Sau khi qua đời, ông được an táng ở Cao Lăng, nhưng trong lịch sử đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về mộ Tào Tháo; trong đó, thuyết “72 mộ” được lưu truyền rộng rãi nhất.
72 ngôi mộ nghi binh
Theo truyền thuyết, khi còn sống, vì đa nghi mà giết nhầm rất nhiều người, không muốn sau khi chết bị những kẻ thù kia quật mộ trả thù, nên Tào Tháo cho làm tới 72 ngôi mộ để nghi binh, được coi là một “kỳ chiêu” cực kỳ lợi hại của Tào Tháo.
Chiêu này lợi hại đến mức cho đến bây giờ, sau gần 2 ngàn năm, vẫn chưa tìm được ngôi mộ thực sự của ông. Từ đó, dấy lên nhiều tin đồn, thậm chí có giả thuyết nói trong 72 mộ đó đều không có hài cốt Tào Tháo, mộ thật của ông được táng ở chỗ khác.
Cứ theo thân phận, địa vị của Tào Tháo, lăng mộ của ông phải là một ngôi “hoàng lăng”. Tương truyền, khi còn sống, Tào Tháo sắp xếp kỹ lưỡng chuyện hậu sự của mình.
Ông rất ngưỡng mộ chuyện Tây Môn Báo quẳng thầy cúng xuống sông ở Nghiệp Thành (huyện Lâm Chương, Hà Bắc ngày nay), hy vọng mộ mình được nằm gần đền thờ Tây Môn Báo nên đã ban một “chung lệnh”:
“Liệm dĩ thời phục, táng ư Nghiệp chi Tây cương, dữ Tây Môn Báo từ tương cận, vô tàng kim ngọc trân bảo” (nghĩa là: Khi liệm mặc quần áo bình thường, mai táng ở núi phía Tây Nghiệp Thành, gần đền thờ Tây Môn Báo, không chôn theo vàng bạc châu báu).
|
Khu mộ được làm mái che để bảo tồn |
Ngụy Văn Đế Tào Phi nhất nhất làm theo di lệnh của cha, đưa di hài Tào Tháo về Nghiệp Thành an táng. Ngày xuất táng, tất cả các cổng thành đều mở toang, 72 cỗ quan tài được khiêng ra từ 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc và táng ở các huyệt mộ được chuẩn bị sẵn, do đó thiên hạ loan truyền câu chuyện về 72 ngôi mộ của Tào Tháo.
Thuyết này sở dĩ lưu truyền rộng rãi, bởi hai bên bờ sông Chương Hà đúng là có nhiều lăng mộ, lại thêm tác phẩm “Tam Quốc Chí thông tục diễn nghĩa” do Mao Luân, Mao Tôn Cương chỉnh lý xuất hiện thời đầu triều Thanh đưa thêm tình tiết: “Tào Tháo có di mệnh: lập 72 ngôi mộ ở ngoài thành Giảng Võ, phủ Chương Đức, không để cho người đời sau biết ta táng ở chỗ nào, kẻo họ biết mà phát quật”.
Truyền thuyết về 72 ngôi mộ là thật hay giả? Thực ra, ngay từ đời Thanh, những ngôi mộ được coi là mộ Tào Tháo ở huyện Lâm Chương đã liên tiếp bị đào trộm, nhưng ngoài những đồ gốm, sứ , bọn trộm mộ chả tìm thấy thứ gì khác.
Năm 1988, tờ Nhân dân Nhật báo có đăng bài “Làm rõ bí ẩn về nghi án 72 ngôi mộ Tào Tháo”, viết: “Cụm mộ cổ nổi tiếng trong ngoài nước ở huyện Từ, Hà Bắc gần đây đã được Quốc Vụ viện đưa vào danh sách đơn vị văn vật trọng điểm được quốc gia bảo vệ đợt thứ 3.
