Tan nát hạnh phúc vì… mẹ chồng?
Ngày hai vợ chồng ra tòa ly hôn, cầm trên tay bản án, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim T. và anh Lê Bình M., ngụ đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận bước đi nặng trĩu. Hai đứa con cũng lặng lẽ bên cạnh, đứa con trai theo cha, con gái theo mẹ. Chỉ có bà mẹ chồng đi bên cạnh hân hoan ra mặt. Bà liếc xéo con dâu, nói: “Thôi thế là từ nay nhà này nhẹ thở rồi”.
Chị T. quay về phía con gái, chỉ về mẹ chồng, nói: “Con phải nhớ, người phá hoại khiến gia đình mình tan vỡ chính là bà nội của con”. Câu nói xé tan không khí nặng nề từ lúc nãy, bà mẹ chồng rít lên, hùng hổ: “Đồ mất dạy, dám vu khống cho tao, mày dạy cháu tao thế à?”.
Anh M. quay sang kéo mẹ chồng đang hung hăng lại, nhìn cả hai người đàn bà bằng ánh mắt mệt mỏi: “Tôi xin các người, ở với nhau đấu khẩu chưa đủ hay sao, nay tan đàn xẻ nghé vẫn muốn cãi”. Mọi người im bặt, hai vợ chồng mỗi bên đi về một hướng, từ nay, họ không còn chung nhà nữa.
Trong thâm tâm cả hai vợ chồng, họ đều biết, chia tay không phải vì không còn tình nghĩa gì với nhau, mà là do những mâu thuẫn đã lên đỉnh điểm, khiến cuộc sống chung không thể vãn hồi được nữa. Hồi đầu, họ cũng hạnh phúc, ấm êm. Chị T. năng động, quyết đoán. Anh B. thì hiền lành, chiều vợ. Thế nhưng, từ khi vợ chồng em trai út nhận công tác mới, điều chuyển ra Bắc, bà đến ở với vợ chồng anh, mọi chuyện đã đảo lộn.
Mẹ chồng chị T. từ trẻ đã ở góa, một mình bươn chải nuôi các con nên tính bà có phần mạnh mẽ, lấn át người khác. Trước đến nay, chị T. vốn là người nắm quyền trong nhà, thế nhưng từ khi mẹ chồng đến, bà không chấp nhận chuyện ấy, muốn “giành” quyền quyết định trong gia đình con trai. Bà luôn nói ngược ý con dâu, bắt con trai phải cứng cỏi hơn, đừng nhất nhất chiều ý vợ.
Con dâu làm gì cũng không vừa mắt bà, chị có thói quen nói năng mạnh bạo thì bả chê hỗn, chị tranh luận thì bà bảo trả treo. Càng ngày, họ càng ghét nhau. Mỗi ngày, những cuộc cãi vã tăng dần, rồi dần dà, họ như hai quả bom trong nhà, cứ có chuyện là bùng nổ. Cả gia đình ai cũng mệt mỏi và nặng nề đến không thở nổi.
Đến một lúc, bà bảo, anh M. phải chọn mẹ hoặc vợ, bà không thể nào chấp nhận người con dâu như vậy. Nếu anh không bỏ chị, bà sẽ bỏ nhà đi biệt tích. Chị T. thấy thế cũng nói, chị chống mắt xem anh chọn ai. Rồi cuối cùng, vợ chồng họ ly hôn khi anh thấy quá nản lòng, muốn buông tay.
Lỗi thuộc về ai?
Trong các cuộc trò chuyện, chị T. luôn kể về mẹ chồng như một người đàn bà ác nghiệt, vô lý khủng khiếp. Gia đình, bạn bè ai cũng thương chị vì mẹ chồng mà tan vỡ một gia đình hạnh phúc. Có một điều chị không nhận ra, đó chính là phần lỗi của chị để dẫn đến kết cục hôm nay. Từ trước khi mẹ chồng bước vào nhà, chị đã luôn đề phòng bà chiếm quyền mình.
Đến khi bà vào nhà, điều đầu tiên chị làm là thay vì tìm hiểu, cố gắng thích ứng với tính cách mẹ chồng, chị lại tìm cách “trấn áp” bà để khẳng định quyền lực thuộc vì mình. Chị là người thả nổi cho mâu thuẫn lên cao trào mà chưa một lần dùng khía cạnh người làm con để tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề, tìm cách xoa dịu mẹ chồng. Chị không chịu hiểu cho tấm lòng một người mẹ đã đánh đổi tuổi trẻ, sức lức để nuôi nấng, dạy dỗ con và sợ hãi mất đi vị trí của mình trong lòng con…
Người ta quy lỗi lầm về nhau khi xảy ra mâu thuẫn không thể giải quyết giữa mẹ chồng và nàng dâu. Hoặc con dâu nanh nọc, hỗn hào, quá đáng. Hoặc mẹ chồng khắc nghiệt, xấu tính, nhỏ nhen. Trên thực tế, khi ở trong các mối quan hệ khác của mình, họ đâu phải những người xấu?
