Linh hoạt chương trình mới
- Xin Thứ trưởng cho biết những nét mới của năm học 2015-2016?
Năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là triển khai những yêu cầu mới của chương trình - sách giáo khoa. Tuy chúng ta đang xây dựng chương trình và từng bước triển khai những yêu cầu mới, nhưng những vấn đề đã đúng, được khẳng định thì triển khai ngay không cần đợi chương trình - sách giáo khoa mới. Đó là những vấn đề trực tiếp liên quan đến nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông như đổi mới thi, kiểm tra đánh giá, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy theo công nghệ lớp 1…
Đối với trường học kết nối không chỉ có giáo viên tham gia sinh hoạt bồi dưỡng chuyên môn mà chúng ta cũng thu hút học sinh tham gia học tập, sinh hoạt trên đó. Chúng ta cũng tiếp tục đẩy mạnh chương trình mới về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, vừa là thử nghiệm chương trình, vừa là đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá theo yêu cầu định hướng năng lực giao tiếp của học sinh cả 4 chức năng nghe, nói, đọc, viết theo chuẩn của khung năng lực ngoại ngữ bậc dành cho Việt Nam.
- Hiện nhiều trường THCS đưa vào dạy chương trình tiếng Anh tăng cường. Thế nhưng ở tiểu học, học sinh học chương trình từ nhiều trường khác nhau nên khó tiếp thu được chương trình này?
Thực tế có những chỗ chúng ta vẫn dùng chương trình cũ, có những chỗ đã thực hiện chương trình mới có tính chất thử nghiệm, có trường chuyên dạy nâng cao. Nơi nào giáo viên chưa đạt trình độ, chưa đạt yêu cầu chuẩn giáo viên thì vẫn bố trí dạy học theo chương trình cũ. Riêng đối với tiểu học, chương trình mới chỉ được áp dụng một cách chính thức đầy đủ với những trường dạy 2 buổi/ngày và có điều kiện giáo viên. Như vậy, ở tiểu học sẽ học tiếng Anh theo chương trình mới, ngoài ra là chương trình tự chọn do nhà trường tự chọn và tùy học sinh tham gia.
- Bộ đã qui định chỉ có một số sách giáo khoa được sử dụng ở chương trình mới, vậy những học sinh nào được học chương trình này?
Với những lớp đầu cấp, Bộ chỉ đạo các trường phải kiểm tra chất lượng đầu vào của học sinh trước khi nhập học. Lớp 6 là vậy, còn với lớp 10 thì những học sinh nào đã đạt yêu cầu chuẩn đầu vào mới áp dụng chương trình mới. Như vậy, THCS và THPT học sinh phải đạt yêu cầu chuẩn đầu vào. Bộ chỉ đạo phải kiểm tra đánh giá năng lực các em có đạt mới được học. Hiện nay chúng ta chưa tiến hành được đồng loạt tất cả các chương trình giống nhau thì phải áp dụng một cách linh hoạt như vậy.
Thông tư 30 có “gây khó”?
- Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục áp dụng Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Sau một năm thực hiện, Thứ trưởng đánh giá như thế nào?
Năm học vừa qua, lần đầu chúng ta thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Dù trước đó chúng ta có quá trình thử nghiệm 2 năm ở mô hình trường học mới, nhưng khi triển khai đại trà cũng có những khó khăn. Về cơ bản, chúng tôi đánh giá Thông tư 30 đã được xã hội thừa nhận và đóng góp tích cực vào việc đổi mới đánh giá cũng như nâng cao chất lượng học sinh tiểu học theo tinh thần thay đổi quan điểm về vai trò của việc đánh giá. Nếu trước kia chỉ là đánh giá kết quả học tập và chỉ tập trung học sinh tiếp thu được bao nhiêu kiến thức thì bây giờ đổi mới đánh giá này phải giúp học sinh ngày càng tốt hơn một cách toàn diện.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển. |
Tuy nhiên, năm đầu triển khai nên còn những khó khăn, như: một số người vẫn hiểu kiểm tra đánh giá chỉ là việc xác định trình độ của học sinh. Bên cạnh đó, Thông tư 30 đòi hỏi phải có sự tham gia của phụ huynh, xã hội, cùng nhà trường theo dõi, nhận xét, hướng dẫn học sinh, nhưng nhiều gia đình chưa ý thức được trách nhiệm này và chưa chủ động tham gia.
