Hoa Lư tứ trấn - Kỳ cuối: Trấn Tây: Đền đức thánh Nguyễn thờ Không Lộ quốc sư

(PLVN) - Trong số 4 ngôi đền thiêng được mệnh danh là tứ trấn Hoa Lư, có ba ngôi đền thờ các vị thần tiên, duy nhất trấn Tây thờ đức thánh Nguyễn Minh Không là thờ một vị quốc sư hóa thánh. 
Đền thờ đức thánh Nguyễn.
Đền thờ đức thánh Nguyễn.

Đền thờ Không Lộ thiền sư Nguyễn Minh Không còn gọi là đền đức thánh Nguyễn ở xã Gia Thắng (Gia Viễn). Nguyễn Minh Không có tên là Chí Thành, đã được phong là Lý Triều Quốc Sư với sự tích chữa bệnh cho Lý Thần Tông. Các văn bia tại đền đức thánh Nguyễn đều gọi là Minh Không quốc sư. Tuy nhiên có vấn đề là Hoa Lư là kinh đô của hai nhà Đinh và Tiền Lê, tới Lý Thái Tổ đã dời đô về Thăng Long. Vậy tại sao một “Lý triều quốc sư” lại thành một trấn của Hoa Lư được?

Trong tứ trấn Hoa Lư, có duy nhất trấn Tây thờ đức thánh Nguyễn là đền thờ một vị quốc sư (người trần hóa thánh), còn 3 ngôi đền thiêng đều thờ các vị thần theo truyền thuyết, trong tín ngưỡng dân gian. 

Tại đền đức thánh Nguyễn, có câu đối ở nghi môn: "Hải lạp nang đồng, kỳ sự truyền văn Nam dĩ Bắc/ Tượng sơn long thủy, linh đài ngật đối cổ nhi kim". Dịch là: "Biển nón túi đồng, kỳ sự truyền lan Nam đến Bắc/ Núi Tượng sông Long, đài thiêng cao đối cổ tới nay".

Ngoại môn đền đức thánh Nguyễn “Lý triều quốc sư” ở Đàm Xá.
Ngoại môn đền đức thánh Nguyễn “Lý triều quốc sư” ở Đàm Xá. 

Sự tích về Nguyễn Minh Không còn có nhiều điều kỳ lạ, đã và đang có sự tranh luận hàng ngàn năm qua. Rất khó phân biệt Nguyễn Minh Không ở Hoa Lư và Dương Không Lộ ở miền Thái Bình – Nam Định. Cả hai đều là những nhà sư thời Lý, chữa bệnh cho vua Lý. Cả hai đều được thờ là ông tổ của nghề đúc đồng vì chuyện ông Khổng Lồ sang phương Bắc, thu đồng đen trong túi mang về, đúc chuông. Khi chuông đánh lên Trâu Vàng nghe tiếng chạy theo về, thành đầm Kim Ngưu (Hồ Tây)… An Nam tứ đại khí đồ đồng cũng liên quan tới Không Lộ thiền sư.

Câu đối khác ở chính điện đền đức thánh Nguyễn: "Cồ Việt giáng sinh, Giác Hải tâm như hải/ Thái Bình xuất thế, Thông Huyền đạo diệc huyền". Theo câu đối này thì Nguyễn Minh Không đã giáng sinh từ thời nước Cồ Việt, tức là nước của Đinh Bộ Lĩnh lập và đóng đô ở Hoa Lư. 

Cần nói thêm là khái niệm tứ trấn chỉ áp dụng cho kinh thành vì 4 trấn là 4 vị tướng ở 4 hướng, còn ở trung tâm phải là nơi có vua ngự, khi kết hợp lại thì mới thành 5 phương vị của Ngũ hành. Vì thể không thể có một thần trấn phương mà lại xuất hiện khi nơi chính không còn là kinh đô nữa.

