“Việt Nam, Việt Nam!”
Những câu chuyện về tình cảm của người dân châu Phi nói chung và người dân Nam Sudan nói riêng đối với Việt Nam đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi tới Nam Sudan, các cán bộ, nhân viên tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) mới thực sự là người cảm nhận được tình cảm đặc biệt đó của người dân châu Phi dành cho Việt Nam.
Thành tựu, sự sáng tạo, tinh thần và quyết tâm của các thầy thuốc quân y Bệnh viện Dã chiến (BVDC) 2.1 ở Bentiu đã để lại những ấn tượng tốt đẹp không chỉ với chỉ huy Phái bộ mà cả với lãnh đạo chính quyền và người dân ở địa bàn đóng quân. Các cán bộ, y, bác sĩ quân y Việt Nam đi tới đâu cũng được người dân Nam Sudan chào đón và tung hô “Việt Nam, Việt Nam!”.
Đại úy Nguyễn Hồng Hải ( Điều dưỡng Trưởng BVDC 2.1) vẫn còn nhớ như in cảm xúc mỗi lần gặp gỡ người dân Nam Sudan và cảm nhận tình yêu mến của họ dành cho các bác sĩ: “Chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì đã được góp một phần nhỏ bé tôn vinh hình ảnh Tổ quốc Việt Nam ở nơi có nhiều quốc gia đang chung tay gánh vác sứ mệnh Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ). Các bạn phải tới đây mới thấy tự hào nhường nào khi chứng kiến lá quốc kỳ Việt Nam tung bay bên cạnh lá cờ LHQ và các nước. Niềm tự hào ấy rõ ràng tới mức dường như có thể chạm vào được...”
Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình các cơ quan chức năng địa phương. |
Còn đối với Thượng tá Lê Ngọc Sơn, câu chuyện bắt nguồn và gắn liền với hai chữ thiêng liêng “Việt Nam” là điều anh sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời quân ngũ của mình. Trước khi lên đường sang Cộng hòa Trung Phi làm nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017-2018, anh không thể ngờ rằng ở đất nước châu Phi xa xôi, còn nghèo đói, loạn lạc, bệnh tật, hai chữ “Việt Nam” lại được người dân nhắc nhiều đến thế. Chỉ hai chữ thôi nhưng tại đây nội hàm của nó lại là cả đất nước, con người, lịch sử Việt Nam, là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo Thượng tá Sơn, có lẽ lời nhận xét chân thành và ấn tượng nhất, khiến bất cứ ai được nghe đều cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam, là lời của Thiếu tướng Traore Daniel Sidiki, Phó Tư lệnh Quân sự Phái bộ MINUSCA, nói với anh: “Tôi biết rất nhiều về Việt Nam, tôi rất yêu mến các bạn. Tôi cũng đọc và tìm hiểu rất nhiều về Tướng Giáp, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi khâm phục lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, và đặc biệt ấn tượng với chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi thực sự nể tài năng của Tướng Giáp, bản thân tôi luôn lấy hình tượng ông để nỗ lực phấn đấu”.
"Tấm kim bài" đặc biệt
Cách đây nhiều thập kỷ, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều dân tộc ở Trung Đông và châu Phi.
Xét về lịch sử, Cộng hòa Trung Phi và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Trung Phi cũng từng là thuộc địa của Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, khi Pháp rút quân khỏi Đông Dương, làn sóng đòi độc lập của các quốc gia thuộc địa của Pháp tại châu Phi rất mạnh mẽ. Lấy Việt Nam là hình mẫu, họ đồng loạt nổi dậy vũ trang và phi vũ trang, đấu tranh chính trị đòi độc lập. Và thành công đã đến, Cộng hòa Trung Phi tuyên bố độc lập vào năm 1960.
“Uy tín Việt Nam qua các cuộc chiến tranh là rất lớn. Người dân Trung Phi thấy được một Việt Nam hùng mạnh về quân sự, cho rằng bộ đội Việt Nam thật thiện chiến, kiên cường. Khi làm việc mà họ biết mình là người Việt Nam, họ tỏ ra hợp tác hơn”, Trung tá Vũ Văn Hiệp, người cũng hoàn thành nhiệm vụ ở MINUSCA trở về, chia sẻ.
Bởi vậy, hai chữ ấy hóa tấm “kim bài” đặc biệt giúp những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam nơi đây được chào đón thân thiện ngay cả khi đi qua trạm kiểm soát của phiến quân.
