Sáng tác và hát trong nước mắt
“Người là niềm tin tất thắng” đã có “tuổi đời” gần 50 năm nhưng khi nhắc lại với phóng viên, nhạc sĩ Chu Minh vẫn rưng rưng cảm xúc như trong cái đêm mùng 9/9/1969. “Đất nước nghiêng mình/ Đời đời biết ơn/ Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam/ Lời thề sắt son/ Theo Bác gọi bốn nghìn năm dồn lại hôm nay/ Ngời sáng trong muôn triệu trái tim…” - dòng xúc cảm của nhạc sĩ trào dâng trên từng câu hát, từng nốt nhạc như sự kết trái của cả một tình yêu lớn lao và bền bỉ đến với vị Cha già yêu kính của dân tộc.
Trong cuộc đời mình, nhạc sĩ Chu Minh đã 5 lần được gặp Bác. Năm 19 tuổi, ông gặp Bác trong đêm lửa trại cùng Đội võ trang công tác tuyên truyền trên chiến khu ATK. Ông cùng bạn bè đàn hát cho Bác xem. Sau đó một thời gian dài, nhạc sĩ về công tác tại Đoàn Ca múa nhân dân Việt Nam và nhiều lần được cùng đoàn đi biểu diễn phục vụ những đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc với Bác.
“Bác có thói quen trước những buổi biểu diễn thường vào hậu trường thăm anh chị em nghệ sĩ. Khi gặp tôi, Bác đã nói với tôi rằng, Bác đã gặp chú ở chiến khu và hỏi thăm chuyện sức khỏe, gia đình tôi. Tôi vô cùng xúc động vì bộn bề công việc mà Bác vẫn nhớ”- nhạc sĩ Chu Minh xúc động kể.
Năm 1969 khi được tin Bác mất, nhạc sĩ Chu Minh đang là giảng viên của Nhạc viện Hà Nội và cùng trường đi sơ tán tại Hà Bắc. Xa xôi, nên đến tận ngày 9/9/1969 – ngày cuối cùng của buổi tang lễ đưa tiễn Bác ông mới về được Hà Nội để viếng Bác. Những cơn mưa liên miên, đất trời như chia sẻ nỗi đau thương của những dòng người đi viếng Bác. Nét buồn đau in hằn trên khuôn mặt từng người.
Năm lần được gặp Bác trong đời là 5 lần cảm xúc trào dâng trong lòng người nhạc sĩ. Và, dòng cảm xúc ấy đã đơm hoa kết trái ngay trong cái đêm 9/9/1969 sau buổi lễ tiễn đưa Bác. Sáng tác xong bài hát thì gương mặt người nhạc sĩ cũng ướt nhòe nước mắt. Ngay sau khi hoàn thành bài hát, nhạc sĩ Chu Minh mời NSƯT Bích Liên đến để tập, chị đã vừa hát vừa khóc ròng.
Trong đêm biểu diễn tưởng nhớ Bác diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau tang lễ Bác một tuần, bài hát “Người là niềm tin tất thắng” đã được yêu cầu hát đi hát lại nhiều lần. Bài hát đã được Hội Nhạc sĩ lựa chọn từ 1.500 bài hát viết về Bác sau khi Bác mất để trao giải đặc biệt. Đối với người nhạc sĩ, đó là phần thưởng vô giá.
Ca khúc về Bác được viết nhanh kỷ lục
Chia sẻ với đồng nghiệp về kỷ niệm khi viết ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”, nhạc sĩ Cao Việt Bách nhớ lại: “Hòa chung trong không khí nô nức chào đón ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, dường như lời bài hát đã có sẵn trong tôi tự bao giờ, tôi không phải mất thời gian để tìm lời, mà chỉ trong vòng 8 - 9 phút, ca khúc đã thành hình”. Bài hát đã được ca sĩ Hữu Nội hát lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào những ngày đầu tháng 5/1975.
Tuy nhiên nhạc sĩ Cao Việt Bách vẫn trăn trở, Bác Hồ là người có tầm vóc vĩ đại, người tạo nên lịch sử Việt Nam, nếu chỉ có giọng đơn ca nam hát về Bác thì chưa đủ diễn tả tầm vóc ấy. Chính vì vậy nhạc sĩ đã quyết định viết lại ca khúc thành bản hợp xướng.
Năm 1977, tại sân vận động ngoài trời ở TP.HCM, lần đầu tiên ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” được biểu diễn với hình thức dàn hợp xướng và dàn nhạc phụ họa đã có hàng nghìn khán giả đứng lên hát cùng dàn hợp xướng: “Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mong đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân/ Bác vẫn đến từng nhà thăm các cụ già, cầm tay chúng con/Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn...”.
