Hãy xứng với danh hiệu, thưa giáo sư!

(PLO) - Dường như, từ “khả kính” là dành cho các giáo sư. Trong tâm niệm của mọi người, nhắc đến một vị Giáo sư nào đó, ta mường tượng ngay đó là một nhà khoa học uyên bác, một người thầy đáng kính. Nhưng, những gì diễn ra gần đây, với cách xử sự của một số người mang hàm ấy, những từ chỉ sự cao quý nói trên đã không còn phù hợp nữa...
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Suốt một tuần qua, dư luận ồn ĩ, không yên đối với trường hợp một vị Giáo sư vừa được phong học hàm Giáo sư, nguyên Viện trưởng của một Viện danh giá. Người ta phát hiện ra ông “đạo văn” trong chính cái công trình để ông được công nhận danh hiệu, mà trớ trêu và đáng xấu hổ thay, lại “đạo” của học trò, đồng nghiệp với mình trong cùng một cơ quan. Lẽ ra, cách cư xử của một người bình thường là nhận lỗi, nhưng không, Giáo sư đã phủ nhận chuyện này và “lật ngược thế cờ” (đúng hơn là “đổi trắng thay đen”) bằng cách lên tiếng chính cái luận án Tiến sỹ của bà học trò là “sao chép” từ công trình của ông(?!). Từ địa vị một kẻ đạo văn, ông đã chuyển sang thành tư cách một kẻ bị “đạo”.

Đã vậy, có những người trong giới giáo sư lại lên tiếng bảo vệ cho cái hành vi “đạo” và đổi trắng thay đen này. Người ta còn nói đến chuyện “nhân văn” trong việc phong học hàm cho ông. Cái từ “nhân văn” cao quý đó không những bị lạm dụng mà còn bị xuyên tạc, trở thành một đề tài đàm tiếu, chê bai của những người không thuộc hàng ngũ những giáo sư đáng kính!

Ở một tầng lớp, có thể gọi là giới tinh hoa của xã hội mà xảy ra những chuyện đáng xấu hổ như vậy.

“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” này không chỉ là những hành vi ứng xử thiếu văn hóa mà còn là biểu hiện của hiện tượng băng hoại đạo lý truyền thống. Với những ông thầy không “trọng đạo” như vậy thì người ta có thể “tôn sư” được nữa không?. Rất lo ngại cho tương lai của lớp trẻ khi chúng nhìn người lớn để học hỏi và làm theo! Vì thế, các vị Giáo sư nêu trên, hãy hành xử văn hóa để giữ gìn sự kính trọng của mọi người!.