"Hình như con là con rơi?"

(PLO) - Tin lời thầy bói, những đố kỵ hoài nghi... đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ có cách đối xử dị biệt với con mình
Anh Châu Minh Tùng là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại TP.HCM, anh có hai con gái, đều xinh đẹp, ngoan ngoãn như nhau. Thế nhưng, nhiều người thân quen đều ngạc nhiên trước cách cư xử của anh với hai con: Đứa út, từ một tuổi đã gửi về nuôi ở nhà ngoại, đến bốn tuổi mới đón về, dù gia đình anh giàu có và không thiếu điều kiện để nuôi dưỡng con. 
Khi con bé về ở lại với vợ chồng anh, không những không bù đắp cho con sau bao ngày sống xa cha mẹ, mà anh lại tỏ ra thờ ơ, không mấy quan tâm đến con. Đi đâu xa, anh cũng chỉ nhớ và gọi về hỏi thăm con gái lớn, mua quà, anh cũng dành món quà nhiều tâm ý nhất cho con gái lớn. Đồ đạc mua sắm, anh cũng đầu tư cho con gái lớn hơn hẳn, hay nựng nịu chăm chút, bày tỏ tình cảm, đều dành cho con gái lớn nhiều hơn. 
Thậm chí, đi chơi xa cả gia đình, anh chỉ chú tâm xem con gái lớn có ăn ngon miệng không, có vui không… Đến mức, ngay cả vợ anh và những người trong gia đình cũng phàn nàn và bất bình. Cháu út cũng nhận thấy cha có thái độ không thân thiết với mình, nên không dám đến gần, không dám quấn quýt như những đứa trẻ bình thường với cha mình. 
Có lần, nhậu say, anh kể ra, bạn bè mới biết lý do vì sao anh "nhất trọng nhất khinh" với những đứa con của mình. Hóa ra, trước khi con út ra đời, một ông thầy bói đã nói với anh: Con bé lớn là hộ mệnh của anh, mạng của nó sẽ giúp mạng anh phất lên ngày càng cao, nhưng con bé út thì lại là sao "quả tạ", là người anh nợ nần từ kiếp trước, kiếp này đến đòi nợ, có nó anh dễ gặp họa. Chỉ còn cách là sau khi sinh ra đem đi xa một thời gian để "giải họa" rồi hãy đem về. Cũng vì lời thầy bói, mà anh có ác cảm với con bé ngay khi chưa ra đời, và vẫn giữ thái độ xa cách suốt như vậy…
Anh Lê Thanh Vinh, ngụ Củ Chi, lại cũng có cách đối xử với con tương tự. Trong ba đứa con, hai đứa đầu thì anh thương yêu, chiều chuộng, muốn gì cũng được, còn đứa thứ ba thì anh ghẻ lạnh, hắt hủi. Tệ hơn cả anh Tùng, anh Vinh có ác cảm với con mình, đứa trẻ mới 9 tuổi mà nói gì ra cũng bị cha la mắng, giận dữ. Thậm chí, anh còn không khuyến khích hai con lớn thương yêu, bảo vệ em mình. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Sau một thời gian mâu thuẫn với chồng về việc chồng  không thương yêu con, đối xử bất công với con, thì cuối cùng chị Thủy, vợ anh Vinh cũng được chồng hằn học cho biết lý do: Hóa ra anh luôn nghĩ đứa trẻ không phải con mình, do đứa trẻ có vẻ khác với anh và hai đứa con trước, và bạn bè, hàng xóm có nhiều xì xào. Anh mang nặng tâm lý hậm hực đó trong lòng, nên trút lên con trẻ. 
Còn chị Minh Hương (Bình Dương), lý do đối xử bất công với con cái cũng thật vô lý: Từ khi chị sinh đứa con thứ hai, mọi chuyện không vui đổ ập lên đầu chị: Phát hiện chồng ngoại tình, bị thất nghiệp, mẹ bệnh nặng… Chỉ đến khi đứa con thứ ba ra đời, mọi thứ mới trở lại ổn định, tốt đẹp lên. 
Thế là, đứa con giữa cứ nhắc chị nhớ một khoảng thời gian khủng khiếp, và chị cũng có chút ác cảm rằng, đứa bé do kị tuổi, kị mạng với mình mà đem lại cho mình nhiều điều không may mắn. Nên với con, chị không thể nào gần gũi chăm chút con như những đứa con khác. 
Với hai đứa con kia, chị chăm chút, mua sắm đồ đạc, trang phục, còn đứa con gái giữa, chị luôn miệng chê xấu xí, chê vụng về, làm gì cũng không vừa ý chị. Đến mức, có lần đứa bé hỏi bà ngoại mình: Ngoại ơi, hình như mẹ không thương con như các chị phải không ngoại? Sao mẹ lại ghét con vậy, con không phải con ruột của mẹ hay sao? Câu hỏi làm bà ngoại cháu bối rối và phiền lòng không biết trả lời sao, vì bà đã khuyên nhủ con gái nhiều lần nhưng vô ích.
Chỉ vì chút định kiến, hiểu lầm hay mê tín, mà nhiều người cha, người mẹ đã biến con mình thành nạn nhân của sự đối xử bất công trong gia đình. Và sự đối xử ấy, hẳn nhiên đã để lại những vết hằn khó phai trong lòng con trẻ. Bé Bảo Linh, con của anh Châu Minh Tùng, chủ doanh nghiệp đã trở nên ác cảm, xa lánh cha từ thuở bé cho đến lúc cháu lớn lên. Và, cháu chỉ coi nhà ngoại mới là gia đình của mình. Lên cấp 2, cháu xin vào học nội trú để khỏi phải va chạm với cha mình ở nhà.
Chuyện của anh Lê Thanh Vinh, tuy rằng sau khi có kết quả xét nghiệm ADN, anh đã nhận ra sai lầm của mình, nhưng để sửa chữa thì không dễ dàng gì, vì sự đối xử bất công, hằn học đã trở thành một thói quen xấu, khiến anh khó mà thay đổi lại. Về phần cậu con trai, ngay cả khi bố thay đổi thái độ với mình, cậu bé cũng vẫn trong tâm trạng đề phòng, xa lánh bố, vì sợ cơn giận giữ lại bất thần đổ xuống đầu. 
Đó là chưa kể, cậu bé cũng không thân thiết được với hai anh trai, vì cha cậu vốn trước kia đã khuyến khích các con lớn không thương yêu em mình… Cứ loay hoay mãi, người cha vẫn chưa tìm cách sửa được cái sai đã gây ra khiến gia đình rạn nứt.
Và, còn có những trường hợp khác mà do sự đối xử bất công đã gây ra hậu quả tiêu cực, đó là những đứa trẻ bị trầm cảm, hoặc trở nên bất cần đời, lì lợm, đối phó với cha, mẹ mình, thậm chí có đứa chọn cách đối kháng hoặc bỏ nhà đi bụi./.

Đọc thêm