Theo suy luận này, như vậy Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không phải là một nhân vật ít nhất là từ thời Đinh Lê. Điều này chỉ có thể hiểu từ nhận định mới về lịch sử của giai đoạn này. Hai nhà Đinh Lê là hai vị vua Lý đầu tiên, còn đang ẩn họ Lê tại Hoa Lư. Lý Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tông – Lê Hoàn vẫn nhận chức Tiết độ sứ của nhà Tống. Đến vị vua Lý thứ ba là Lý Thánh Tông mới dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và xưng nước Đại Việt độc lập.

Tại đất Hoa Lư còn có chùa Địch Lộng cũng là nơi chính thờ Nguyễn Minh Không ở đất Hoa Lư. Theo các nhà khảo cứu, sau khi xét phương vị của 3 vị thần trong Hoa Lư tứ trấn đều phải xoay lại một góc 90 độ thì phương vị của thần Không Lộ cũng phải chỉnh lại. Vị thần này phải là Trấn Tây. 

Gác chuông cổ bằng gỗ trong đền thờ đức thánh Nguyễn ở Ninh Bình.
Gác chuông cổ bằng gỗ trong đền thờ đức thánh Nguyễn ở Ninh Bình. 

Nguyễn Minh Không cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh ở Gia Viễn (Ninh Bình). Có câu: “Đại Hữu sinh vương, Đàm gia sinh thánh”. Đại Hữu là quê của Đinh Bộ Lĩnh. Đàm Xá là quê của Nguyễn Minh Không. Lý triều quốc sư thời Đinh Lê trên đất Tĩnh Hải. Đinh và Tĩnh đều chỉ hướng Tây.

Khi xác định Đinh Bộ Lĩnh là Lý Thái Tổ thì Lý triều quốc sư cùng quê cùng thời với Đinh Bộ Lĩnh thì phải là thiền sư Vạn Hạnh, người đã phò tá Lý Thái Tổ lên ngôi. Thiền sư Vạn Hạnh theo truyền tích ở Cổ Pháp cũng mang họ Nguyễn. Liên hệ giữa Nguyễn Minh Không và Nguyễn Vạn Hạnh cho phép hiểu thêm, tại sao Nguyễn Minh Không lại được các triều đại Đinh Lê Lý coi trọng như vậy.

Hợp lý mà nói thì Vạn Hạnh mới xứng đáng tôn là Lý triều quốc sư vì là công thần khởi lập của triều Lý. Vạn Hạnh là vị thiền sư từ thời Lê Đại Hành nên chắc chắn ở Hoa Lư phải có di tích thờ ông. Thời gian đã làm lu mờ sự tích, dẫn đến thiền sư Vạn Hạnh được thờ dưới tên Đức thánh Nguyễn ở Hoa Lư. Câu đối ở đền đức thánh Nguyễn: Thần du thiên thượng tam linh hóa/ Phúc tại nhân gian tứ bảo truyền.

Các vị thánh được nói đến đều có phép bay trên trời như chuyện Nguyễn Minh Không đưa thuyền của quân lính từ Hoa Lư về kinh thành chầu vua trong một đêm. Ngay cả cái tên của ngài - Không Lộ nghĩa là con đường trên không, là sự giác ngộ đạt đến cảnh giới, thân hình tự nhiên nhẹ nhàng, có thể bay lên không (chuyện về Dương Không Lộ). Có thể đó cũng là hình ảnh của một vị thiền sư đã “mở đường” cho sự lên ngôi của một triều đại.

Nguyễn Minh Không còn là một vị thần trong Tứ bất tử. Thần bất tử nghĩa là một nhân vật có phép, có khả năng “bất tử”, tái sinh chuyển thể. Chữ “tam linh hóa” ở câu đối không rõ chỉ những hóa thân nào của thần (có thể là Nguyễn Minh Không – Dương Không Lộ – Vạn Hạnh). Hàng ngàn năm qua, còn nhiều tranh cãi xung quanh thân phận đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, rõ ràng sự tích của Nguyễn Minh Không không phải chỉ ở một thân, trong một thời.

Và những giai thoại cũng như tranh luận về đức thánh Nguyễn càng làm tăng thêm vẻ linh thiêng, màu nhiệm của trấn Tây trong tứ trấn Hoa Lư. 

Đọc thêm