Hết "loạn" biểu hiệu văn phòng công chứng

 Sau một thời gian “loạn mũ”, ngày 15/8 tới đây  Thông tư số 11/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp (hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng) có hiệu lực, liệu biển hiệu của các văn phòng công chứng có chấm dứt cảnh “biết sai nhưng vẫn để” gây ra nhiều hiểu lầm, thắc mắc cho xã hội?
Sau một thời gian “loạn mũ”, ngày 15/8 tới đây  Thông tư số 11/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp (hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng) có hiệu lực, liệu biển hiệu của các văn phòng công chứng có chấm dứt cảnh “biết sai nhưng vẫn để” gây ra nhiều hiểu lầm, thắc mắc cho xã hội?

Ảnh minh họa

“Loạn mũ” một thời gian dài

Luật Công chứng có hiệu lực từ 1/7/2007, như vậy tính đến nay đã được hơn 4 năm. Và, cũng chừng ấy thời gian, rất nhiều các văn phòng công chứng (VPCC) trên cả nước duy trì tình trạng “loạn mũ” dưới hình thức phía trên cùng của biển hiệu của mình đã ghi thật to, thật rõ là Sở Tư pháp tỉnh X, tỉnh Y... Cách ghi này dễ gây nên sự hiểu nhầm, VPCC này là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp với ý nghĩa đầy đủ của hai chữ trực thuộc.

Trong khi đó, Khoản 1 Điều 26 Luật Công chứng, Điều 2 Nghị định 02/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng khẳng định, VPCC do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, còn VPCC do hai công chứng viên trở lên thành lập thì theo mô hình công ty hợp danh. Các loại hình này VPCC này tự chịu trách nhiệm về hoạt động và chỉ chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp về lĩnh vực công chứng, chứ không phải là đơn vị trực thuộc của Sở Tư  pháp. Sở Tư pháp chỉ có vai trò là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành quản lý nhà nước về công chứng chứ không phải cơ quan chủ quản.

Ngoài ra, với loại hình là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, các VPCC còn phải chịu sự điều chỉnh của các chế tài khác về biển hiệu như: Điều 23 Khoản 3 Điểm a Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP và Thông tư 04/2009/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế… Tất cả những quy định này đều gặp nhau tại một “đích” là việc các VPCC đưa “Sở Tư pháp” lên trên tên của VPCC trong biển hiệu là việc làm không đúng luật, trước hết là pháp luật quy định về biển hiệu đối với doanh nghiệp, sau đó là pháp luật về công chứng.

Băn khoăn vì sợ bị… bỏ rơi?

Cách đây hơn 1 năm, Pháp luật Việt Nam đã có một loạt bài viết đề cập tới vấn đề “loạn mũ” này và khẳng định công chứng là một trong những hoạt động của công tác Tư pháp thì phải luôn đề cao tinh thần tuân thủ luật pháp trong bất kỳ tình huống nào. Mặt khác, Sở Tư pháp hoàn toàn có thể nhắc nhở để VPCC dỡ bỏ “cái mũ” không đúng luật của mình. Thế nhưng, nhiều Trưởng phòng Bổ trợ của Sở Tư pháp các tỉnh thành cho biết “các VPCC không tham khảo Sở Tư pháp về cách ghi biển hiệu khi xin phép thành lập” hay “đã thấy sai, đã nhắc nhở, nhưng VPCC chưa chấp hành nên cũng đành chờ có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn sẽ tiến hành thanh kiểm tra một thể”.

Đến nay thì mong muốn này đã thành hiện thực khi Thông tư số11/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng có hiệu lực vào ngày 15/8/2011 tới đây, trong đó khẳng định: “Biển hiệu của tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo các quy định của pháp luật về viết, đặt biển hiệu. Biển hiệu của tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện theo Mẫu TP-CC-05 ban hành kèm theo Thông tư này ” (Điều 9).

Nhưng được biết, cho đến giờ phút này, khi thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 11 đã đến rất gần thì vẫn còn rất nhiều những lo ngại từ các VPCC đã và đang có cái biển hiệu “loạn mũ”. Lo ngại sẽ bị bỏ rơi, lo ngại sẽ không được ai hướng dẫn về nghiệp vụ và quan trọng hơn cả là lo ngại người dân sẽ không nhìn thấy “sự đảm bảo bằng vàng” của cơ quan Nhà nước nên sẽ không tìm đến nữa…

Nhưng xin khẳng định ngay rằng các lo ngại này là hoàn toàn vô căn cứ bởi theo Luật Công chứng và NĐ 02/2008/NĐ-CP thì Sở Tư pháp chỉ có vai trò là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành quản lý nhà nước về công chứng chứ không phải là đơn vị cấp trên mà VPCC trực thuộc. Hơn nữa một khi đã hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh thì việc phải tự chịu trách nhiệm về các mặt thuộc hoạt động của mình là  tất nhiên, trong đó bao gồm cả việc nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động sao cho thu hút được khách hàng, chứ không thể chỉ mỗi nhờ vào cái “mũ mượn nhầm” như hiện nay.

Hồng Minh

Đọc thêm