Hồ Hòa Bình và khát vọng xứng tầm khu du lịch quốc gia

Hồ Hòa Bình và khát vọng xứng tầm khu du lịch quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, bà con các dân tộc tỉnh Hòa Bình và người dân cả nước từng tự hào về “công trình thế kỷ” Thủy điện Hòa Bình tầm cỡ quốc gia, có công suất lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng đang kỳ vọng về một Khu du lịch Hồ Hòa Bình mang “thương hiệu Quốc gia”, ghi tên vào bản đồ du lịch thế giới.

Lời tòa soạn:

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 2021-2025 đạt 9%. Xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Đến năm 2025, đón khoảng 4,9 triệu lượt khách, trong đó có 01 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng.

Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được hình thành sau khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, có chiều dài hơn 100km, dung tích chứa gần 9,5 tỷ m³ nước, trải rộng trên địa bàn các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và TP Hòa Bình. Đây cũng là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người có bản sắc văn hóa độc đáo như Mường, Dao, Thái…

Mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng giá trị kinh tế nói chung, giá trị du lịch nói riêng của Hồ Hòa Bình chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng (du khách phần lớn mới chỉ biết đến điểm du lịch Thung Nai hay Đền Bờ gắn với du lịch tâm linh).

Ngày 1/8/2016, Thủ tướng đã có Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình và mới đây ngày 25/3/2021 đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đến năm 2035. Quy mô lập quy hoạch lớn chưa từng có, lên tới 52.200ha trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố của Hòa Bình, là “khu du lịch cấp Quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc”.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình được kỳ vọng sẽ là chìa khóa then chốt cho việc phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình và cả vùng Tây Bắc Việt Nam, là đòn bẩy, động lực cực kỳ quan trọng cho việc phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình.

Pháp luật Việt Nam đăng tải loạt bài: HỒ HÒA BÌNH & KHÁT VỌNG XỨNG TẦM KHU DU LỊCH QUỐC GIA, ghi nhận ý kiến của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về quy hoạch quan trọng này.

VẺ ĐẸP SAY LÒNG LỮ KHÁCH

- Là người gắn bó, đầu tư trên địa bàn Hòa Bình từ hơn 15 năm nay, chắc chắn đã có nhiều lần dọc ngang, khám phá Hồ Hòa Bình, ông đánh giá như thế nào về những tiềm năng của Hồ Hòa Bình trong phát triển du lịch?

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô: Lần đầu tôi đến Hồ Hòa Bình là cách đây 12 năm, ấn tượng ban đầu là cảnh sắc thiên nhiên kỳ ảo với mặt nước xanh ngút ngàn, các vách núi đá dựng đứng xen với đồi thấp; thảm thực vật phong phú xen lẫn giữa rừng trồng và rừng tự nhiên.

Không chỉ vậy, ven hồ là các bản lảng còn nguyên vẹn bản sắc văn hóa Mường giản dị và mang chút huyền bí. Hồ cũng là nơi gắn với văn hóa tâm linh thờ Mẫu với di tích đền chúa Thác Bờ linh thiêng.

Một điều đặc sắc nữa là cuộc sống của người dân trên mặt nước với những con tàu chợ nổi, những khu bè cá trù phú. Cảnh tượng khi chiều về, những bến Bình Thanh, cảng Thung Nai, cảng Bích Hạ tấp nập thuyền lớn nhỏ với những chuyến cá tôm tươi rói làm bất kỳ ai cũng phải thảng thốt.

Điều tuyệt vời là một nơi có đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch: Thiên nhiên, văn hóa, tâm linh đó lại chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 80 cây số.

Với vị thế tương tự, tại Italy thì Hồ Garda đã phát triển thành trung tâm du lịch từ rất sớm. Hay hồ Hakone tại Nhật Bản cũng đã thành điểm đến quen thuộc của người Nhật.

Hồ Hòa Bình có nhiều tiềm năng để sánh ngang với các hồ nước - khu du lịch nổi tiếng thế giới như Hồ Garda (Italia), Hakone (Nhật Bản).