- Thực tế suốt năm qua, giáo viên kêu quá vất vả khi thực hiện Thông tư 30, thưa ông?
Thực chất của Thông tư này không phải giao nhiều việc cho giáo viên. Giáo viên vẫn có nhiệm vụ chấm bài, nhận xét, hướng dẫn học sinh vượt qua khó khăn, động viên học sinh trong học tập.
Lâu nay, chúng ta làm theo phong cách, quan điểm cũ, bây giờ phải nhận thức lại vai trò và những công việc của kiểm tra, đánh giá cho đầy đủ hơn. Vì mới chuyển đổi nên giáo viên có những khó khăn nhất định, họ nghĩ là thêm việc nhưng bản chất không phải. Có khó khăn hơn, nhưng tôi nghĩ họ sẽ quen dần. Nhiều giáo viên từ đầu đến cuối năm học đã có sự tiến bộ trong việc vận hành theo Thông tư và sự ủng hộ đối với Thông tư ngày càng nhiều hơn.
Lạm thu tiền trường có còn “nóng”?
- Tiền trường là vấn đề luôn “nóng” đầu mỗi năm học vì những khoản “xã hội hoá” luôn quá sức với không ít phụ huynh. Dù Bộ có nhắc nhở minh bạch thì các khoản thu vẫn được đứng dưới nhiều hình thức, quan điểm của Bộ ra sao?
Việc thu, chi hàng năm của các trường, Bộ GD-ĐT đã có văn bản quy định chi tiết nội dung liên quan những vấn đề như học phí, đồng phục... Một số khoản về bảo hiểm là tự nguyện đóng góp, trường không được bắt buộc học sinh, cũng không khuyến khích nhà trường thu hộ các đơn vị bảo hiểm.
Những khoản đóng góp khác từ phụ huynh, từ những người ngoài nhà trường, Bộ cũng đã có Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng. Nhà trường mua sắm, sử dụng vào việc gì phải công khai dự toán, bảo đảm sự giám sát của người đóng góp trước và trong quá trình thu chi, thanh quyết toán công khai, đảm bảo tính hiệu quả và chất lượng của công trình, tránh chi lãng phí, chi sai mục đích. Đối với những khoản đóng góp khác cũng đã có Thông tư hướng dẫn sử dụng những nguồn tài trợ thu được từ phụ huynh học sinh. Những người đóng góp cho trường có quyền kiểm tra giám sát chất lượng của công trình khi mà sử dụng những khoản tiền đóng góp trên.
- Hiện nhiều trường phối hợp với các công ty dạy kỹ năng sống cho học sinh với mức thu học phí khá cao, Bộ có chỉ đạo gì và kiểm soát các hoạt động này ra sao?
Bộ đã có Thông tư 04 qui định việc quản lý giáo dục kỹ năng sống và những hoạt động giáo dục ngoài qui định của chương trình giáo dục. Đây là việc giao cho các nhà trường tự chủ nhưng phải có yêu cầu của phụ huynh và học sinh tự nguyện tham gia. Trong đó, tự nguyện tham gia hoạt động có nghĩa là tự nguyện chấp nhận nội dung dạy học, tự nguyện bố trí thời gian đảm bảo. Nguyên tắc quan trọng thứ hai là đảm bảo nội dung giáo dục theo đúng yêu cầu giáo dục phổ thông, không có những vi phạm về pháp luật cũng như định kiến những vi phạm về hành vi đạo đức trong quá trình giáo dục kỹ năng sống.
Bộ đã phân cấp nội dung này, nhà trường được quyền chủ động, tuy nhiên, chương trình phải được Sở hay Phòng GD - ĐT duyệt nội dung đó mới được thực hiện. Bản thân các nhà trường hiện nay không thể giáo dục kỹ năng sống theo đúng yêu cầu. Do đó, nhiều lực lượng cùng tham gia giáo dục kỹ năng sống gồm các tổ chức, đoàn thể như Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Cựu chiến binh đều có vai trò quan trọng…
Xin cảm ơn Thứ trưởng!