Cô con dâu vẫn hiếu thuận với mẹ đẻ, tốt tính trong mắt bạn bè. Người mẹ chồng vẫn là mẹ tần tảo, yêu thương và hy sinh cho các con ruột, là người đàn bà mẫu mực trong mắt họ hàng. Thế mà, sau khi về chung nhà, họ lại xấu xa trong mắt nhau đến vậy.
Có lẽ, lỗi lầm bắt buộc từ định kiến của cả hai với nhau. Họ đã mang những đề phòng, khó chịu để đánh giá và cư xử với đối phương, chứ không phải bằng tấm lòng chân thật dành cho nhau. Họ xét nét nhau bằng con mắt dành cho “đối thủ” chứ không phải cho người thân trong nhà.
Những khúc mắc trong lòng ngày càng lớn, họ không tìm cách hòa giải, không hy sinh cái tôi để gìn giữ gia đình mà thỏa sức đẩy lên cao trào… Đôi khi, chỉ cần chịu thay đổi góc nhìn, dành tấm lòng và sự vị tha cho đối phương, thì chuyện đã khác đi nhiều.
Như trường hợp mẹ chồng Lâm Lệ (54 tuổi) và nàng dâu Thi Diễm Trân (25 tuổi). Con trai bà yêu sớm, năm lớp 11 đã yêu Diễm Trân học lớp 9. Lòng bà chẳng mấy vui. Rồi họ đến nhau đến khi vừa tốt nghiệp thì làm đám cưới. Con dâu trẻ con, khó bảo khiến bà không hài lòng, nhiều khi bắt lỗi, to tiếng với con dâu.
Nhưng, luôn muốn con cái được hạnh phúc, bà cố gắng bỏ cái tôi của mình. Kiên nhẫn dạy bảo con dâu những gì con không biết. Đi đâu đều gọi về hỏi con dâu muốn ăn gì không mẹ mua, con trai làm sai là bắt con trai xin lỗi con dâu.
Về phần mình, nàng dâu tuy nhiều lúc ức chế vì thấy mẹ chồng nhắc nhở, bắt lỗi nhiều quá, nhưng vì yêu chồng nên quyết tâm “yêu” luôn mẹ chồng. Có lần, làm sai Diễm Trân còn đăng cả bài trên Facebook xin lỗi mẹ chồng. Rồi cố gắng hiểu và nghe lời mẹ chồng khi bà bảo ban.
Khi cãi nhau với chồng, thay vì ấm ức thì kể với mẹ chồng để “mách”, khiến bà có cảm giác gần gũi hơn. Cứ thế, từ thuở ban đầu khó chịu với nhau, giờ đây họ đã trở nên hòa thuận, yêu thương nhau như mẹ con, lại cùng nhau xuất hiện trên một trường trình truyền hình thực tế về mẹ chồng nàng dâu để dành cho nhau những lời đầy ngọt ngào.
Hạnh phúc gia đình không tự vận hành
Trong Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH-TT&DL ban hành có phần bàn rất hay về ứng xử để tạo nên hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình. Theo đó, trong một gia đình việc tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ với nhau của mọi thành viên chính là sự kết nối song hành với yếu tố huyết thống và sự ràng buộc về pháp lý.
Hạnh phúc gia đình không phải là cỗ xe thần diệu tự nó vận hành, ban tặng cho mỗi gia đình. Hạnh phúc là điều giản dị bắt đầu từ hành vi ứng xử giữa con người với con người. Từ ứng xử tốt đẹp phù hợp dẫn đến sự nảy nở của tình cảm. Từ tình cảm trong sáng sinh ra tình yêu thương. Và bắt nguồn từ tình yêu thương đã hình thành nên gia đình mà đích đến của nó là tổ ấm hạnh phúc, là bến đỗ đời người.
Không ít người trong chúng ta chưa chú trọng đến hành vi ứng xử trong gia đình mình, thậm chí nhiều người còn sao nhãng, hời hợt. Họ chỉ lo ứng xử lịch lãm với bên ngoài để tỏ ra là người có văn hóa, có học thức và coi trọng đạo đức xã hội.
Họ quên mất rằng mọi rạn nứt và xung đột trong gia đình đều bắt nguồn từ việc ứng xử bị mắc lỗi và trầm trọng hơn khi mắc lỗi có hệ thống. Nó đào khoét những hố sâu ngăn cách dựng nên những cản trở trong tình cảm gia đình. Khi đó báu vật hạnh phúc gia đình bị rơi rụng, hao mòn, bị đánh cắp lúc nào không biết.