Hồ Hòa Bình có nhiều tiềm năng để sánh ngang với các hồ nước - khu du lịch nổi tiếng thế giới như Hồ Garda (Italia), Hakone (Nhật Bản).

- Nhiều người ví von “Hồ Hòa Bình quả thực rất đẹp nhưng đó là vẻ đẹp của nàng công chúa còn “ngủ trong rừng”, chưa được khai thác nhiều, chưa được nhiều người biết đến. Cảm nhận của riêng ông về điều này như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Trung: Đến hôm nay thì tôi cho rằng “Nàng công chúa” đã thức dậy rồi.

Với sự quyết liệt của chính quyền Hòa Bình, từ năm 2016 đến nay, Hồ Hòa Bình liên tục đón nhận những tin vui mới để từng bước đưa Hồ Hòa Bình có vị thế trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn về du lịch tại Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến sự cải thiện hạ tầng liên tục bao gồm giao thông kết nối từ Hòa Bình về Hà Nội, giao thông từ thành phố Hòa Bình kết nối với lòng hồ và giao thông nội vùng lòng hồ.

Hiện nay, thay vì mất trên 3 tiếng để di chuyển từ cảng Thung Nai về tới Hà Nội như trước kia thì chỉ còn chừng 1,5 tiếng. Để di chuyển vào Ngòi Hoa cũng đã có thể sử dụng đường bộ với chỉ 30 phút từ cảng Thung Nai. Tỉnh lộ 435A cũng thông thoáng vào đến bến Bình Thanh…

Không chỉ giao thông đường bộ, một loạt cảng tại Hồ Hòa Bình cũng đã hoặc có kế hoạch nâng cấp để cải thiện giao thông đường Thủy.

Điều đáng mừng nhất tôi cho rằng đó là Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch lòng hồ và phê duyệt quy hoạch xây dựng. Điều này tạo nền tảng cho một sự phát triển bền vững. Đáp ứng phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ nguồn nước, thảm thực vật và an ninh hồ đập.

Việc có phê duyệt quy hoạch xây dựng kịp thời là vô cùng ý nghĩa, đáp ứng phù hợp với sự phát triển nóng của khu du lịch lòng hồ trong thời gian qua. Tránh tình trạng như nhiều khu du lịch trải qua một thời kỳ phát triển tự phát rồi mới có quy hoạch, khi đó quy hoạch sẽ thiếu đồng bộ, mang tính “vuốt đuôi”. Tôi hi vọng việc có quy hoạch sớm sẽ là điều khiến Hồ Hòa Bình sẽ trở thành khu du lịch đồng bộ, bền vững.

Trong thời gian tới, tôi tin tưởng sẽ tiếp tục có nhiều tin vui nữa về việc cải thiện hạ tầng để Hồ Hòa Bình tiếp tục cất cánh nhanh hơn.

Hồ Hòa Bình còn là nơi gắn với văn hóa tâm linh thờ Mẫu với di tích đền chúa Thác Bờ linh thiêng.

Hồ Hòa Bình còn là nơi gắn với văn hóa tâm linh thờ Mẫu với di tích đền chúa Thác Bờ linh thiêng.

QUY HOẠCH LÀ BỆ ĐỠ ĐÓN ĐẦU TƯ

- Du lịch đã và sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới. Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước ngày càng tăng cao, trong khi đó quỹ khu du lịch lớn quanh Hà Nội gần như đã cạn kiệt, ông đánh giá như thế nào về “lực hút” đầu tư, đón những doanh nghiệp lớn đầu tư vào KDL Quốc gia Hồ Hòa Bình nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung?

Ông Nguyễn Thành Trung: Hồ Hòa Bình nói riêng và Hòa Bình nói chung đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến như T&T, Geleximco, FLC, tập đoàn TH, Tân Hoàng Minh, Lạc Hồng, Apec, Phú Mỹ Hưng…. Đa phần các tập đoàn tập trung đầu tư về du lịch, đô thị sinh thái và nông nghiệp – các loại hình đầu tư gắn với tôn tạo, bảo vệ, cộng sinh với thiên nhiên văn hóa.

