Ồ ạt lấy chồng ngoại
Từ những năm 1990, người dân xã Đại Hợp ồ ạt vượt biên sang Hồng Kông, sau đó trở về quê bảo lãnh người thân cùng sang. Phong trào xuất ngoại rộ lên từ đó, nhất là những năm 2005 - 2006. Người dân thôn Đồng Mục giáp biển nên đi tiên phong, sau đó lan xuống các thôn Đông Tác, Quần Mục.
“Thời điểm đó, con gái vừa học xong cấp hai đã ồ ạt làm thủ tục đi lấy chồng ngoại. Nhiều trung tâm dạy tiếng Trung, tiếng Hàn mọc lên như nấm. Từ 2006 phong trào lấy chồng Đài Loan rầm rộ. Đỉnh điểm năm 2008, xã có hơn 100 cô gái lấy chồng người nước ngoài, có khi vợ chồng chênh nhau đến 20 tuổi”, bà Bùi Thị Út, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết.
Những cô gái chấp nhận lấy chồng xa xứ đa phần do sự mai mối của người thân xuất ngoại trước đó. Sau này mới xuất hiện những người hành nghề mai mối lấy tiền hoa hồng. “Nghề mai mối lúc đó kiếm bộn tiền. Để lấy một cô vợ Việt, gia đình chú rể “ngoại” phải mất hơn 100 triệu đồng, tuy nhiên nhà gái chỉ nhận được vài triệu, còn lại bị người làm mối thu hết, gọi là tiền công môi giới”, một người dân kể.
Sau khi sắp xếp gặp mặt, người chồng nước ngoài sẽ đến nhà gái xem mặt rồi tổ chức đám cưới chớp nhoáng và cùng nhau lên máy bay về nước.
Đường vào xã Đại Hợp |
Bi kịch vỡ mộng
Không ít những câu chuyện buồn đã xảy ra, không ít cô gái ra nước ngoài đã vỡ mộng: Bị nhà chồng đối xử tệ bạc, công việc không nhiều tiền, bất đồng ngôn ngữ khiến vợ chồng ly hôn, có cô sau lễ cưới mới biết chồng mắc bệnh tâm thần nên phải tìm cách trốn về nước… Tình hình địa phương thời điểm đó cũng bị xáo trộn.
Lo lắng tội phạm mua bán người len lỏi vào, UBND xã đã tổ chức hàng trăm cuộc họp dân tuyên truyền người dân tìm hiểu kĩ thông tin trước khi cho con lấy chồng nước ngoài. Riêng Hội phụ nữ xã lập 5 tổ tích cực tuyên truyền những rủi ro rình rập nếu lấy chồng ngoại.
Cái khó lúc đó là nhiều người dân nôn nóng thoát nghèo nên chỉ nghe lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới hôn nhân: “Có người trách mắng chúng tôi là ngăn cản “đường thoát nghèo” của bọn trẻ”, Chủ tịch Hội phụ nữ xã kể lại.
Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết cả xã có đến gần 1000 người lấy chồng ngoại |
Hệ lụy của tình trạng này, còn là việc con gái trong xã lúc ấy chỉ học hết cấp hai là nhốn nháo bỏ học tìm đường ra nước ngoài, khiến tình hình địa phương “thừa nam, thiếu nữ”. Nhiều thanh niên đến tuổi lập gia đình không tìm được bạn gái. Thanh niên địa phương không ít người lo lắng “ế vợ”.
Giải bài toán xa quê
“Bài toán” này mãi sau đó mới được giải khi nhiều khu công nghiệp được xây dựng tại huyện, lượng nữ công nhân từ các nơi đổ về rất lớn “thay thế” lượng thôn nữ đã đi làm cô dâu xứ người.
Theo thống kê của địa phương, riêng những năm 1991 - 2010, ước tính hơn 1/3 phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ở xã lấy chồng ngoại, chủ yếu Đài Loan và Hàn Quốc. Hiện xã có khoảng 11 nghìn nhân khẩu nhưng có hơn một nghìn người định cư ở nước ngoài, chưa kể khoảng 200 người đang lưu trú theo diện xuất khẩu lao động hoặc du học. Công việc của cô dâu Việt khi sang Đài Loan, Hàn Quốc chủ yếu là lao động phổ thông như làm vườn, dọn dẹp vệ sinh, lắp ráp điện tử.
Người dân Đại Hợp một thời chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng, có khi thiếu ăn, thì vùng đất này ngày nay có tiếng giàu có. Hệ thống đường giao thông phần lớn bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên san sát, những công trình phúc lợi cũng được xây dựng khang trang.
Bà Phạm Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã nhìn nhận, những phụ nữ ở làng xuất ngoại đã đóng góp lớn vào thay đổi diện mạo ở địa phương. Nhờ tiền các cô dâu gửi tiền về mà gia đình ở quê sống sung túc, xây dựng nhà cửa khang trang. Mười năm lại đây, tỉ lệ hộ nghèo của các thôn trong xã giảm từ 13% xuống dưới 5%. Lực lượng Việt kiều đông đảo cũng giúp địa phương thuận lợi trong huy động vốn xây dựng các công trình như đền, chùa, nhà văn hóa…
Bà Chủ tịch xã cho hay, các cô gái ngày nay đã thay đổi nhận thức, không còn xem việc lấy chồng ngoại là con đường thoát nghèo duy nhất. Bằng chứng là 10 năm lại đây, mỗi năm toàn xã chỉ có 10 - 20 trường hợp xuất ngoại, trong đó phần lớn đi xuất khẩu lao động.
Nhiều cô gái sau thời gian sang Đài Loan, Hàn Quốc lấy chồng, cảm thấy không thể tiếp tục sống chung đã chủ động ly hôn. “Đa phần các cháu ở lại các nước đó làm việc dưới diện du học hoặc xuất khẩu lao động, từ đó cởi bỏ tâm lý lấy chồng già – giàu, ăn bám chồng ngoại”, bà Chủ tịch xã nói./.