Cụm mộ cổ được dân gian coi là “72 ngôi mộ của Tào Tháo” này, hiện đã được xác minh làm rõ thực tế là những mộ cổ thời Bắc Triều, số lượng cũng không phải là 72, mà là 134 ngôi”. Giả thuyết về “72 mộ” đã triệt để bị loại bỏ.
Mộ chôn dưới đáy sông?
Tào Phi sau khi phế Hán Hiến Đế rồi xưng hoàng đế đã viết một bản chiếu thư, trong đó có câu: “Muốn tế tiên vương trên mặt sông, thấu khắp trên dưới, xiết cảm bi thương”. Vì vậy, có người cho rằng mộ Tào Tháo nằm... dưới đáy sông Chương Hà.
Tại Lâm Chương cũng lưu truyền câu chuyện: Đời Thuận Trị nhà Thanh, có một năm đại hạn, một người đánh cá phát hiện ở đáy sông Chương Hà có một phiến đá lớn, bèn gọi mọi người đến cậy ra thì thấy bên dưới là một thạch thất (gian nhà bằng đá), giữa thạch thất có một thạch sàng (giường đá) trên có một người mặc áo bào, đầu đội vương quán (mũ của bậc vương), hai bên có các bia đá trên khắc tên húy của Tào Tháo. Nhưng, truyền thuyết này không có chứng cứ xác thực. Vậy thì rốt cục mộ Tào Tháo thực sự nằm ở đâu?
|
Phiến đá trên khắc chữ Ngụy Vũ Vương |
Các sử tịch thời Ngụy Tấn cho tới thời Đường đều thể hiện: bản thân Tào Tháo khi sống đã chọn sẵn nơi xây lăng mộ cho mình, tính toán tỉ mỉ quy cách cụ thể. Trong “Chung lệnh” của ông viết: “Xây thọ lăng ở vùng đất cằn trên cao nguyên phía Tây đến Tây Môn Báo, do nền đất cao, không trồng cây, không đánh dấu”.
“Tam Quốc chí. Ngụy Thư. Vũ Đế kỷ” ghi: Tào Tháo chết ở Lạc Dương, con trai theo di nguyện đưa di hài về Nghiệp Thành, quốc đô của nước Ngụy. Học giả Lý Cát Phố trong “Nguyên Hòa quận huyện chí” có ghi: “Đền Tây Môn Báo cách huyện 15 dặm về phía Tây, Tây Lăng của Ngụy Vũ Đế cách huyện 30 dặm về phía Tây”.
Sách “Chương Đức phủ chí” đời Gia Tĩnh nhà Minh cũng ghi về mộ Tào Tháo: “Mộ Tào Tháo nằm cách huyện 30 dặm về phía Tây Nam, chu vi 170 bộ, cao 6 thước”.
Tìm thấy mộ thực ở An Dương?
Ngày 27/12/2009, tại An Dương, Hà Nam người ta phát hiện một ngôi mộ được cho là mộ Tào Tháo, khi khai quật thấy trong đó có di cốt gồm xương sọ, xương chi, nhưng khuôn mặt lại bị hủy hoại nên có người vẫn nghi ngờ hài cốt đó chưa chắc đã đúng là Tào Tháo.
Tuy nhiên, ngày 28/1/2010, Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc đã chính thức xác nhận “ngôi mộ Đông Hán ở An Dương Hà Nam chính là Cao Lăng Tào Tháo, việc khai quật, công bố kết quả nghiên cứu phù hợp với quy trình công tác khảo cổ”.
Theo các sử liệu còn bảo tồn đến nay và phát hiện về khảo cổ thì không có chuyện Tào Tháo được chôn bí mật, cũng chẳng có chuyện chôn 72 ngôi mộ để nghi binh. Việc Tào Tháo chủ trương mai táng đơn giản lại gây thành bao điều phức tạp cho giới lịch sử sau này.
