1.Mới ngày nào yêu, chàng nói yêu suốt ngày, nâng niu như công chúa. “Mới ngày nào yêu” là một cụm từ đầy nuối tiếc. Vì nó đánh dấu những năm tháng được nâng niu ngắn ngủi của chúng em. Tuổi thanh xuân và cuộc đời chúng em được định đoạt bởi một, hai lần gật đầu và một giai đoạn nâng niu ngắn ngủi đó là xem như “xong rồi”…
Bởi khi cưới rồi, chàng điềm nhiên đạt “chuẩn” thay hoa hồng là thẻ ATM, thậm chí chẳng có ATM, chàng trở thành “con giai lớn” trong nhà. Bởi trước khi cưới vợ các chàng phụ thuộc vào mẹ. Mẹ chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, kể cả đến khi trưởng thành và đi làm cũng sống cùng cha mẹ, việc nội trợ đã có mẹ lo. Khi lấy vợ thì vợ thay mẹ làm việc nhà, giặt quần áo, nấu ăn cho. Là “con giai lớn” vì thế, vì các chàng rất được cưng chiều, quen được phục vụ tận răng nên khó có thể sống độc lập và làm mọi thứ.
Rồi nữa, khi yêu, chàng yêu một người con gái vì cá tính mạnh mẽ không lẫn với các cô gái khác, nhưng khi lấy nhau rồi thì chỉ muốn chúng em hiền lành, dễ bảo. Chúng em càng hiền lành dễ bảo, chàng càng “ hoành tráng” ngoài cánh cửa gia đình như chưa hề có liên quan tới bản cam kết “chung thân” be bé bằng bàn tay…
Chúng em vì nể chồng nên chiều theo, thay đổi mình để làm vừa lòng chồng. Nhưng các chàng lại chẳng vừa, lại cảm thấy thất vọng vì cái cá tính mình yêu ở chúng em không còn như trước. Và cái sự mâu thuẫn ấy, muôn đời phụ nữ chúng em cũng không thể chạy theo làm vừa lòng họ được.
2. Thế nên, rất nhiều điều be bé, chẳng thể gọi tên khi chúng em thấy mình bấn loạn, quay cuồng, đơn độc với bếp núc, việc nhà, con cái, với vai trò bình đẳng ngoài xã hội là khi chúng em thấy mình không còn hạnh phúc nữa. Có rất nhiều thứ be bé đã ra đi, thậm chí tới một ngày, tình yêu cũng đã ra đi cùng những thứ be bé như thế, chưa kể tới chàng còn tiếp tục hành trình đi tìm một hình ảnh của chúng em thưở nào.
Khi ấy, chúng em một là tiếp tục nhẫn nhịn theo đúng lề phép từ đời bà, đời mẹ đã truyền lại. Hai là chúng em nổi đóa lên. Nổi đóa thì mỗi người một phong cách, kẻ im lặng nuốt ngược vào trong mọi căm phẫn, uất ức tới mức bình thản khi đó đã là một hành trình dài bất tận; kẻ bị sốc đột ngột thì ầm ĩ xé quần xé áo lao vào đối phương…
Và có một điều thật lạ lùng, một ngày chúng em phát hiện ra trong một phút nổi đóa nào đó, khi con mèo thành con hổ, chúng em cũng biết “văng” một thứ gì đó ra khỏi miệng. “Văng" rồi thì giật mình, thậm chí sốc với chính mình. Thế nhưng khi ngẫm lại thì là một sự sảng khoái.
Thà cứ “văng” vào mặt nhau cho hả hê còn hơn là phải làm ngơ hay thậm chí có nàng còn phải đi học vài “chiêu” từ chính đối thủ của mình để “giữ” chồng(!). Nhưng tình yêu của chúng em dù có lớn lao tới mấy thì tới ngày cũng mỏi mệt, không ai khư khư đi giữ nỗi đau mãi được, dù cho tim nghẹn đắng.
Quay lại cái sự “văng” với những "gái già xì tin" như chúng em, đó là một sự khám phá đầy sảng khoái. Trong một ngày mà mọi nỗi đau không hề nhẹ bỗng dưng rơi xuống, còn “ văng” ra được là cuộc sống còn tươi đẹp.
Nó như một sự giải tỏa những căng thẳng. Mới hiểu vì sao, trong lịch sử vinh danh oscar lừng lẫy, từng có cô đào khi cầm tượng vàng trên tay đã không kiểm soát được cái miệng xinh đẹp thốt ra một từ… “khiếm nhã” đầy hài hước.
Và phải sau rất nhiều thời gian, các gái già xì tin như chúng em mới ngộ ra nhiều “chân lý” để không dạy con gái về “nín nhịn và hy sinh” mà điều quan trọng, cuộc sống là sự ngột ngạt hay hạnh phúc, là “ đôi bạn cùng tiến” hay những cấm cản như “không được nhuộm tóc vì con đường phía trước thênh thang của anh”, “không được đi bar vì phụ nữ xấu mới vào bar”, “không được cà phê chém gió”, phải luôn ngọt ngào dẫu chàng đi sớm về khuya…
Và chẳng thể đếm xuể những “tầm cao’ mà chúng em muôn đời không chạy theo để làm hài lòng họ được…