Hé lộ “phần chìm của tảng băng” sau khi vụ hồ sơ mua bán quốc tịch Síp bị rò rỉ

(PLVN) - Dư luận những ngày qua xôn xao trước loạt bài điều tra của hãng tin Al Jazeera của Qatar, theo đó chỉ ra chương trình cấp hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) đã cho phép những nhân vật chính trị có khả năng tham nhũng, những đối tượng phạm tội, những kẻ trốn chạy và những người bị trừng phạt có được hộ chiếu của Liên minh châu Âu (EU).
Hé lộ “phần chìm của tảng băng” sau khi vụ hồ sơ mua bán quốc tịch Síp bị rò rỉ

Phát hiện đáng chú ý

Loạt tài liệu bị rò rỉ mà Al Jazeera thu được chứa hơn 1.400 đơn xin cấp hộ chiếu Síp đã được nộp theo Chương trình Đầu tư Síp (CIP). Chương trình này cho phép mua hộ chiếu Síp - một quốc gia thành viên của EU, như vậy cũng nghiễm nhiên trở thành công dân của liên minh và có thể sinh sống, đi lại, làm việc tại 27 quốc gia thành viên EU, bằng cách đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD) vào quốc gia này. 

Những người sở hữu hộ chiếu Síp được đi lại tự do đến 174 quốc gia. Do đó, chương trình đầu tư này trở nên phổ biến với người dân từ các quốc gia không được hưởng chương trình đi lại không cần thị thực muốn được phép đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng miễn phí trên khắp EU. Theo một thống kê, từ năm 2013, khi chương trình quốc tịch được triển khai, cho đến nay, Síp đã thu được hơn 7 tỷ euro nhờ việc bán suất đầu tư để đổi lấy hộ chiếu này.

Theo Al Jazeera, trong số 1.400 đơn xin cấp hộ chiếu Síp đã được phê duyệt trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2019 có cả các đơn xin cho các thành viên trong gia đình của người nộp đơn, nâng tổng số cá nhân được cấp hộ chiếu châu Âu lên gần 2.500 người. Những người này khắp nơi trên thế giới, cụ thể là 70 nước. Những nước có số lượng người nộp đơn cao nhất là Nga (1.000 người), Trung Quốc (500 người) và Ukraine (100 người). Ngoài ra, trong danh sách này cũng có cả những người đến từ Anh, Mỹ, Mali, Morocco, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Ả rập Xê-út.

Bến cảng đảo Arton nổi tiếng tại Cộng hòa Síp.
Bến cảng đảo Arton nổi tiếng tại Cộng hòa Síp.  

Theo tài liệu của tờ báo trên, một trong những người mua hộ chiếu là Mir Rahman Rahmani - Chủ tịch Hạ viện Afghanistan. Ông này đã mua quốc tịch Síp cho bản thân, vợ và 3 con gái. Trước khi gia nhập chính trường, ông Rahmani đã xây dựng được một đế chế kinh doanh chuyên cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ an ninh cho quân đội Mỹ đang đóng quân ở Afghanistan. Việc ông ta được bầu vào Hạ viện đã gây nên tranh cãi lớn khi các đối thủ tuyên bố đã có tình trạng gian lận phiếu bầu. 

Theo tờ khai xin nhập tịch Síp, ông Rahmani cùng vợ và 3 con gái cũng là công dân của Saint Kitts và Nevis - một quốc gia khác có chương trình đầu tư để đổi lấy quốc tịch. Con trai của ông là Haji Ajmal Rahmani - một chính trị gia đại diện cho thủ đô Kabul - cũng xin nhập quốc tịch Síp.

Các chuyên gia tham nhũng lo ngại, cha con nhà Rahmani có khả năng định hướng chính sách theo hướng dẫn đến việc làm giàu cho cá nhân họ. Và hộ chiếu Síp sẽ cho phép họ gửi tài sản của mình vào một tài khoản ngân hàng châu Âu mà không bị kiểm tra.

Trong danh sách những người được Síp đồng ý cấp quốc tịch còn có Chủ tập đoàn năng lượng Burisma của Ukraine Mykola Zlochevsky. Khi mua quốc tịch Síp năm 2017, ông Zlochevsky đang bị giới chức Ukraine điều tra về cáo buộc tham nhũng. Tháng 6/2020, các công tố viên Ukraine cho biết họ được đề nghị nhận 6 triệu USD tiền mặt để dừng cuộc điều tra. Cả ông Zlochevsky và Burisma khi đó đều khẳng định không biết vụ hối lộ này. 

Cũng có tên trong danh sách là Nikolay Gornovskiy - cựu sếp của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom. Ông này đã bị đưa vào danh sách truy nã của Nga với tội danh lạm quyền khi Síp cấp hộ chiếu cho ông ta vào năm 2019 và đến giờ giới chức Síp vẫn chưa chấp nhận dẫn độ. 