Theo ghi chép trong “Tam Quốc chí”, Tào Tháo chết ở Lạc Dương năm 220, linh cữu di về Nghiệp Thành, táng trong lăng mộ trên đồi phía Tây đền thờ Tây Môn Báo, không quây đất xây lăng, không chôn theo vàng bạc châu báu, cũng không xây dựng điện tế nguy nga kiên cố.
Mấy trăm năm sau, ngôi mộ đơn giản của Tào Tháo đã biến mất trong dấu tích lịch sử. Từ đời Tống trở về sau, Tào Tháo bị coi là gian hùng, việc mộ địa của ông không biết ở đâu cũng được coi là một chứng minh cho sự gian hùng đó; thuyết “72 mộ nghi binh” lưu truyền rộng rãi trong dân gian và văn học được không ít người tin là sự thật.
Mộ Tào Tháo vốn không phải là điều bí ẩn, nhưng từ đời nhà Tống thì không ai biết nó nằm ở chỗ nào, lại thêm giả thuyết về 72 mộ và sự tuyên truyền của những tác phẩm văn học như “Tam Quốc diễn nghĩa”, mộ Tào Tháo liền trở thành “bí ẩn thiên cổ” từ trẻ già trai gái ở Trung Quốc đều biết.
|
Đền thờ Tây Môn Báo - căn cứ để xác định mộ Tào Tháo |
Như đã nói, trước khi qua đời, Tào Tháo có “Chung lệnh” căn dặn cụ thể việc mai táng ông phải đơn giản, mặc quần áo thường, không bồi táng vàng bạc châu báu. Các con Tào Phi, Tào Thực tuân theo, có ghi chép lại tình hình nhập liệm, tang lễ và mai táng ở phía Tây Nghiệp Thành.
Các văn nhân Lục Cơ, Lục Vân đời Tấn cũng đã mô tả về lễ an táng Tào Tháo trong tác phẩm của họ. Trong sử tịch, các truyện ký về Tư Mã Ý, Giả Quỳ đều có ghi lại chuyện họ hộ tống linh cữu Tào Tháo đến Nghiệp Thành an táng.
Nếu Tào Tháo lập 72 mộ để nghi binh thì không thể có chuyện làm giả sử sách không những người đương thời mà cả những người đời sau, triều đại sau, mấy trăm năm không bị phát hiện.
Sử liệu cho thấy, do mai táng đơn giản, sau mấy năm, điện tế bên trên mộ Tào Tháo đã bị hủy hoại. Không có đồ bồi táng vàng bạc châu báu nên ngôi mộ cũng không bị bọn trộm mộ chú ý, lại thêm không quây đất xây lăng, không trồng cây, nên mộ Tào Tháo chẳng còn ai biết đến.
Có điều, những người thời nhà Đường vẫn không hoài nghi gì về vị trí mộ Tào Tháo, Đường Thái Tôn Lý Thế Dân đã viết văn tế mộ ông; nhưng từ thời Bắc Tống, tuy mộ Tào Tháo vẫn được ghi trong sử tịch, thực tế không có ai biết nó nằm ở đâu.
Cũng từ đời Bắc Tống, Tào Tháo bị xác định là gian hùng, việc không biết mộ ông ở đâu cũng bị coi là minh chứng cho sự gian hùng. Đám mộ cổ Bắc Triều ở Tây Nghiệp Thành bị coi là 72 ngôi mộ nghi binh.
“Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung viết: Tào Tháo di mệnh lập 72 ngôi mộ nghi binh ở ngoài thành Giảng Võ, phủ Chương Đức, đã huyễn hoặc thêm sự gian trá của Tào Tháo. Trong “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh cũng có thiên truyện “Tào Tháo chủng” (Mộ Tào Tháo) nói mộ thật của Tào Tháo nằm ngoài số 72 ngôi mộ nghi binh, càng tô đậm thêm sự gian trá, quỷ quyệt của ông.
Với sự lưu truyền của những kiệt tác văn học đó, bí ẩn về mộ Tào Tháo càng được chú ý, càng thêm ly kỳ hấp dẫn…
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 74, ngày 10/10/2016)