Là nhạc sĩ cùng thế hệ với các nhạc sĩ Thuận Yến, Phạm Tuyên, Trần Chung..., nhạc sĩ Cao Việt Bách cũng có rất nhiều ca khúc viết về Bác Hồ được công chúng yêu thích và thuộc nằm lòng, như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”; “Vầng trán Bác Hồ”; “Mang hình Bác chúng ta lên đường”; “Đêm đông Pari”…
Cơ duyên để nhạc sĩ Cao Việt Bách có được nhiều sáng tác về Bác vì ông là con của gia đình liệt sĩ chống Pháp nên được Bác Hồ cử đi học ở Lư Sơn, rồi đến Quế Lâm (Trung Quốc). Năm 1954, cùng với hàng trăm học sinh ưu tú khác, ông được chuyển sang học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Mátxcơva, Liên Xô. Sau khi học hết phổ thông, năm 1959 ông vào học Khoa Chỉ huy hợp xướng ở Nhạc viện Gnessin của Mátxcơva.
“Mỗi khi từ Việt Nam sang nước Nga, Bác lại đến thăm Trường Thiếu nhi Việt Nam. Bác hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập, rồi dặn dò các cháu học tập cho thật tốt, phải cố gắng học...” – nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại.
Không chỉ gặp Bác Hồ trong những năm tuổi thơ học ở Nga, ngay khi về nước với tấm bằng loại ưu tại Nhạc viện Gnessin, nhạc sĩ Cao Việt Bách tham gia chỉ huy dàn nhạc tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) và tiếp tục được gặp Bác Hồ nhiều hơn.
The Ballad of Ho Chi Minh
Là tên một bài hát do nhạc sĩ Ewan MacColl người Anh sáng tác về Hồ Chí Minh vào khoảng năm 1954. Bài hát có tên tiếng Việt là “Bài ca Hồ Chí Minh” và đã được nhiều người thể hiện. Cảm phục trước chiến thắng Điện Biên Phủ và Hồ Chí Minh, nhà lãnh tụ kiệt xuất đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử, nhạc sĩ người Anh đã sử dụng chính là làn điệu dân ca cổ Saxon để sáng tác bài hát nói lên tình cảm của người dân nước Anh dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài hát đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhanh chóng được lưu truyền khắp Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới. Trong đêm khai mạc Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh tại La Habana, Cuba năm 1967, nhạc sĩ Ewan MacColl đã biểu diễn bài hát này cùng nữ nghệ sỹ Peggy Seeger, người bạn đời của ông và đã nhận được hàng tràng vỗ tay đề nghị biểu diễn lại.
Ở Việt Nam, ca sỹ Quang Hưng là người đầu tiên dịch và mang bài ca Hồ Chí Minh với điệp khúc “Hồ... Hồ... Hồ Chí Minh” nổi tiếng về biểu diễn tại Việt Nam sau khi được chính Ewan MacColl dạy hát tiếng Anh.
“Tôi xúc động đến trào nước mắt khi nghe bài hát ca ngợi Bác Hồ của một nhạc sỹ nước ngoài sống cách xa nửa vòng trái đất. “Hồ Chí Minh - mùa xuân, chứa chan muôn niềm tin, người từ chân lý sinh ra, vì thế giới hòa bình, người hiến dâng đời mình. Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh” - hàng ngàn thính giả đã lặng đi khi nghe Ewan MacColl hát…” – ca sỹ Quang Hưng đã từng kể với báo giới như vậy.
Hồ Chí Minh – Bài ca tự do
… Như vậy, có thể nói, những bài ca về Hồ Chí Minh từ những nhạc sĩ trong và ngoài nước không những là di sản vô giá trong kho tàng âm nhạc, mà còn cho thấy sức mạnh lan tỏa khát vọng tự do, hòa bình của Người trên toàn thế giới. Được biết, năm nay nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào đúng ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ gửi đến khán giả bộ phim “Hồ Chí Minh – Bài ca tự do” với chủ đề về tư tưởng tự do của Hồ Chí Minh trong âm hưởng của những ca khúc quốc tế sáng tác về Người.
Biết được ca khúc “The ballad of Ho Chi Minh” của nhạc sĩ Ewan MacColl là ca khúc gần như sớm nhất viết về Bác Hồ, ê-kíp làm chương trình đã tới gia đình nhạc sĩ Ewan MacColl để ghi lại những câu chuyện về sự ra đời của ca khúc này. Cùng với gia đình nhạc sĩ Ewan MacColl, nhiều nhân vật, địa điểm khác cũng đã được ê-kíp tìm đến ở các quốc gia như Pháp, Algeria, Chile, Tuy-ni-di để ghi lại những câu chuyện về vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam tại những nơi Bác Hồ từng đặt chân tới năm xưa…
Đặc biệt, xuyên suốt phim tài liệu “Hồ Chí Minh – Bài ca tự do” sẽ là các ca khúc quốc tế và Việt Nam rất nổi tiếng viết về Bác Hồ như “The Ballad of Ho Chi Minh” của nhạc sĩ Ewan Maccoll, “Quyền sống trong hòa bình” của nhạc sĩ Victore Hara người Chile, “Teacher Uncle Ho” của nhạc sĩ Peter Seeger người Mỹ, “Bác Hồ - người thầy vĩ đại” của nhạc sĩ Juan Francisco Gutierrez người Venezuela, “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên…
Qua đó, khán giả sẽ hiểu hơn vì sao tên tuổi Hồ Chí Minh cùng khát vọng đấu tranh cho tự do, độc lập dân tộc của Người lại lan tỏa rộng khắp, trở thành nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.