Lời nguyền chết chóc cho những người sống gần chiếc giếng “yểm mộ”

(PLO) - Từ bao đời nay, ở làng Quảng Phong (xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vẫn tồn tại một khu vực “bất khả xâm phạm”: Giếng làng. Suốt một thời gian dài, người dân từ thế hệ này sang thế hệ khác đều tuân thủ một quy định bất thành văn: Cấm xây nhà sinh sống gần giếng, ai vi phạm sẽ bị xua đuổi, nguyền rủa. 
Giếng Đồng gắn với nhiều đồn đại trong quá khứ không rõ thực hư
Giếng Đồng gắn với nhiều đồn đại trong quá khứ không rõ thực hư
Giếng yểm mộ kiến trúc kỳ quái
Giếng Đồng của làng Quảng Phong nổi tiếng khắp nơi vì có dòng nước trong mát, lúc nào cũng nườm nượp người dân trong và ngoài vùng kéo đến lấy về dùng. Giếng vốn có kiến trúc rất… kỳ quái, rộng khoảng 20m2, hình tròn nhưng không có thành bao quanh, nhìn xa tưởng như một hồ nước được bao bọc bởi các lùm cây. Cách đây 5 năm thấy giếng bị hư hỏng xuống cấp, dân làng góp tiền xây lại nên mới có thành như ngày nay. 
Trong khi giếng làng nơi khác thường ở giữa khu dân cư để tiện cho việc sinh hoạt, giếng Đồng lại nằm ở cuối làng, tiếp giáp với cánh đồng lúa. Cụ Tăng Văn Du (92 tuổi), một cao niên trong làng cho biết: “Không rõ vì sao người xưa lại đặt giếng ở đó, chúng tôi chỉ biết từ xa xưa, làng đã tồn lại quy định bất thành văn là người dân trong làng nhất định không được xây dựng nhà cửa ở gần giếng Đồng. Do đó từ xưa đã tồn tại một ranh giới, khu dân cư luôn cách giếng khoảng 200m. Cũng không biết quy định này có từ khi nào, do ai đặt ra, chỉ biết người nào sinh ra cũng được ông bà, bố mẹ dặn dò như thế nên luôn làm theo”.
Tuy không rõ thời điểm xây dựng nhưng dân làng ai cũng thuộc câu chuyện hình thành giếng. Theo lời kể, lý do xây giếng bắt nguồn từ cái chết của ông tộc trưởng của một dòng họ lớn trong vùng thuở trước. Cả họ họp bàn chọn nơi đất tốt để chôn cất và mời “thầy phong thủy” về chọn nơi xây mộ ở giữa cánh đồng. Sau khi tổ chức an táng, người trong họ định trả công cho “thầy” nhưng ông ta không nhận mà ra trồng một bụi tre gần ngôi mộ rồi nói: “Sau năm năm nữa, tôi quay lại, bụi tre này mọc thêm bao nhiêu cây, tôi sẽ lấy bấy nhiêu tiền”.
Cũng từ đây, dòng họ này trở nên phồn thịnh. Con cháu đỗ đạt làm quan rất nhiều, việc làm ăn buôn bán cũng thuận lợi. Thấm thoát thời gian trôi qua, đã đến thời điểm ông “thầy địa lý” hẹn quay lại lấy tiền. Những người trong họ ra bụi tre, thấy đã mọc vô vàn các cây con thì phát hoảng, sợ phải trả nhiều tiền nên nghĩ cách chặt hết tre. 
Khi “thầy địa lý” quay lại, thấy bụi tre chỉ còn lơ thơ mấy cây nhỏ, biết đã bị những người trong họ đó đốn hạ nên rất tức giận. Tuy nhiên ông ta không đả động gì đến, thậm chí còn vui vẻ hứa sẽ tìm nơi đào giếng cho làng Quảng Phong. Sau khi dạo quanh vùng, ông này dừng lại ở khu đất giáp với đồng ruộng, bảo người dân đào giếng ở đây. Giếng vừa đào xong, nước cứ ào ạt tuôn chảy, chẳng mấy chốc đã ngang bằng miệng giếng, dù lúc đó trời đang hạn hán. Đó là giếng Đồng ngày nay.
