Hiện tượng nhà báo “tống tiền” không còn là chuyện hy hữu nữa. Đối tượng bị nhắm tới thường là các doanh nghiệp, cảnh sát giao thông, thậm chí cả những cán bộ quyền chức,... tức là những người có tiền và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chính những vụ “tống tiền” suôn sẻ và giữ bí mật đã khiến nhiều kẻ giả danh nhà báo để thực hiện hành vi này. Kể cả nhà báo thật và giả khi bị phát hiện đều đã bị pháp luật trừng phạt nặng nề, thế nhưng việc này vẫn cứ tiếp diễn. Đó là một câu hỏi lớn về phẩm chất của đội ngũ phóng viên và cả những người lãnh đạo báo chí, các cơ quan quản lý truyền thông.
Nói về phẩm chất của người hành nghề báo chí, ngoài hiện tượng “tống tiền” ra còn có những hành vi lừa đảo, ví dụ như nhận tiền để xin việc, chạy án hoặc đăng bài phản ảnh theo yêu cầu của người đưa tiền rồi mất hút. Đã có những đơn thư tố cáo, kể cả việc bị phanh phui trên báo chí của một số trường hợp nhưng dường như cách xử lý chưa thực sự đến nơi, đến chốn khiến các vụ việc tương tự cứ tiếp diễn. Điều đáng lên án của các vụ lừa đảo này là nhắm vào dân thường, những người ít hiểu biết và không có nhiều cơ hội tiếp xúc với xã hội, thậm chí cả người nghèo,... Hành động như vậy là táng tận lương tâm, là một sự phản bội nghề nghiệp.
Rất đáng chú ý là những nhà báo thực hiện hành vi “tống tiền” thường không hoạt động đơn lẻ mà có cả sự "trợ giúp" của một nhóm người. Trường hợp mới đây của nữ phóng viên “tống tiền” doanh nghiệp ở Bắc Giang là một ví dụ.
Chị ta hành nghề công khai, bài bản đúng quy trình tác nghiệp để dẫn tới hành vi “tống tiền” mua sự im lặng, hơn nữa, có cả người môi giới và nhận tiền tại trụ sở tòa soạn ở Hà Nội.
Trái ngược với các hành vi trên là bản lĩnh và sự trong sáng của các nhà báo trung thực. Thường là những người thanh bạch và hay bị trù dập bởi các thế lực đen tối nhưng họ chính là niềm tự hào của báo giới, niềm tin của nhân dân.
Sức mạnh của công luận nằm ở chỗ trung thực và công khai, minh bạch, công bằng. Và, người làm báo, viết báo, thực thi chức năng công luận phải có những phẩm chất tối thiểu đó. Ngày nay, báo chí quá nhiều, đội ngũ phóng viên quá đông và xảy ra tình trạng "vàng thau lẫn lộn", những người làm báo chân chính không thể a dua theo cái xấu làm hổ danh một nghề nghiệp vốn được coi trọng là nhà báo.