Nơi khơi nguồn cuộc sống
Ngày 2/7/1984, hồ Dầu Tiếng bắt đầu tích nước, sau đó các tuyến kênh cũng hoàn thành. Bốn năm sau ngày chính thức khởi công (ngày 10/1/1985) hồ Dầu Tiếng chính thức mở nước, phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn héc ta đất ruộng đồng của Tây Ninh. Ngoài đem nước phủ xanh cho những vùng ruộng đồng khô cháy, hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt nước rộng mênh mông và hệ thống kênh đào dẫn nước bắt đầu làm dịu bớt sự nóng bức, giữ được mạch nước ngầm cho các khu vực xung quanh.
Nhờ nguồn nước từ hồ mà nhiều vùng đất của Tây Ninh như thay da đổi thịt, cuộc sống đi lên từng ngày. Từ vùng đất khô cằn nắng cháy, đất đai bỏ hoang, Tây Ninh dần được biết đến với những vùng trồng cây ăn trái, cây công nghiệp xanh tốt bạt ngàn như nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng, mãng cầu, cao su, mía... Tây Ninh bây giờ là vựa nông sản lớn của vùng Đông Nam Bộ. Nhờ nguồn nước dồi dào quanh năm từ hồ, năng suất lúa, mì, mía ở đây cũng tăng lên gấp nhiều lần, thu nhập của nhà nông vì thế cũng ngày một khấm khá.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã trải qua không ít thăng trầm, trắc trở cùng với sự nỗ lực lớn lao, không ngừng nghỉ của Trung ương và các địa phương - nhất là trong giai đoạn đầu sau khi hồ mở nước. Một trong những vấn đề phát sinh khiến hiệu quả công trình ảnh hưởng là sau khi mở nước vài năm, nhiều tuyến kênh bắt đầu xuống cấp. Do tất cả các tuyến kênh lúc bấy giờ chỉ là kênh đất, nhiều nơi có độ kết dính kém, hơn nữa việc thi công trước đây hầu hết là thủ công, nên dễ bị sạt lở, lòng kênh bị bồi lắng khiến hạn chế dòng chảy, diện tích tưới giảm sút.
Một số công trình quan trọng trong khu đầu mối cũng bắt đầu xuất hiện nguy cơ mất an toàn. Trên thân đập phụ, một số đoạn xuất hiện tình trạng rò rỉ, nước thấm qua chân đập. Đầu thập niên 1990, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tăng cường đầu tư thêm cả trăm tỷ đồng nâng cấp khu đầu mối và 2 tuyến kênh chính Đông, chính Tây. Thân đập trong khu đầu mối được gia cố, xây dựng thêm một bức tường tâm bê tông với chiều sâu mấy chục mét để chống tình trạng nước rò rỉ. Hai kênh chính cũng được nâng cấp bằng cơ giới để bảo đảm an toàn và tạo độ thông thoáng cho dòng chảy.
|
Cảnh hoàng hôn thơ mộng trên hồ Dầu Tiếng. |
Chẳng những liên tục được bảo trì, nâng cấp, hiện đại hóa các hạng mục, hệ thống kênh dẫn nước để duy trì, đảm bảo hiệu quả hoạt động, hệ thống kênh cấp nước từ hồ Dầu Tiếng cũng được mở thêm. Cụ thể, ban đầu hệ thống thủy nông Dầu Tiếng có hai tuyến kênh chính để đưa nước từ lòng hồ ra ngoài. Đó là các kênh chính Đông dài 45km và chính Tây dài 39km. Đến 1996, kênh Tân Hưng được xây dựng dài 29km, cũng lấy nước từ hồ Dầu Tiếng để tưới cho các huyện vùng cao Tân Châu và Tân Biên của Tây Ninh.
Đặc biệt, cuối năm 2012, hồ Dầu Tiếng được tiếp nước từ từ sông Bé thông qua việc chặn dòng sông Bé ở huyện Phú Giáo, Bình Dương và con kênh dài hơn 40 km. Như vậy, lần đầu tiên nước từ sông Bé được tiếp cho sông Sài Gòn, còn hồ Dầu Tiếng thì nhận con nước từ hai con sông nằm cách xa nhau. Việc tiếp nước này tạo nên công trình thủy lợi liên hoàn Dầu Tiếng - Phước Hòa, đảm bảo nguồn nước cho kinh tế - dân sinh.
Với diện tích mặt nước 270 km2, dung tích chứa hơn 1,58 tỷ m3 nước cùng hệ thống kênh các cấp có tổng chiều dài hơn 2.000 km, nhiều năm qua, mỗi năm hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã dẫn nước trực tiếp tưới tiêu cho hơn 100.000 ha đồng ruộng; cung cấp gần 100 triệu m3 nước ngọt cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt, góp phần đáng kể trong việc phát triển sản xuất công nghiệp, cải thiện môi trường, an sinh xã hội.
