Cách đây mấy năm, tại Quế Võ, Bắc Ninh một cậu bé tên Đ. dù biết bơi nhưng vì bất ngờ bị bạn kéo dìm xuống nước đùa nên bị đuối nước. May mắn cậu bé được người lớn cứu, nhưng đến tối thì người dần tím đen lại, khó thở và lịm dần.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, bệnh nhân nhập viện lúc 11 giờ đêm 4/9 trong tình trạng khó thở rất nặng, người tím đen vì thiếu ôxy. Bệnh nhân được chẩn đoán bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước, hội chứng suy hô hấp tiến triển rất nhanh.
Theo bác sĩ Dũng, thế giới phân đuối nước ra làm hai loại: ở hồ bơi và ở nguồn nước tự nhiên như: ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch... Nếu nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, chứa vi trùng... thì sau vài tiếng vào phổi nó có thể phá hủy phổi. Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ bị đuối nước, đặc biệt là ở nguồn nước tự nhiên, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả bệnh nhân tự thở được thì dứt khoát vẫn phải đưa đến bệnh viện kiểm tra. Lý do là có khoảng 25-30% trong số này có khả năng bị phù phổi cấp, xảy ra ngay sau đó vài giờ.
Mới đây, chia sẻ với kênh NCB News, Mỹ về trường hợp “chết đuối trên cạn” xảy ra với chính cậu con trai nhỏ Johnny, cô Cassandra Jackson cho biết, cô đã đưa cậu con trai tới một bể bơi công cộng gần nhà ở Gooes Greek, miền Nam Carolina, Mỹ. “Sau khi bơi, chúng tôi đi bộ về nhà, thằng bé đi cùng tôi. Tôi tắm cho cháu và cháu nói với tôi là nó buồn ngủ. Sau đó khi vào phòng, tôi phát hiện mặt cháu bị bao phủ bởi một loại bọt màu trắng và đã tử vong”- cô Jackson kể.
Chuyên gia sức khỏe thể thao, Tiến sĩ Lewis Maharam cho biết hội chứng “đuối cạn” hay “đuối nước thứ cấp” khiến nhiều trẻ ở Mỹ nhập viện mỗi năm. Chuyên gia này cảnh báo chỉ cần trẻ hít phải một lượng nước nhỏ vào bên trong phổi cũng có thể gây ra hiện tượng này. Đuối cạn xảy ra khi trẻ đang chơi đùa trong nước thì vô tình bị sặc nước hoặc suýt chết đuối mà được cứu sống.
Sau những cơn ho sặc, trẻ tưởng như không sao và trở lại vui chơi, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên nhiều giờ sau, cha mẹ có thể quan sát thấy biểu hiện ho, khó thở, khò khè với những bóng nước trong miệng. Nguyên nhân là do chất lỏng tích tụ bên trong phổi ban đầu chưa biểu hiện triệu chứng. Về sau, phổi bị kích thích tiết ra dịch và dẫn tới hiện tượng phù phổi, làm trẻ khó thở hoặc không thể thở được, có thể gây tổn thương não. Trong một số trường hợp, “chết đuối trên cạn” có thể xảy ra 72 giờ sau khi nạn nhân gặp vấn đề.
“Việc dạy bơi cho trẻ em cần linh hoạt, không nhất thiết phải có bể bơi. Từ trước đến nay, nếu phụ thuộc bể bơi người dân mới biết bơi, thì thế hệ cha ông chúng ta đều không biết bơi hết hay sao? Cho nên việc phát huy các sáng kiến, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, hoặc hỗ trợ tiền phí học bơi để thành lập những lớp học ngắn ngày, kêu gọi những đơn vị sở hữu bể bơi chia sẻ trách nhiệm xã hội… là việc làm cần thiết. Các địa phương nên rà soát các mô hình dạy bơi phù hợp, như dùng bạt chống thấm để tạo ra các hồ bơi, dùng lưới ngăn các góc sông để tập bơi cho trẻ…”. - Bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.