Con tôi không có thành tích học tập cao ở trường nhưng nó thông minh theo cách riêng của nó và tôi thích điều ấy. Tôi muốn chúng lớn lên có tâm hồn, có mơ mộng, có hy vọng, có thất bại, đau khổ nhưng mạnh mẽ và tự tin đi theo con đường mà chúng thấy đáng để đi.

Không phải ai cũng trở thành tiến sỹ, giáo sư, có những nghệ sỹ lang thang đường phố, có những thiền sư cảm nhận vẻ đẹp của từng tia sáng đầu ngày, của những giọt sương trên cành, có những người ngụp lặn trong vật chất và ánh hào quang, có những người âm thầm cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên thay vì cùng tham gia vào cuộc chơi đầy cạnh tranh của con người. Hãy để chúng hạnh phúc theo cách chúng muốn và đừng mang quan niệm về hạnh phúc của người lớn ra áp đặt cho chúng.

Và đa phần mọi người thích cấu đi miếng bánh hạnh phúc của hiện tại để bồi đắp miếng bánh hạnh phúc của tương lai, nhưng tiếc thay có thể lắm, đôi khi lại chẳng có chiếc bánh của tương lai. Khi kí ức tuổi thơ nghèo nàn thì đời sống người lớn chỉ là theo quán tính chán chường. Cuộc sống, suy cho cùng là một cuộc chơi và tôi là người thích ăn chắc, tôi thích vui hàng ngày và tôi thà làm một người bạn tốt của con hơn là làm một ông chủ thích ra lệnh”…

Tự tử độ tuổi 15-29 đứng thứ hai sau tai nạn giao thông

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15-29 trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Cũng theo tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên Việt Nam cũng ở mức cảnh báo. Nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Ngoài ra, theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Các vụ tự tử ở Việt Nam được WHO ghi nhận, tỉ lệ nữ sinh có xu hướng tự tử cao gấp 3 lần so với nam sinh. Đây được xem là tỉ lệ chênh lệch khá cao so với các nước trên thế giới.

Đọc thêm