Lực hút đầu tiên phải kể đến là sự cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư khi loạt thủ tục được minh bạch hóa. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cũng nhận thấy sự phản ứng của các cơ quan quản lý tại Hòa Bình rất nhanh nhạy trong phản ứng với các chính sách mới, khiến thời gian trễ khi áp dụng chính sách mới được rút ngắn, hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều.

Lực hút thứ hai nhưng quan trọng không kém đó là tài nguyên sẵn có của Hòa Bình: Thiên nhiên ưu đãi. Thảm thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên vùng trung du, miền núi tươi đẹp.

Lực hút thứ ba là, Hòa Bình rất gần với thị trường mục tiêu rộng lớn. Chỉ cách Hà Nội trên 1h ô tô và đang ngày càng rút ngắn, cải thiện, Hòa Bình là thị trường rất tiềm năng cho phát triển du lịch ngắn ngày và bất động sản cao cấp cho giới siêu giàu tại Hà Nội.

Không chỉ vậy, khi gặp chất xúc tác là đại dịch Covit đang tác động sâu sắc tới thói quen của người dân. Người đi du lịch bây giờ có xu hướng “chuyển xa về gần”. Hạn chế đi máy bay mà dùng phương tiện cá nhân, ngại di chuyển xa, nhu cầu đi nhiều lần trong năm… khiến thị trường du lịch ngoại ô phát triển mạnh trong khi nguồn cung còn quá hạn chế do từ lâu ít đơn vị để ý phát triển.

Thêm vào đó, người sống tại vùng đô thị có xu hướng dịch chuyển ra khỏi trung tâm khiến thị trường nhà nghỉ ngoại ô, nhà ở tại ngoại ô có nhu cầu tăng vọt.

Với những nhân tố quan trọng này, Hòa Bình chắc chắn sẽ là địa bàn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

T&T, Geleximco, FLC, tập đoàn TH, Tân Hoàng Minh, Lạc Hồng, Apec, Phú Mỹ Hưng…. đều đã và đang "nhắm" đến Hòa Bình.

T&T, Geleximco, FLC, tập đoàn TH, Tân Hoàng Minh, Lạc Hồng, Apec, Phú Mỹ Hưng…. đều đã và đang "nhắm" đến Hòa Bình.

- Có thể nói, Quy hoạch KDL quốc gia Hồ Hòa Bình dù “đi sau” so với nhiều địa điểm du lịch nhưng ngược lại đây cũng chính là ưu thế, giúp hoạch định một cái nhìn bài bản, lâu dài, tránh được tình trạng “phá nát” quy hoạch như đã xảy ra ở nhiều địa phương. Cá nhân ông cho rằng, những giá trị cốt lõi, điểm nhấn nào mà Quy hoạch chi tiết KDL Hồ Hòa Bình cần đạt được?

Ông Nguyễn Thành Trung: Tại quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Hồ Hòa Bình đã nêu rất rõ các tiêu chí cho từng bộ môn quy hoạch mà tôi thấy rất tâm đắc. Trong đó, các giải pháp phân khu, khống chế mật độ xây dựng, bố trí các quỹ dự phòng; quan điểm bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, các giải pháp bảo đảm sự nguyên vẹn của văn hóa bản địa, … đều được đề cập rất chi tiết và mang tính hợp lý cao.

Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng chỉ là nền tảng, để quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống cần phối hợp với các chính sách ở các lĩnh vực quản lý tùy vào từng trường hợp. Điều mà doanh nghiệp kỳ vọng, đó là các nhà quản lý có các giải pháp áp dụng quy hoạch đúng nhưng cũng linh hoạt để vừa đảm bảo các tiêu chí quy hoạch lại vừa tạo thuận lợi cho việc đầu tư.