Ngoài ra, hằng năm, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp cho ngư dân cả ngàn tấn thuỷ sản, giúp hàng trăm hộ có cuộc sống ổn định. Đặc biệt, hồ Dầu Tiếng còn có chức năng đẩy mặn, ngọt hóa cho nhiều vùng ven sông Sài Gòn. Từ khi có nước Dầu Tiếng rót về, nước mặn trên sông Sài Gòn bị đẩy lùi từ Thủ Dầu Một xuống Lái Thiêu, trên sông Vàm Cỏ Đông bị đẩy lùi từ Gò Dầu xuống Đức Huệ. Tạo thêm nguồn nước ngọt tưới mát hàng chục ngàn ha đất ven 2 đoạn sông trên và những vùng đất được rửa mặn đã có thể canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Hàng năm hồ Dầu Tiếng đảm bảo tích đủ nước, an toàn tuyệt đối cho công trình và phòng lũ cho hạ du. Trong quá trình vận hành, nhiều giải pháp đã được triển khai như lắp thiết bị quan trắc, cảnh báo, tổ chức kiểm định an toàn đập, hồ chứa cũng như bảo trì, nâng cấp, hiện đại hóa đập, hồ chứa, hệ thống kênh, xử lý chống thấm… Gần đây ở hồ còn có nhiều hoạt động kinh tế như khai thát cát, nuôi cá, xâm canh trồng cây trái, hoa màu các dự án điện mặt trời.
Năm 2019, cụm nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm lúc bấy giờ, với tổng mức đầu tư khoảng 9,1 nghìn tỷ đồng, được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, diện tích 504 ha, công suất lắp đặt 420 MW đã chính thức đi vào hoạt động. Trên lưu vực hồ còn có các cơ sở, nhà máy chế biến tinh bột mì, mủ cao su, các dự án du lịch sinh thái ở một số thắng cảnh.
Theo Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, trong quá trình vận hành, sử dụng hồ, mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ an toàn cho hồ chứa, từ đó thực hiện các mục tiêu khác. Với vai trò đặc biệt quan trọng của mình, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đưa công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đến năm 2019, Thủ tướng ký quyết định đưa công trình này vào danh mục các đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt.
Thắng cảnh du lịch
Bên cạnh nhiệm vụ nguồn cung cấp nước, hồ Dầu Tiếng còn là điểm đến có cảnh quan du lịch hấp dẫn của khu vực Đông Nam Bộ. Không quá xa Sài Gòn và chỉ cách thành phố Tây Ninh chừng 26 km về hướng Đông nhưng hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á này có rất nhiều cảnh đẹp. Giữa lòng hồ mênh mông nước xanh biếc bốn mùa có nhiều ốc đảo tự nhiên được gọi với những cái tên dân dã như đảo Đồng Bò, đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Nhím… trên đó là những trảng cỏ, cánh đồng lúa xanh tốt, thẳng tắp nối liền nhau.
Bên bờ hồ là Khu du lịch hồ Dầu Tiếng với các dịch vụ chở người bằng cano ra đảo. Du khách có thể đi mất khoảng 20 phút trên cano để ra tới đảo, cùng với đó là trải nghiệm ngắm cảnh một bên là biển xanh ngắt, một bên là đồi núi hùng vĩ, tạo cảm giác vô cùng thú vị. Ngoài ra, mọi người có thể thuê thuyền nhỏ của người dân địa phương để dạo chơi trên mặt nước và thử tài câu cá tại đây.
Khung cảnh thiên nhiên ở đây đẹp nhất có lẽ là vào mùa xuân, lúc này bạt ngàn hoa súng nở trên hồ, những cánh rừng ven hồ hoa khoe sắc, tạo nên một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo qua đó khắc họa nên một khung cảnh rất thơ mộng, trữ tình. Nhiều người chọn hồ Dầu Tiếng để trải nghiệm cảm giác sống giữa thiên nhiên hoang dã, hay đơn giản là được trải nghiệm khoảnh khắc đợi bình minh lên hay ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống trên hồ, tìm kiếm chút tĩnh lặng và ngỡ như mình đang ở một phương trời xa xôi mơ mộng nào đó.
Ven hồ Dầu Tiếng còn có những cánh rừng cao su bạt ngàn. Vào mùa thay lá, nơi đây như được khoác lên chiếc áo mới lãng mạn như mùa thu xứ Hàn và có nhiều góc ảnh lên hình xuất sắc không thua kém núi Bà Đen. Ở một góc hồ còn có ngọn hải đăng nhân tạo là nét chấm phá đầy quyến rũ, đây chính là điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều bạn trẻ khi đặt chân đến đây.
Bên cạnh hồ Dầu Tiếng còn có điểm tham quan nổi tiếng là núi Cậu với ngôi chùa Thái Sơn ling thiêng và thảm rừng trúc mọc dày trên những triền đá với đủ vẻ, muôn hình vạn trạng. Từ đây du khách dễ dàng đến những điểm du lịch tôn giáo và hành hương nổi tiếng như Tòa thánh Tây Ninh, các ngôi chùa tại núi Bà Đen, thung lũng Ma Thiên Lãnh...