Nếu chậm trễ tăng tuổi nghỉ hưu, đối tượng ảnh hưởng lớn nhất là nữ
Về vấn đề khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, ông Phạm Trường Giang cho biết, kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, càng ngày khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ càng thu hẹp dần. Nếu như trong giai đoạn 2010 - 2011, có 31,35% số nước có khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 5 năm, thì đến giai đoạn 2017 - 2019, chỉ có 23,3% số nước có khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 5 năm.
Ở Việt Nam, theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, có rất nhiều người còn khả năng làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Theo số liệu điều tra hộ gia đình năm 2016, có 60% số người độ tuổi từ 60 - 68 tiếp tục làm việc; 30% số người độ tuổi từ 70 - 79 tiếp tục làm việc; 11% người độ tuổi 80 trở lên tiếp tục làm việc. Do đó, khoảng cách tuổi hưu dẫn đến thiệt thòi về thu nhập cho nữ giới.
Thu nhập của nữ giới luôn thấp hơn nam giới, vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nữ giới ngắn hơn nam giới 5 năm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới về số năm khỏe mạnh sau tuổi 60 đối với 183 quốc gia, Việt Nam hiện xếp thứ 41. Đối với 46 quốc gia châu Á, Việt Nam đứng thứ 5 sau Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel.
Vì vậy, việc điều chỉnh tuổi phụ nữ tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi là hoàn toàn khả thi. Theo ông Giang, nếu chúng ta chậm trễ tăng tuổi nghỉ hưu, đối tượng ảnh hưởng lớn nhất là nữ.
Được biết, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định phương án 1, tức là kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028.
Về quy định nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và đảm bảo theo 3 nguyên tắc: chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.
Tạo điều kiện để người trung, cao tuổi được tiếp tục làm việc
Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng: khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp; trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm.
Ông Giang cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu các chính sách hướng dẫn đối với từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, đối với công nhân trực tiếp sản xuất, hiện nay có những lo ngại khi lớn tuổi năng suất lao động không cao, doanh nghiệp không muốn sử dụng, mà thay vào đó là sử dụng lao động trẻ.
Để giải quyết vấn đề này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ không chỉ hỗ trợ người lao động khi bị thất nghiệp, mà phải hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tránh sa thải lao động. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có hỗ trợ tài chính để sắp xếp, bố trí lại lao động, tiếp tục sử dụng lao động trung niên và cao tuổi như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc đóng BHXH cho những lao động này, để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH tính toán, nếu mỗi lao động thuộc nhóm tuổi cao được hỗ trợ 500.000 đồng một tháng hoặc 6 triệu đồng một năm, thì chỉ cần 3.000 tỷ đồng hỗ trợ từ quỹ đã có thể giúp cho nửa triệu lao động tiếp tục làm việc.
Đối với các công chức lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, chính sách cán bộ cần được sửa đổi, chỉ nên quy định công chức lãnh đạo giữ chức vụ đến 60 tuổi; hai năm còn lại không giữ chức mà có nghĩa vụ chuyển giao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho cán bộ trẻ, giữ cho sự liền mạch của các chính sách trong lĩnh vực phụ trách trước đây.
Dự báo về tình hình thị trường lao động tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết giai đoạn 2010 – 2015, mỗi năm số người tham gia thị trường lao động là 1,2 triệu người, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 800.000 người.
Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn 2,1 trong vòng 40 năm tới. Điều đó có nghĩa là vào năm 2015, có 6 người bước vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động, nhưng đến năm 2055, cứ 2 người tham gia vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động.
Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa; tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ, giúp cho nữ giới bình đẳng hơn trong lựa chọn việc làm; nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội; góp phần đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội…