Hoa đào rừng mang Xuân ấm no đến với bản Mông miền biên xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cây đào rừng không chỉ là nét văn hóa, làm đẹp bản làng người Mông mà còn mang lại giá trị kinh tế, góp phần đem đến cái Tết đủ đầy cho bà con miền biên ải xứ Nghệ.
Cây đào là một phần văn hóa của đồng bào người Mông ở Nghệ An.
Cây đào là một phần văn hóa của đồng bào người Mông ở Nghệ An.

Từ bao đời nay, cây đào được người Mông ở các huyện miền núi Nghệ An giữ gìn, nhân giống như một phần không thể thiếu trong đời sống. Đào được trồng quanh nhà, trên rẫy, mang theo trong những lần di canh, di cư.

Nét đẹp văn hóa từ cây đào của người Mông

Đến với miền tây xứ Nghệ là đến với một thiên đường cảnh sắc tuyệt đẹp, với những câu chuyện lịch sử còn in dấu thời gian trên những mảng màu di tích, những con suối róc rách bình yên xoay tròn bên cọn nước, những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa bên nếp nhà. Và thật thiếu sót khi nói đến vùng đất này mà không nhắc đến những cây đào rừng rêu phong. Xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) được xem là “thủ phủ” của đào rừng, đào đá ở miền tây xứ Nghệ.

Na Ngoi nằm dưới chân núi Pu Xai Lai Leng - nóc nhà của dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Mông. Ở độ cao khoảng 1.600m so với mực nước biển, Na Ngoi có mây mù bao phủ quanh năm, độ ẩm cao nên thích hợp cho cây đào sinh trưởng và phát triển.

Từ nhiều đời nay, cây đào được người Mông ở đây trồng và chăm sóc như một phần của đời sống. Theo ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, cây đào có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Mông. Xưa kia, trong những lần di canh, di cư, phát nương làm rẫy mới, dân bản đều đem theo cây đào giống để trồng. Mỗi khi đào rụng hết lá, bắt đầu cho nụ ra hoa cũng là năm cũ hết, người Mông lại tổ chức Tết.

Sau này, khi người Mông bỏ tập quán sinh hoạt du mục, định canh định cư, thì họ vẫn dựng bản làng ở nơi núi cao và trồng đào quanh nhà, trên rẫy. Với họ, đào như loại cây trồng gắn liền với đời sống và phong tục của đồng bào.

Cây đào chính là đại diện cho khát vọng sinh tồn của người Mông. Bởi lẽ, đào là một loài cây tiềm tàng khả năng tái sinh mạnh mẽ. Hạt đào khi đã nảy mầm là lập tức trưởng thành rất nhanh và cây càng già tuổi đời càng không ngừng bung ra những cánh hoa tuyệt đẹp. Ở một khía cạnh nào đó, cây đào chính là “bản sao” bản chất của người Mông. Ấy là khát vọng được sống, được lao động, được vui chơi và thể hiện bản thân mình với cộng đồng. Họ gắn bó với dòng họ, làng bản và cộng đồng người Mông.

Hoa đào ở Kỳ Sơn có búp, nụ to, cánh hoa lâu tàn nên được khách ưa chuộng tìm mua vào dịp tết.

Hoa đào ở Kỳ Sơn có búp, nụ to, cánh hoa lâu tàn nên được khách ưa chuộng tìm mua vào dịp tết.

Cận cảnh những cành hoa đào rừng xứ Nghệ.

Cận cảnh những cành hoa đào rừng xứ Nghệ.

Với bà con người Mông, cây đào được xem là thứ cây cao quý vô giá chỉ mọc ở khu vườn tổ tiên, vườn của sự trường sinh. Do đó, mỗi khi Tết đến, Xuân về, dẫu cuộc sống bộn bề thì người Mông nhất định không thể sao nhãng việc chặt cành đào, thành kính dâng lên bàn thờ để kính cáo với tiên tổ của mình, rằng một mùa Xuân mới - ấm no và đoàn viên. Đồng thời, cành đào thiêng ấy cũng chính là thứ “vũ khí” thần diệu nhất để xua đi mọi sự u ám của năm cũ, mùa cũ và cũng là giúp cho gia chủ tránh được tà ma.

Với những nét văn hóa đó mà từ bao đời bà con người Mông luôn chăm sóc, phát triển cây đào. Theo thống kê, xã Na Ngoi có hơn 197ha diện tích cây đào, trong đó đào trồng làm cảnh là hơn 122ha. Trong xã hầu như gia đình nào cũng trồng đào, nhà ít thì vài chục gốc, nhà nhiều thì đến hàng trăm gốc. Vì thế, Na Ngoi được xem là “thủ phủ” của đào.

