Hình sự hóa hành vi hành chính?

(PLO) - Như Báo PLVN đã thông tin, hành vi cố ý gây thương tích của Tạ Công Tiến trước đó đã được đình chỉ điều tra và xử phạt hành chính, nhưng sau đó lại bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” đã khiến dư luận hoài nghi vào sự khuất tất của các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Hoài Đức.
Tiến kêu oan và cho rằng, một hành vi không thể bị xử lý hai lần

Dùng tuýp sắt và dao kiếm gây thương tích là “ít nghiêm trọng”?

Theo dõi hai phiên tòa xét xử vụ “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng” tại TAND huyện Hoài Đức cùng Hội đồng xét xử (HĐXX) do bà Cao Thu Hoài - Phó Chánh án TAND huyện Hoài Đức làm chủ tọa, chúng tôi nhận thấy cơ quan tố tụng huyện Hoài Đức lại có những quan điểm, đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo trái ngược nhau. Có điều gì khuất tất ở đây chăng?

Diễn tiến của vụ án cho thấy, do mâu thuẫn vay mượn tiền bạc, khoảng 21h ngày 2/11/2015, tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) một nhóm thanh niên xăm trổ xông vào nhà anh Nguyễn Đức L. chửi bới đòi tiền, dùng tay đấm đá nạn nhân rồi bỏ đi. Một lúc sau, nhóm thanh niên này lại cầm theo tuýp sắt và dao kiếm tiếp tục xông vào nhà anh L.

Quá hoảng sợ, anh L. chạy vào phòng ngủ để lẩn trốn, nhưng vẫn bị một đối tượng chém gây thương tích, còn các đối tượng khác thì đấm đá liên tục vào người. Chỉ đến khi người dân đến ứng cứu thì nhóm người này mới bỏ đi.

Rõ ràng, đây là hành vi rất côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, có chủ đích, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nhưng HĐXX và đại diện VKSND huyện Hoài Đức lại xác định hành vi này của nhóm côn đồ là “ít nghiêm trọng” và không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra ngoài xã hội.

Thậm chí, chủ tọa phiên tòa – bà Cao Thu Hoài còn “có lời” cho hai bên tự thỏa thuận để đình chỉ vụ án. Sau khi được chủ tọa gợi ý, bị cáo chính trong vụ án này và cũng là người cho nạn nhân vay tiền đã “mặc cả” bồi thường 200 triệu đồng và đưa ra điều kiện phải rút đơn ngay tại tòa. Tuy nhiên, gia đình bị hại không đồng ý và đề nghị xử lý nghiêm hành vi côn đồ của các bị cáo.

Hình sự hóa hành vi hành chính?

Vậy nhưng, ở vụ án Tạ Công Tiến sau khi đình chỉ điều tra và bị xử phạt hành chính về tội “Cố ý gây thương tích”, thì sau một thời gian các cơ quan tố tụng huyện Hoài Đức lại truy tố Tiến về tội “Gây rối trật tự công cộng” và đưa ra xét xử ngày 24/5 vừa qua. Mặc dù TAND huyện Hoài Đức đã nhiều lần triệu tập, nhưng gần chục người liên quan và nhân chứng đều không có mặt.

Tại tòa, bị cáo Tiến kêu oan và cho rằng việc Cơ quan CSĐT và VKSND huyện Hoài Đức khởi tố, truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, quy kết oan cho Tiến. Bởi nguyên nhân xảy ra xô xát là do nhóm của Bùi Chí Mạnh gây ra khi Tiến vào can ngăn, sau đó gây sự đòi đánh Tiến.

Có thể thấy, Tiến không phải là người cố tình gây ra vụ việc mà chỉ là người bị kéo vào vụ xô xát. Mặt khác, vị trí xảy ra xô xát không nằm trong khuôn viên diễn ra lễ hội, không gây ách tắc giao thông; hoạt động của lễ hội không bị ngừng trệ, gián đoạn; không gây thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần đối với những người xung quanh...

Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội – người bảo vệ quyền lợi cho Tiến) đưa ra nhiều luận cứ thể hiện không đủ căn cứ để các cơ quan tố tụng huyện Hoài Đức quy kết Tiến phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” và như vậy là có dấu hiệu hình sự hóa hành vi hành chính.

Trong khi Tiến kêu oan thì đại diện VKSND huyện Hoài Đức lại nhận định “Tiến đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án” nhằm bảo vệ quan điểm truy tố Tiến là “đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật…” để đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo từ 6 đến 9 tháng tù giam.

Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để điều tra làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng của bị cáo Tiến và có đồng phạm không?