Ngoài ra, việc phân kỳ phân bổ vốn đầu tư hạ tầng phải dựa trên cả yếu tố kế hoạch rót vốn của nhà đầu tư trên từng khu vực. Bởi có nhiều khu vực trong lòng hồ có nhiều nhà đầu tư cam kết rót vốn, nếu nhà nước không đồng hành để thi công hạ tầng đúng nhịp sẽ không tận dụng được lợi thế cho đôi bên.

Lợi thế của hồ Hòa Bình là hiện tại, mật độ dân cư đang rất thưa, có thể nói là rất rất thưa với những giá trị đầu tư hiện hữu rất ít. Nên việc phát triển du lịch tại đây sẽ ít ảnh hưởng tới các nền tảng sinh kế vốn có, tạo điều kiện cho việc bảo tồn các nét văn hóa đời sống được thuận lợi. Tại các khu du lịch khác, khi phát triển phải đánh đổi nhưng tại Hồ Hòa Bình việc “đánh đổi” là rất ít.

Lợi thế của hồ Hòa Bình là hiện tại, mật độ dân cư đang rất thưa nên việc đánh đổi cho phát triển kinh tế là rất ít.

Lợi thế của hồ Hòa Bình là hiện tại, mật độ dân cư đang rất thưa nên việc đánh đổi cho phát triển kinh tế là rất ít.

CẦN CÓ MỘT BIỂU TƯỢNG ĐỂ NHẬN DIỆN

- Đã có khá nhiều kinh nghiệm trong khai thác giá trị du lịch, ông gợi ý nào để KDL Quốc gia Hồ Hòa Bình thực sự trở thành “thương hiệu quốc gia”?

Ông Nguyễn Thành Trung: Để trở thành khu du lịch quốc gia đúng tầm, rõ ràng không thể tránh khỏi việc phát triển đa dạng về loại hình cũng như về cấp dịch vụ để đa dạng hóa khách du lịch đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng, sự kiện, thể thao...

Đa dạng loại hình và cấp độ để tăng độ phủ thị trường nhưng để nhanh chóng thu hút được sự quan tâm tạo nên hình ảnh một khu du lịch đáng đến, Hồ Hòa Bình cần xây dựng một biểu tượng du lịch mang tính đặc trưng và làm nền để các dự án du lịch có một tâm để xoay quanh.

Hiện nay, Hồ Hòa Bình mới chỉ có quy hoạch phát triển và một định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. Nhưng nếu không tạo được một biểu tượng, thì quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch sẽ không cùng hướng, không tạo nên được một tổng thể đúng nghĩa.

Biểu tượng không cần có nghĩa là một kỳ quan, nó mang nhiều ý nghĩa về một triết lý chung. Nhiều khi là một nét văn hóa đặc trưng riêng có, thậm chí một món ăn. Nhưng một nhóm các yếu tố đặc trưng khi được xây dựng đúng tầm sẽ tạo nên một khu du lịch đáng tầm.

Cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.

Cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.

- Hiện tại, các doanh nghiệp đầu tư vào KDL Quốc gia Hồ Hòa Bình có gặp phải khó khăn gì không? Mong muốn của nhà đầu tư đối với chính sách, chủ trương của tỉnh, hỗ trợ của chính quyền địa phương?

Ông Nguyễn Thành Trung: Một điểm đến mới đầy tiềm năng nhưng đi cùng với đó sẽ là những khó khăn không nhỏ vì có những điều chưa có tiền lệ.

Trong thời gian qua, một trong những điểu chúng tôi gặp khó khăn đó là sự chồng chéo trong việc quản lý đất đai giữa chính quyền địa phương, ban quản lý rừng phòng hộ và người dân. Việc nhiều đơn vị với vai trò và cơ chế hoạt động khác nhau khiến quá trình thực hiện các thủ tục đất đai gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp mong muốn, trong quá trình đầu tư sẽ luôn được chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở đồng hành, tháo gỡ để “mọi nhà” đều được hưởng lợi.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

* (Bài viết có sử dụng hình ảnh từ một số trang web, trang thông tin quảng bá du lịch).

Đọc thêm