Hẹn hò cuối năm

(PLO) - Vào những ngày mưa xuân lất phất neo trên vai áo, lòng cứ rộn rã như thể đang có một cuộc hò hẹn gọi mời. Cuộc hò hẹn của tôi vào ngày như thế đó là phiên chợ cuối năm. 
Minh họa nguồn internet
Minh họa nguồn internet
Từ những ngày giữa tháng chạp,  các phiên chợ quê đã rộn ràng không khí Tết, đó là khi có sự xuất hiện của những sản vật cả năm mới được bán một lần. 
Tôi thích đi chợ Tết, để được hít hà mùi nhang trầm ấm áp thoang thoảng trong không khí giữa cái lạnh co ro. Để được chen lấn trong niềm vui của những đứa trẻ ôm khư khư trong lòng bộ quần áo mới. 
Ngày bé, khi được đi chợ Tết, cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ được mẹ mua cho một bộ quần áo mới. Những bộ quần áo chẳng bao giờ vừa vặn – mẹ bảo: Mua vậy cho nhanh lớn. 
Ngày Tết, xúng xính bộ quần áo rộng như “đồ tế”, phải xắn mấy gấu quần để đi không bị vướng, vậy mà vẫn thấy mình như “công chúa”. Chỉ sau này có con, khi phải tiếc ngơ ngẩn  những bộ quần áo còn như mới của con mà phải cho đi vì chật, tôi mới hiểu cách mua sắm của bố mẹ mình thời khốn khó. 
Chợ Tết trong tôi cũng là hình ảnh của những hàng bán hoa giả. Tôi mãi vẫn cứ thèm thuồng hình ảnh một cô bé nâng niu ngang ngực mấy cành hoa được làm bằng giấy và lông gà lông vịt nhuộm màu sặc sỡ, bởi với mẹ tôi, việc mua những loại hoa giả này để trưng bày đó một điều xa xỉ. 
Nhà tôi có mảnh vườn nho nhỏ, khi nắng tháng 10 vàng ruộm, chị em tôi xin mấy khoảnh đất vừa nhổ rau cải để gieo những hạt violet, thược dược, mõm chó… thêm mấy khóm hoa hồng gai nở hoa quanh năm trước hiên nhà, vậy là Tết nhà tôi luôn có đủ hoa tươi.
Cho đến tận bây giờ, không hiểu sao, cứ nhìn những bình hoa tổng hợp với vài bông thược dược đủ màu, mấy cành violet tím ngắt, tôi lại có cảm giác như không khí Tết đang ẩn mình trong đó, chỉ chờ thêm một chút hương trầm gõ nhẹ là lấy cớ để bung ra.
Phiên chợ Tết, gói tiền nho nhỏ mẹ dành dụm cả năm trong đáy hòm được lấy ra tiêu. Là một khoản dành cho nếp cái hoa vàng, đậu xanh, thịt mỡ. Là một khoản dành cho khuôn mật vuông vức màu vàng thổ dùng làm bánh ngọt, nấu chè. Là một khoản dành cho những chiếc lá dong xanh mướt, chùm lạt buộc nuột nà đôi câu đối đỏ dán vào hàng cột trước hiên…
 Và đặc biệt, một thứ không thể thiếu được trong phiên chợ Tết của mẹ tôi, đó là hộp hương vòng. Đây là loại hương cháy rất lâu. Từ khi đốm lửa mang mùi hương trầm bắt đầu bén, đến khi nó chạy vào giữa tâm hương và tàn có thể là cả một ngày, hoặc hơn thế, tùy theo độ lớn của vòng hương. 
Với loại hương này, bàn thờ trong những ngày Tết của gia đình luôn ấm áp, dù cho con cháu có bận bịu du xuân, tiếp khách mà không nhang nến được thường xuyên. Đặc biệt, hình ảnh đốm lửa nhỏ nhẫn nại chạy vòng tròn trên bàn thờ như một lời nhắc nhở về “chữ tâm” dành cho con cháu. 
Chợ Tết ở quê tôi có một thứ rất đắt hàng – đó là mía. Nhưng ở phiên chợ này, người ta không gọi nó bằng cái tên thông thường, mà gọi là “gậy ông vải”. Những cây mía còn tươi, để cả ngọn, được bó lại thành từng đôi một. Tùy theo độ cao, thấp của ngôi nhà mà người ta chọn lựa đôi mía dài/ ngắn cho phù hợp. 
Đôi “gậy ông vải” được coi là đẹp khi vừa tầm với bàn thờ gia tiên, có hình dáng cong cong để khi trưng bày tạo dáng như “cổng vòm” ở bàn thờ. Người ta cũng sẽ chẳng chọn những cây  gầy gò, khẳng khiu để về cúng ông Vải, mà phải là những thân cây mỡ màng, dù có thể nó không ngọt như loại mía khác. 
Chẳng biết tục thờ mía ngày Tết có từ bao giờ, và vì lý do gì. Người thì bảo: “Gậy ông vải” là để khi Tết xong rồi, các cụ dùng nó “gánh”  bánh trái, hoa quả chưa ăn hết trong những ngày Tết “về quê” các cụ. Người lại nói: Để các cụ dùng làm gậy chống đi về trong những ngày Tết.
 Dù sao đó cũng là tấm lòng của con cháu đối với người đã mất. Hết Tết, cùng với mâm ngũ quả, “gậy ông vải” được hạ xuống cho con cháu thụ lộc. Vị thanh ngọt của chóng mía trong cái se lạnh của những ngày đầu năm làm tan cảm giác chán ngán vì đồ ngọt trong những ngày Tết.
Không riêng gì chốn thành thị, ở quê tôi bây giờ, nhiều nhà không thờ “gậy ông vải” nữa. Bởi với không gian chật hẹp của những ngôi nhà ống, chẳng có chỗ để bày biện. Thế nên, hàng mía trong phiên chợ Tết cũng thưa vắng dần. Trẻ con cũng chẳng cứ đến Tết mới được mua quần áo mới. 
Trong những trang web giành cho các bà nội trợ thời hiện đại, người ta hỉ hả chỉ cho nhau những cách mua sắm hàng Tết đơn giản, tiết kiệm thời gian. Ấy là nhấp chuột trên các trang bán hàng tự động, ấy là tranh thủ một lúc nghỉ trưa, về sớm ghé vào siêu thị với một danh mục hàng hóa định sẵn. 
Chợ Tết dường như đã chỉ còn đọng lại trong ký ức của mọi người. Tôi cũng vậy, cũng không hy vọng sẽ tìm được những món đồ ưng ý cho ngày Tết ở những phiên chợ quê cuối năm. Nhưng dù sao, mỗi năm một lần, tôi vẫn phải về quê dạo qua một vòng phiên chợ Tết, để mong giữ mãi trong mình một phần hồn quê đang dần dần mai một…

Đọc thêm