Hòa giải cơ sở - đến lúc nâng Pháp lệnh thành Luật

 Từ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải cơ sở (HGCS), việc xây dựng Luật HGCS là hết sức cần thiết trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc ban hành Luật HGCS, hôm qua (3/6), Bộ Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia xung quanh thực trạng hoạt động HGCS và đề xuất làm rõ các cơ sở này.
Từ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải cơ sở (HGCS), việc xây dựng Luật HGCS là hết sức cần thiết trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc ban hành Luật HGCS, hôm qua (3/6), Bộ Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia xung quanh thực trạng hoạt động HGCS và đề xuất làm rõ các cơ sở này.

Hòa giải thành trên 80% vụ việc

Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động HGCS, tỷ lệ hòa giải thành là hơn 80% vụ việc. Đây là kết quả lớn, giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và giảm tải cho các cơ quan chức năng. Qua đó cho thấy, “công tác hòa giải đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, đậm tính nhân văn, vì mọi người và trên cơ sở tình người” – Vụ trưởng Vụ PBGDPL Nguyễn Duy Lãm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền chủ trì buổi hội thảo

Nhưng với một hệ thống VBQPPL về HGCS chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ, qui định lại chung chung, chưa rõ ràng, nên vai trò của công tác HGCS vẫn chưa được phát huy và nhìn nhận đầy đủ. Điều đó thể hiện qua một số tồn tại như việc bồi dưỡng, đào tạo HGV còn chưa được quan tâm thích đáng, kinh phí cho công tác HGCS còn hạn chế nên hiệu quả công tác HGCS chưa cao.

Nếu địa phương nào quan tâm đến công tác HGCS thì mới tạo điều kiện về kinh phí vật chất cho công tác này và ngược lại. Bên cạnh đó, cán bộ tư pháp cấp xã nhiệm vụ nhiều nên không thể có thời gian để tập trung vào HGCS, trong khi các thành viên khác trong tổ hòa giải chủ yếu hoạt động tình nguyện…

Từ thực trạng đó, theo Bộ Tư pháp, mục đích của việc ban hành Luật HGCS là có một văn bản thống nhất điều chỉnh tổ chức và hoạt động tổ hòa giải và các tổ chức hòa giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư, tăng cường trách nhiệm của xã hội đối với công tác HGCS và từng bước nâng cao hiệu quả của công tác này.

Cần tạo điều kiện hơn về kinh phí

Nhìn từ góc độ, “Hòa giải – một phương thức truyền thống giải quyết tranh chấp, xích mích trong cộng đồng”, PGS.TS.Nguyễn Tất Viễn nhận thấy, hòa giải dễ được chấp nhận vì “không có kẻ thắng người thua, nếu có “thua thiệt” thì cũng là thua ít nhất, nhưng lại thắng nhiều nhất sai khi hòa giải”. Hơn nữa, hòa giải là một phương thức thể hiện dân chủ, là sự thể hiện rõ rệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, khôi phục, duy trì, củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư…

Dưới tác động của tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đời sống KTXH có những biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ nhưng truyền thống văn hóa tốt đẹp vẫn được bảo tồn. “Đó là một trong những tiền đề rất quan trọng, tạo ra khả năng và cơ hội cho hòa giải, rất cần được nghiên cứ khi xây dựng Luật HGCS” – PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên, ông Nguyễn Kim Nghiêm còn “nhìn thấy” một tác dụng rất lớn của công tác HGCS là “cầu nối quan trọng đưa pháp luật đến với người dân, giúp người dân hiểu biết các qui định của pháp luật và có hành động đúng đắn. Nhờ đó giảm bớt các vụ việc phải đưa ra Tòa án, góp phần phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật”. Do vậy, cùng với việc tán thành với việc phải ban hành Luật HGCS, ông Nghiêm đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện hơn nữa về kinh phí, tài liệu, bồi dưỡng… cho những người làm công tác HGCS.

Bởi “có thực mới vực được đạo”, nên theo Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Ninh, ông Nguyễn Đức Trực, chỉ cần có kinh phí để thăm hỏi, động viên thành viên các Tổ hòa giải khi “trái nắng trở trời”, tập huấn, bồi dưỡng, cấp phát tài liệu… để họ có điều kiện làm việc tốt hơn cũng có thể phát huy hiệu quả công tác HGCS. Đó cũng là ý kiến chung của đại diện một số Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Tổ hòa giải, chuyên gia pháp lý khi thảo luận về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc ban hành Luật HGCS./.

Huy Anh

Đọc thêm