Hoài niệm chợ Tết Thạch Bàn xưa

(PLVN) -  Trong ký ức của mẹ tôi, đi chợ Tết không đơn thuần chỉ để mua sắm, mà còn là thú vui và một cách thưởng thức hương vị Tết, không khí Tết. Một số vùng quê tại Quảng Nam, Tết thường đến sớm, khoảng 20 tháng Chạp không khí Tết đã len lỏi vào mọi nhà. Đó cũng là thời điểm sắm sửa đi chợ để có một cái Tết cho ra… Tết.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Nhứt phố Hội An – Nhì vạn Bàn Thạch”

Đó là câu vè mà mẹ tôi và bà con vẫn thường hay đọc mỗi khi hoài niệm về quá khứ đã qua. Ai cũng biết, ở Quảng Nam lúc bấy giờ, một trong những chợ Tết nổi tiếng nhất, đông vui nhất phải kể đến chợ Tết Bàn Thạch nằm trên doi đất nhô ra giữa hai sông Trường Giang và Ly Ly thuộc thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. Cha mẹ tôi đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, nên trong tâm khảm họ, ký ức về chợ Tết Bàn Thạch ngày xưa là những kỷ niệm khó phai mờ.

Không rõ chính xác chợ Bàn Thạch xuất hiện từ lúc nào. Nhưng chắc chắn một điều làng Bàn Thạch hình thành cách đây gần 700 năm, dưới đời Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), khi tộc Trần, một trong những tộc tiền hiền từ vùng Thanh – Nghệ vào đây lập nghiệp. Trong tác phẩm “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An thì vào thế kỉ XVI làng Bàn Thạch (còn có tên là Bàn Cố) là một trong 66 làng thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong… Nơi lập chợ đầu tiên là nơi hợp lưu giữa hai con sông Trường Giang và Ly Ly, một địa điểm buôn bán thuận lợi trong điều kiện bấy giờ, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân vẫn dùng ghe làm phương tiện đi lại chính.

Nhờ địa thế như vậy, nên chợ Bàn Thạch trở thành chợ lớn ở Quảng Nam, thu hút khá đông khách buôn từ khắp nơi đổ về. Gần có ghe buôn từ Hội An, Cửa Đại, chợ Nồi Rang; ngược sông Thu Bồn có ghe buôn từ các chợ Thu Bồn, Phú Thuận, Bến Dầu, Trung Phước, Dùi Chiêng… ở thượng nguồn sông Thu. Ở đầu nguồn sông Vu Gia sẽ có ghe buôn từ chợ Ái Nghĩa cho đến Bến Giằng. Ngoại tỉnh về mạn bắc, có ghe từ Thanh – Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên; xuôi về mạn nam, có ghe Quảng Ngãi, Bình Định… cả ghe bầu từ phương Nam xa xôi xuôi theo con gió mỗi năm hai lần cũng ghé chợ Bàn Thạch trao đổi hàng hóa. Bến sông Bàn Thạch lúc nào cũng đầy ghe thuyền. Ghe lớn có, ghe nhỏ có, thu hút đông đảo khách thập phương.

Sự đông vui, tấp nập của chợ được cô đọng qua hai câu vè “Nhứt phố Hội An - Nhì vạn Bàn Thạch”. Ông bà xưa lý giải, vạn ở đây là chợ. Vạn Bàn Thạch tức chợ Bàn Thạch.

Thú vui đi chợ Tết

Ngày đó qua lời kể của mẹ, mẹ là chị cả nên hay cùng bà ngoại đi sắm Tết cho cả nhà. Với mẹ, đi chợ Tết không đơn thuần để mua sắm, mà còn là thú vui và một cách thưởng thức hương vị, không khí Tết.

Trong ký ức của mẹ tôi, những ngày cuối năm, chợ Bàn Thạch như “thay da đổi thịt”, mang màu sắc mới, diện mạo mới. Đặc biệt, không khí càng sôi động từ khoảng 20 tháng Chạp. Trên các ngả đường người ta đi đông như trẩy hội. Tiếng cười nói, tiếng chào hỏi râm ran; tiếng gọi nhau í ới, tiếng pháo nổ đì đùng… khiến làng quê nghèo sôi động hẳn lên, không khí Tết vì thế càng thêm háo hức.

Chợ Bàn Thạch những ngày ấy không chỉ tràn ngập hàng hóa mà còn xuất hiện những mặt hàng mới, chỉ bán vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm như các loại pháo, tranh ảnh, câu đối, phong bì đỏ, lá chuối gói bánh tét… Ngoài ra còn đủ các loại hoa, bánh mứt màu sắc sặc sỡ.

Ở hàng thịt, càng chen chúc hơn bởi theo quan niệm người dân, dù giàu hay nghèo, sang hèn khác nhau, nhưng ba ngày Tết phải có chút thịt, nếu không, Tết sẽ không ra… Tết. Ở những gian hàng khác, không khí cũng sôi động không kém. Người mua chiếc chiếu mới, vài cặp đường làm bánh… Kẻ tranh thủ mua ít nước mắm ngon để ngâm thịt lợn. Người chọn vài bộ quần áo mới cho trẻ con… Trên bờ là vậy, dưới thuyền cũng tấp nập không kém.

Mẹ tôi thường nói, đối với người dân quê xưa, kiếm được đồng tiền không phải chuyện dễ dàng. Nhưng năm hết Tết đến, lắm lúc người ta không mặc cả như ngày thường. Chủ yếu họ đi tìm mua những món hàng, đồ ăn thức uống hợp ý, hợp túi tiền để về bày biện trang trí cho ngôi nhà trong những ngày đầu năm. Muốn ăn Tết to, phải lo nhiều thứ. Quanh năm có thể đói kém cơ cực, nhưng ngày Tết phải nhớ xem mình còn thiếu những gì để sắm sửa...

Cũng như các chợ Tết khác ở nông thôn, chợ Tết Bàn Thạch tấp nập đỉnh điểm từ 29, 30 tháng Chạp. Người đông hơn, hàng hóa cũng phong phú hơn, đa dạng hơn, nhiều chủng loại hơn và tràn cả ra ngoài đường. Đến lúc này người ta đến chợ không chỉ đơn thuần đi mua sắm mà còn để thỏa mãn cái thú vui “ngắm” cảnh buôn bán, thưởng thức hương vị ngày Tết.

Nhà văn Vũ Bằng từng viết “…chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem... chợ Tết”. Mẹ tôi đúc kết lại, cái thú vui đó diễn ra y chang ở chợ Bàn Thạch.

Sau bao vật đổi sao dời, chợ Tết Bàn Thạch hôm nay cũng là chợ Tết Bàn Thạch năm xưa qua lời kể của mẹ. Cũng đông vui và đầy ắp mọi thứ. Cuộc sống hiện đại đã giúp cho chợ bây giờ đa dạng, tiện lợi và văn minh hơn nhiều, nhưng đổi lại cũng mất đi rất nhiều cái háo hức, thân thương, ấm cúng của hương vị Tết cổ truyền. Nhưng dù sao, những phiên chợ Tết những ngày cuối năm vẫn lôi cuốn và đã ăn sâu vào tâm thức bà con, trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân xứ Quảng nói riêng và người Việt nói chung.

Đâu đó vẫn văng vẳng câu hát: “Không có chợ mô vui bằng chợ Bàn Thạch/Không có lạch nào hẳm như lạch Lùng Binh” như nhắc nhớ về 1 khung cảnh mua bán tấp nập, với ghe thuyền đậu san sát, tạo thành bức tranh một thời sống động khó quên.