Đúng hướng và… ngược hướng?
Theo PGS Văn Như Cương, chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, trong khi số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.
Thẳng thắn đi vào câu nói của Bộ về kì thi THPT quốc gia như bộ là đi đúng hướng, PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi: “đúng hướng” như thế nào? Năm trước nữa chúng ta nói đi không đúng hướng (ngược hướng hoặc ngang hướng - thầy Văn Như Cương nêu) là như thế nào? Tất cả đều là một dấu hỏi rất lớn.
Cái băn khoăn nhất của những người làm công tác giáo dục dưới sự chỉ đạo của bộ là thấy những nhận định của Bộ GD-ĐT thường không đúng với những nhận định của anh em làm giáo dục ở cơ sở. Định hướng mà lâu nay chúng ta vẫn nói là “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” là chuyển từ “trang bị kiến thứ” sang “phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh”, những nội dung này cụ thể là gì và lấy từ đâu thì ít ai trả lời được.
Bài học từ việc tổ chức thi THPT quốc gia vừa qua, nhà giáo Văn Như Cương đặt câu hỏi đó là đúng hướng hay không đúng hướng, có phù hợp với nội dung phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh không? Trong khi về mặt lý thuyết là sai hoàn toàn, bởi thi phổ thông là để cho học sinh đỗ tốt nghiệp, còn thi vào đại học là bước chuẩn bị cho những người có khả năng để tiếp tục học tập.
“Đứng về mặt logic, vấn đề này sai từ đâu? Đó là sai hướng ngay từ đầu, từ đó mới “đẻ” ra thi hai trong một, thi cũng đẻ ra nhiều cái không lường trước và sự khổ sở của học sinh. Và mặc nhiên năm tới chúng ta cũng làm thi tốt nghiệp như năm nay và có “thay đổi” nhà giáo Văn Như Cương bày tỏ.
Đúng hướng là như thế nào khi áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) của Clôm-bi-a, xuất phát từ việc dạy lồng, dạy ghép vào Việt Nam? Việc thay đổi này hơi buồn cười, lớp trưởng trở thành “Chủ tịch hội đồng tự quản”, không chấm điểm mà chỉ nhận xét. Nhà giáo Văn Như Cương cũng băn khoăn, những đổi mới này có nằm trong nội dung đổi mới căn bản, toàn diện hay không hay chỉ đang là thí nghiệm?
“Có người nói với tôi, các lớp 5 học theo kiểu không cho điểm đang học rất kém, điểm kiểm tra dưới trung bình. Thông tư 30 vừa qua Bộ GD-ĐT khẳng định rất tốt đẹp, học sinh phấn khởi. Bộ trưởng Bộ GD- ĐT đi thăm trường lớp ở Hà Giang, hỏi các giáo viên thì nhận được phản hồi tốt.Vậy, cho tôi hỏi, một ông Bộ trưởng đến trường phổ thông cơ sở hỏi mà ai dám nói là không tốt?”, thầy Cương thẳng thắn.
Thế nên, cái đổi mới cần thiết nhất, đầu tiên nhất theo thầy Cương là đổi mới tư duy, đổi mới tư duy từ tổng tham mưu của ngành giáo dục, lúc đó mới bàn được các nội dung khác.
Thương học sinh phải học đủ thứ
Việc phân luồng từ trước đến nay theo thầy Văn Như Cương, chúng ta chưa có khái niệm, và ngay cả dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng không nói đến điều này. Xã hội chúng ta đang vấp phải điều này.
Sau khi ra nhập cộng đồng chung Asean có thể di chuyển thị trường lao động, nếu chúng ta cứ như hiện tại thì sẽ thất bại, vì những người thợ bậc cao ở các nước sẽ vào nước ta. Như thế chúng ta sẽ thua ngay về vấn đề nhân lực, và chúng chỉ đi làm thuê ở những ngành nghề đơn giản nhất”, thầy Cương nhấn mạnh.
Thực trạng của giáo dục hiện nay được thầy Văn Như Cương hình dung là học xong cấp 1 để lên cấp 2, học sing THCS để lên THPT, và học sinh PTTH để lên đại học, cả một nền giáo dục ứng thí, chỉ mục đích cho việc đi thi, lên lớp, chứ không phục vụ cho việc kiếm sống. Do vậy, theo gợi ý của thầy Văn Như Cương, toàn bộ công cuộc đổi mới phải nhắm vào việc làm để thấy bằng cấp không có giá trị, mà chính lao động kỹ thuật cao, phụ vụ cho đất nước, kiếm được ra tiền mới có giá trị.
Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông cũng đề cập tới các phẩm chất, năng lực của học sinh thì được thầy Cương khẳng định, đó chỉ là lý thuyết. Đã từng trực tiếp quản lí và dạy học ở cấp cơ sở, thầy Cương bày tỏ ông thương cho học sinh hiện nay khi phải học đủ các thứ.
Điều mà học sinh thành thị đang thiếu sót là năng lực, học sinh không biết làm gì, không biết rửa bát, quét nhà, tất cả là osin. Khi học sinh học những nội dung trong sách giáo khoa phần lớn là vô bổ.
Đồng tình với PGS Văn Như Cương, GS.TS Nguyễn Như Ý - nguyên Tổng Biên tập NXB Giáo dục cho rằng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải đề cập đến mục tiêu giáo dục. Trong đó, chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào thực tế: Hàn Quốc từng chỉ ra những khiếm khuyết của nền giáo dục nước họ để đổi mới.
Đó là nền giáo dục ứng thí, học để thi, sẽ triệt tiêu sự sáng tạo. Họ thẳng thắn nhìn nhận nếu muốn có nhà khoa học như Isaac Newton hay họa sĩ Picasso là rất ngông nghênh, GS.TS Nguyễn Như Ý nhấn mạnh.
Trong khi đó, Nhà giáo Ưu tú Hồ Quang Diệu, đại diện Trường THPT Đông Đô (Hà Nội), người có kinh nghiệm 55 năm trong ngành giáo dục - lo ngại về chất lượng đầu vào đại học.
Ông chỉ ra kết cấu của đề thi bao gồm 60% câu hỏi dễ, 40% câu hỏi khó, trong khi nhiều trường lấy 18 điểm (3 môn), chứng tỏ trình độ vào đại học chỉ ở mức phổ thông. Nói về kỳ thi THPT quốc gia, ông Diệu khẳng định chất lượng vào đại học không đảm bảo, nguyện vọng của học sinh không đảm bảo dẫn đến tổng thể giáo dục “rối như canh hẹ”.
Đồng thời, các chuyên gia giáo dục cũng kiến nghị Bộ công khai Tổng chủ biên của chương trình- SGK mới…