Theo Al Jazeera, trong số những đơn xin cấp quốc tịch Síp đã được chấp nhận có nhiều trường hợp diễn ra sau khi người nộp đơn đã bị bắt hoặc thậm chí đang ngồi tù. Ví dụ, một người Nga là Ali Beglov được cấp hộ chiếu khi đang thụ án tù vì tội danh tống tiền, một điều trái với quy định chính thức của Síp. Doanh nhân Trung Quốc Zhang Keqiang cũng được cấp hộ chiếu Síp khi đang ngồi vụ vì tội lừa đảo. 

Trong số 1.000 tên tuổi người Nga đã nộp đơn xin cấp quốc tịch Síp, Al Jazeera xác định được ít nhất 9 nhà tài phiệt có tài sản trị giá hơn 1 tỷ USD mỗi người.

Chương trình gây tranh cãi

Từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2013, giới chức Síp quy định rằng người nộp đơn phải chứng minh rằng họ có lý lịch tư pháp trong sạch. Tuy nhiên, quy định này bị nhiều người xem là “có cũng như không” vì người nộp đơn tự khai điều này. Dù giới chức Síp khẳng định có kiểm tra lý lịch của những người được cấp hộ chiếu nhưng tài liệu mà Al Jazeera có được cho thấy việc này không phải lúc nào cũng được thực hiện. 

Chương trình bỏ tiền đầu tư để lấy “hộ chiếu vàng” của Chính phủ Síp thời gian qua cũng đã bị phát hiện đã cấp quyền công dân châu Âu cho nhiều đối tượng là tội phạm, những người đang bị điều tra và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao. Chính vì vậy nên Ủy ban châu Âu và các tổ chức phi chính phủ hàng đầu về chống tham nhũng như Global Witness và Transparency International đã nhiều lần chỉ trích và muốn loại bỏ dần Chương trình Đầu tư Síp. 

Năm 2018, Chính phủ Síp đã giới hạn số đơn xin cấp hộ chiếu được chấp thuận mỗi năm là 700 nhằm giảm thiểu những lo ngại của các cơ quan chính trị của châu Âu về chương trình. Với hạn mức này, số đơn xin cấp thị thực nộp sau thời gian quy định trên có hiệu lực phải đến năm 2021 mới được xem xét vì số đơn trước đó đã quá nhiều! Tháng 2/2019, giới chức Síp thông báo những thay đổi đối với các quy tắc của chương trình.

Theo đó, các ứng viên sẽ bị cấm nhập quốc tịch Síp nếu họ từng bị điều tra, đối mặt với các cáo buộc hình sự hoặc có tiền án. Các cá nhân bị EU hoặc các quốc gia như Mỹ, Nga hoặc Ukraine và những người làm việc cho một tổ chức bị trừng phạt cũng không được cấp hộ chiếu Síp. Bên cạnh đó, theo quy định mới của Síp, các quan chức chính phủ được bầu hoặc bổ nhiệm - thường được gọi là những cá nhân có liên quan đến chính trị (PEP) - cũng không được nhập tịch nước này. 

Tuy nhiên, những quy tắc này không có tính chất hồi tố nên những người đã mua quốc tịch trước đó vẫn được giữ lại hộ chiếu của Síp. Các chuyên gia về tham nhũng cho rằng những PEP ngay cả khi không bị cáo buộc về bất kỳ hành vi sai trái nào thì vẫn có nguy cơ tham nhũng cao do họ có quyền tiếp cận các quỹ công và tham gia quá trình ra quyết định trong việc giải ngân các khoản tiền đó. 

Tháng 2/2020, cơ quan giám sát rửa tiền của Liên minh châu Âu MONEYVAL vẫn cho rằng chương trình bán hộ chiếu của Síp cho những người nước ngoài giàu có là cơ hội mở cho những đối tượng phạm tội tham nhũng, rửa tiền và các hành vi phạm tội khác. Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng cảnh báo chương trình bán quốc tịch hay cư trú cho những người giàu có của các nước thành viên EU có thể giúp các tổ chức tội phạm nước ngoài thâm nhập vào khối này và gia tăng nguy cơ rửa tiền, tham nhũng, trốn thuế.

Các tài liệu mà tờ Al Jazeera thu thập được không chứng minh được hành vi sai trái của bất kỳ cá nhân PEP nào, cũng như không xác định được những người này có liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên, việc họ có mặt trong danh sách này vẫn đặt ra những câu hỏi như tại sao một người đã được giao phó cho một vị trí công ở nước của họ lại muốn mua quốc tịch thứ hai cho bản thân hoặc gia đình, hay làm thế nào mà các quan chức này có được số tiền lớn để có thể đầu tư (ít nhất 2,5 triệu USD) vào nền kinh tế của Síp - một trong những yêu cầu để có được hộ chiếu vàng?

Đọc thêm