Tết ấm no nhờ đào

Nếu như trước, cây đào chỉ trồng để lấy quả thì khoảng 10 năm trở lại đây, người dân ở Na Ngoi đã mở rộng diện tích, bán cành vào dịp Tết. Đang cắt tỉa những cây đào trên rẫy rộng khoảng 3ha, anh Xồng Bá Lẩu, trú bản Puộc Mú 1, xã Na Ngoi chia sẻ, nhiều năm trước nhận thấy thị trường đào cảnh vào dịp Tết có giá tốt nên gia đình đã mạnh dạn trồng hơn 850 gốc. Toàn bộ cây đào mà anh trồng đều là đào đá, đào rêu mốc có thân cao, cành to, búp hoa nở to nên được thị trường rất ưa chuộng.

Theo anh Lẩu: “Để cây đào cho ra hoa vào đúng dịp Tết thì phải chăm sóc tỉ mỉ, khoanh gốc, hái lá tùy theo thời tiết. Hằng năm, khi thương lái vào mua tôi chỉ chặt cành bán, còn gốc giữ lại và xem như “kho báu” và qua vài năm sau có thể bán lại. Nhờ cây đào mà kinh tế gia đình được phát triển, mỗi năm nhà tôi thu nhập từ 90-100 triệu đồng nhờ đào rừng”.

Cách đó mấy ngọn đồi, 5 năm trước, gia đình anh Lầu Giống Và cũng tự ươm giống và trồng hơn 500 gốc đào ngay sau vườn nhà. Ngoài thời gian đi làm rẫy, anh cũng dành nhiều thời gian để chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng cho cây đào để loài cây này có giá trị kinh tế cao khi đưa ra thị trường.

Người đàn ông này cho biết, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng đào để lấy quả, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Từ khi anh và nhiều bà con trong bản chuyển sang trồng đào bán cành thì thu nhập cao và ổn định hơn. “Cây đào rất dễ chăm sóc và phát triển nhanh, sau 4 năm có thể bán cành được. So với bán quả thì bán cành đào vào dịp Tết dễ bán hơn, lợi nhuận mang lại cao hơn. Tết này là năm thứ 2 gia đình tôi đã có thu nhập từ trồng đào”, anh Và nói.

Những ngày cuối năm đào từ trên núi xuống, khách từ dưới xuôi lên, khiến cho vùng rẻo cao biên giới này trở nên nhộn nhịp, náo nức không khí Tết. Nếu như trước đây người dân xứ Nghệ mê mẩn vẻ đẹp của đào Nhật Tân, thì nay thị hiếu khách chơi đào đã chuyển hướng chuộng loại đào rừng trồng này.

Sở dĩ đào ở miền núi hấp dẫn với người chơi vẻ đẹp rất riêng của nó. Hoa của đào thường có cánh rộng, màu hồng tươi tắn, hoa nở đều, có nhụy vàng điểm xuyết, lâu rụng. Đào đẹp phải là những gốc đào được trồng lâu năm, sống tự nhiên ở trong rừng sâu. Vì lẽ đó mà thế của đào cũng rất tự nhiên.

Nhờ cây đào, bà con người Mông ở Na Ngoi có cái Tết ấm no.

Nhờ cây đào, bà con người Mông ở Na Ngoi có cái Tết ấm no.

Nếu như ngày trước khi phương tiện liên lạc còn hạn chế, việc “tiếp thị” và bán đào chủ yếu bằng cách truyền thống thì nay người Mông ở Na Ngoi dùng điện thoại, quay phim, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội. Một già làng bảo: “Đào của người Mông ta đẹp lắm, rất nhiều nụ, ra hoa đỏ thắm. Người Mông ta trồng đào từ đời ông, đời cha, đến con cháu cứ tiếp tục như thế. Đào đẹp nên phải quảng bá để phát triển kinh tế”.

Theo ông Nguyễn Bá Cường - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, hiện địa phương có hàng trăm ha đào, tập trung chủ yếu ở các xã có đông đồng bào người Mông như Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ...Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Kỳ Sơn đã hỗ trợ người dân địa phương trồng mới hơn 3.000 cây đào để cải tạo các vườn già cỗi. Phòng Nông nghiệp huyện đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đến các địa phương mở các lớp hướng dẫn bà con cách chăm bón, tỉa đốn cành.

Theo ông Cường, dù không phải là nguồn thu chính nhưng thu nhập từ việc bán đào Tết đã giúp bà con cải thiện cuộc sống. Trong thời gian tới, huyện sẽ lên kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư, định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển cây đào.

Đó là chuyện tương lai, còn trước mắt cứ mỗi dịp Tết đến, bà con người Mông lại phấn khởi chuyện bán đào. Bởi mỗi vụ đào qua đi, họ có khoản tiền kha khá đủ cho họ một cái Tết ấm no, đủ đầy.

Đọc thêm