Việc dạy chữ, giúp người dân trồng rau, lương thực... giúp các chiến sĩ được yêu mến ở Nam Sudan và Trung Phi. |
“Dọc đường công tác, phải gặp cả lực lượng đối lập và quân chính phủ. Mỗi lần thấy xe của LHQc đi qua trạm kiểm soát, họ thường lục lọi rất kỹ. Tuy nhiên, khi thấy xe có lá cờ đỏ sao vàng, sĩ quan mặc áo gắn phù hiệu vải có chữ ‘Việt Nam’ trên ngực, nhóm binh lính canh gác sẽ ngay lập tức cho qua”, Thượng tá Lê Ngọc Sơn cho biết thêm.
Mỗi lần như thế các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam lại có cảm giác như mình được có tấm “kim bài” đặc biệt trong tay vậy. Cũng nhờ có thứ tình cảm đặc biệt đó của người dân Trung Phi mà sĩ quan Việt Nam thường được tín nhiệm giao nhiệm vụ dẫn các đoàn xe của Liên hợp quốc. Trong các chuyến công tác, ngoài treo cờ đỏ sao vàng, các sĩ quan Việt còn gắn thêm hai chữ “Việt Nam” trên xe.
Tình cảm yêu mến Việt Nam không chỉ có trong mỗi người dân châu Phi mà ngay ở lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong Phái bộ cũng rất có thiện cảm khi gặp, tiếp xúc với các sĩ quan Việt Nam. “Mỗi lần đi qua cửa an ninh, họ đều đề nghị dạy họ lời chào của Việt Nam. Tiếng ‘Xin chào!’, được họ nói ra mỗi khi gặp chúng tôi, tuy nghe không rõ nhưng cũng đủ tạo ra sự gần gũi, gắn kết giữa hai bên”, anh Sơn xúc động nhớ lại.
Thứ tình cảm gắn kết đó có lẽ còn được người dân Trung Phi truyền lại cho con em họ. Trên đường đi từ nhà đến Phái bộ, trẻ em nơi đây thường chạy ra bắt tay các sĩ quan Việt Nam. Anh Sơn còn kể rằng: “Đang ở trong nhà mà nhìn qua khe cửa thấy chúng tôi, từ xa bọn nhỏ đã chạy ào ra để được bắt tay. Chúng phải chạy đuổi theo cho bằng kịp, thậm chí còn tranh nhau bắt tay trước”.
Còn với nữ Trung tá Nguyễn Thị Liên, người mới sang Trung Phi nhận nhiệm vụ từ tháng 7, kỷ niệm gắn với hai chữ “Việt Nam” của chị cũng ngọt ngào vô cùng. Ngay từ những giây phút đầu tiên khi đoàn sĩ quan đến cổng Phái bộ, tiếng hô vang “Việt Nam, Việt Nam!” giúp chị trút bỏ hết mệt nhọc sau hành trình di chuyển hơn 20 giờ và không có chút gì xa lạ, thậm chí có cảm giác gần gũi như được chào đón trên chính quê hương vậy.
Một lần, Trung tá Liên đến Phái bộ quên mang theo thẻ, đang định quay về nhà lấy thì người gác cổng vẫy lại và nói “Vào đi”, thậm chí anh ta còn hồ hởi cho biết rất yêu quý và hoàn toàn tin tưởng những người lính đến từ Việt Nam. Nữ sĩ quan chia sẻ cảm giác “yên tâm và ấm áp” khi ra khỏi phái bộ, đi đến nẻo đường, góc phố nào, chị và đồng đội cũng được những người da đen cười tươi chào hỏi từ xa nhờ dòng chữ in gắn trên ngực áo.
“Ở một đất nước châu Phi xa xôi, khi được đón tiếp như vậy, bạn sẽ thấy yêu đất nước mình hơn và cố gắng sống thật ý nghĩa, cố gắng lan tỏa yêu thương và truyền cảm hứng đến tất cả mọi người”, trung tá Liên nói.
“Tấm kim bài đặc biệt” mà những sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam có được ở đất nước Trung Phi xa xôi đầy bạo lực và nghèo đói không chỉ từ truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, mà còn được hun đắp hàng ngày qua những hoạt động, việc làm, những cử chỉ gần gũi như đồng bào mình của những người lính Cụ Hồ hiện đại. Những sĩ quan Việt gieo con chữ, dạy người dân bản địa trồng rau, làm bánh, hướng dẫn họ sắp xếp, vun vén cuộc sống, giữ vệ sinh, đảm bảo sức khỏe.