Hóa giải cuộc tranh chấp đất truyền kiếp giữa hai làng

(PLO) - Lời nguyền được lưu giữ tại đền Hóa thuộc làng Yên Vĩnh (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) suốt nhiều thế kỷ. Cách đây hơn 40 năm, chính quyền địa phương mới tổ chức được lễ hóa giải trong sự hân hoan của người dân, giải phóng cho tình yêu nam nữ hai làng. Nhưng bí mật về lời nguyền cổ xưa đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Hội làng - hình minh họa (Internet)
Hội làng - hình minh họa (Internet)
Đóng đinh vào cột đền “cạch mặt” nhau
Cụ Nguyễn Văn Huề (80 tuổi) người trông coi đền Hóa cho biết: Theo các cao niên trong làng kể lại, lời nguyền bắt nguồn từ xích mích giữa hai làng trong tranh chấp đất đai từ 300 – 400 năm trước.
Ngày xưa, giữa hai làng Yên Vĩnh (xã Dạ Trạch) và làng Đa Hòa (xã Bình Minh, cùng huyện Khoái Châu) là một cánh đồng rộng lớn, nhiều cá tôm. Mỗi làng chia nhau nửa cánh đồng để làm ăn. Nguồn lợi nơi đây quá lớn khiến dân cư hai bên thường lấn đất dẫn đến xích mích, thậm chí đánh nhau. Làng Yên Vĩnh dân cư ít hơn nên trong các cuộc tranh chấp thường thua thiệt.
Các cao niên làng Yên Vĩnh bèn nghĩ cách đào bốn chiếc hố dọc ranh giới, nhặt những vỏ ốc, vỏ trứng để chôn xuống làm mốc. Một lần hai làng lại xảy ra xích mích nên tập trung trai tráng ẩu đả. Làng Yên Vĩnh ít “quân” thua trận bị chiếm mất nhiều đất nên làm đơn kiện. Lúc phân xử, quan hỏi: Mốc giới của mỗi làng có gì? 
Đền Hóa nơi từng có “cột thề đóng đinh”
 Đền Hóa nơi từng có “cột thề đóng đinh”
Làng Yên Vĩnh trả lời mốc giới là bốn chiếc hố chôn nhiều vỏ ốc và trứng. Làng bên đáp mốc giới là hàng cọc tre. Khi quan cho kiểm tra, quả nhiên dưới cánh đồng có vỏ ốc, vỏ trứng nên xử cho làng Yên Vĩnh thắng.
Làng bên thua kiện uất ức nên từ đó càng hay xích mích. Hai làng giận nhau đến nỗi các cụ cao niên hai bên cùng ra đền Hóa đóng đinh vào cột đền để ghi nhớ lời nguyền ngăn trai gái hai làng lấy nhau: “Trai Đa Hòa lấy gái làng Vĩnh thì chỉ sinh con một bề hoặc chết trẻ; và trai làng Vĩnh lấy gái Đa Hòa cũng sẽ bị như vậy”. 
Trai gái hai làng từ đó không dám quan hệ yêu đương, thậm chí đến chơi nhà cũng sợ. Trải qua hàng trăm năm, nam nữ làng Đa Hòa và Yên Vĩnh “cạch mặt” không ngó ngàng gì đến nhau. 
“Hóa giải” lời nguyền
Nhưng đó là cách giải thích của người làng Yên Vĩnh. Khi đến làng Đa Hòa tìm hiểu, một cao niên trong làng là cụ Hoàng Văn Quyết (79 tuổi) lại kể một câu chuyện khác về nguồn gốc lời nguyền xưa. Theo cụ, làng Đa Hòa có từ lâu đời nên đất đai rộng lớn. Làng bên thành lập sau nên đất đai ít hơn. Thấy cánh đồng làng làng Đa Hòa nhiều cá tôm, một số người dân làng bên sang xin đánh cá và bắt ốc, sau đó tạm trú tại đó luôn.
Cụ Quyết giải thích nguồn gốc lời nguyền.
Cụ Quyết giải thích nguồn gốc lời nguyền. 
Trong quá trình mưu sinh, những người dân tạm trú muốn chiếm cánh đồng trù phú này nên nghĩ ra cách chôn vỏ sò, vỏ trứng làm mốc giới, sau đó phát đơn kiện làng Đa Hòa chiếm đất làng mình
Cho đến nay, hai luồng quan điểm giải thích sự việc trên vẫn song song tồn tại, dân làng nào cũng giữ quan điểm của mình. Để khắc phục tình trạng này, cách đây hơn 40 năm, chính quyền hai địa phương đã quyết định tìm cách xóa bỏ lời nguyền, kết tình giao hảo. Chọn một ngày đẹp trời, lãnh đạo hai xã cùng đến đền Hóa thắp hương làm lễ xóa bỏ lời nguyền. 
Hàng ngàn người dân háo hức tham dự cùng mong muốn chung sống hòa hợp với nhau. Từ đó nam nữ hai làng mới mạnh dạn tìm hiểu kết hôn. 
Một người dân cho biết: “Lúc đầu nhiều người cũng e sợ, nhưng sau đó thấy những người khác ở hai làng lấy nhau vẫn sinh con đẻ cái có nếp, có tẻ bình thường, sống hạnh phúc đến già nên dần dần nỗi lo sợ tan biến. Giờ đây chuyện nam nữ hai làng kết hôn với nhau rất phổ biến”. 
Lời nguyền xưa chỉ còn là câu chuyện lịch sử được truyền lại gắn với ngôi đền cổ và quá trình phát triển của địa phương./.

Đọc thêm