Hết 'nhiệm kỳ' vẫn 'giữ ghế' hưởng lộc

(PLO) - Mấy ngày nay, câu chuyện về BOT giao thông lại nóng lên ở Trạm thu “giá” Tân Đệ (Thái Bình). Các lái xe không trả "giá" mà tông gãy barie qua Trạm. Có khoảng 300 xe đủ loại qua đây mỗi ngày không trả “giá” khiến Trạm này bị thất thu 60-70 triệu đồng/ một ngày.
Hết 'nhiệm kỳ' vẫn 'giữ ghế' hưởng lộc

Đơn giản, Trạm thu phí qua cầu Tân Đệ này từ lâu đã hết “nhiệm vụ lịch sử” và giờ nó còn duy trì là để “thu hộ” cho một con đường khác, mở ra cách đó hơn chục cây số. Không đi con đường đó mà vẫn phải trả tiền, hệt như không mua hàng mà vẫn phải trả tiền cho món hàng đó khiến dân tình không chịu nổi và họ tìm cách đòi lại công bằng là đâm gãy những cái barie bất công, bất hợp lý kia.

Tương tự, Trạm thu “giá” trên đường Thăng Long – Nội Bài từ lâu đã hết “nhiệm kỳ” của mình nhưng vẫn “giữ ghế” hưởng lộc cũng với lý do “thu hộ” con đường tránh Vĩnh Yên. Nhiều người chỉ lên sân  bay Nội Bài và chưa từng nhìn thấy con đường tránh đó bao giờ cũng vẫn phải trả tiền cho nó. Năm 2013, TP Hà Nội đã kiến nghị “khai tử” Trạm này nhưng bất lực và giờ đây Hà Nội lại đề nghị tiếp, không biết có “xi-nhê” gì không đối với gã “khổng lồ” BOT!

Cái việc phi lý rõ ràng đến mức đó mà vẫn ngang nhiên tồn tại thì đúng là BOT tiềm ẩn một thế lực đáng kiêng nể. Chỉ cải tạo, nâng cấp con đường có sẵn của quốc gia mà vẫn ngang nhiên thu phí, giá cao, tiền thu được bao nhiêu không ai được biết. Quả là một cái “tội” rất lớn do “sản phẩm của nhiệm kỳ trước” để lại!

Bị truy gắt gao về BOT tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã thừa nhận những bấp cập trong lĩnh vực này và sẽ khắc phục nó. Tuy nhiên, cùng thời điểm với phiên chất vấn của Quốc hội thì ở ngoài đường đang xảy ra những cuộc xung đột với BOT mà chính quyền địa phương bất lực, đơn giản là dân phản đối chuyện bất công mà thôi.

Những cái BOT phải “kiến tạo” lại và nếu muốn tìm một ví dụ điển hình về “lợi ích nhóm” thì cần gì phải đâu xa, nó hiện diện ở trên mỗi cung đường!