Điều kỳ lạ là từ khi có giếng, dòng họ này ngày càng lụn bại, thậm chí nhiều người chết trẻ. Các cao niên hoảng hốt tìm hiểu không biết nguyên nhân, mới chột dạ giật mình: “Phải chăng do bị quỵt tiền nên “thầy địa lí” đã đào giếng Đồng để yểm mộ tộc trưởng?”. Dòng họ vội vàng chuyển vị trí ngôi mộ rồi kéo nhau bỏ đi nơi khác, từ đó không ai dám sống gần giếng. 
Hàng chục máy bơm không hút hết nước
Dần dần các thế hệ sinh sôi nảy nở, “đất chật người đông”, dân làng đã phá lệ xây nhà gần giếng Đồng, nhưng ai cũng cố gắng cách giếng một khoảng cách nhất định, trong quá trình sinh sống cũng luôn để ý giữ gìn vệ sinh để không làm ô uế khu vực này. Đến năm 2002, có một gia đình chuyển đến xây nhà sát bên giếng. Hơn một năm sau, vào đúng ngày mùng Một Tết, hai đứa con gái mới 9 - 10 tuổi của họ vốn rất xinh xắn và học giỏi bị chết đuối dưới sông. Vợ chồng vô cùng đau xót, đi xem bói lại được phán “do xây nhà quá gần giếng Đồng làm ô uế chốn linh thiêng nên gặp tai họa”. Họ quá sợ hãi, vội bán nhà chuyển đi chỗ khác.
Một cao niên trong làng kể lại những truyền thuyết về giếng Đồng
 Một cao niên trong làng kể lại những truyền thuyết về giếng Đồng
Người chủ mới là một phụ nữ đã nghỉ hưu, ở được một thời gian ngắn tự nhiên phát bệnh tâm thần, chạy chữa khắp nơi cũng không khỏi. Nhiều người không tin lời giải thích mê tín cho rằng các tai họa trên do “thần giếng” trừng phạt, nhưng nhiều điều trùng hợp nối tiếp nhau khiến dân làng không khỏi sợ hãi.
Ngoài ra, còn có một câu chuyện khác về sự hình thành của giếng Đồng, giải thích đây là nơi cất giấu kho báu của người Trung Quốc thời xưa. Việc này được trưởng xóm Tăng Văn Tập thuật lại: “Chuyện giếng Đồng có cất giấu kho báu hay không thì không ai dám khẳng định, nhưng quả thật một số người dân có ruộng cạnh giếng đã từng đào được các hũ tiền cổ”. 
Điều đặc biệt, từ trước tới nay giếng chưa bao giờ cạn. Cách đây 3 năm, khi làng nạo vét giếng, người ta huy động hàng chục máy bơm để hút nhưng nước không hề vơi, mọi người đều ngạc nhiên không hiểu tại sao. Hiện người dân đã đào thêm một giếng khác gọi là giếng Lóng bên cạnh, ngăn cách bởi lớp sỏi tự nhiên để lọc nước từ giếng Đồng sang, tiện cho việc lấy nước.
Thêm một điều lạ, cùng thời điểm có đoàn khoa học về làng xét nghiệm mẫu nước, tất cả giếng trong làng đều bị nhiễm phèn, duy chỉ có giếng Đồng nước đạt tiêu chuẩn. Do đó, đến tận bây giờ các gia đình vẫn thường ra đây lấy nước về sinh hoạt mặc dù nhà nào cũng có giếng. Nhất là những khi nắng nóng cao điểm, tất cả các giếng trong vùng đều cạn khô, người dân khắp nơi lại đổ xô về đây gánh nước đông như trảy hội.
Trưởng xóm cho biết thêm: “Trước đây làng cấm xây nhà gần giếng Đồng, nhưng sau này do dân cư phát triển nên ranh giới đó đã bị phá bỏ. Giờ đây người dân sống quanh giếng rất đông đúc và luôn nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để không làm ô nhiễm nguồn nước”./.

Đọc thêm