Hoàn cảnh thương tâm của bà nội làm thuê nuôi 2 đứa cháu

(PLO) -Cha tự tử qua đời, mẹ không chịu được điều tiếng khổ cực đã dứt áo ra đi tìm cuộc sống mới, bỏ lại hai con thơ. Từ khi Kiệt còn ẵm ngửa, Trung còn chưa tròn 5 tuổi đều nương nhờ vòng tay già nua của bà nội ẵm đi xin từng miếng ăn. Bà Thịa hai mắt mọng nước hồi tưởng, hơn 3 năm nay, mỗi lần các cháu hỏi về cha và mẹ, bà chỉ biết siết chặt các cháu trong vòng tay, nước mắt trào dâng.
Cha tự vẫn qua đời, mẹ bỏ đi, hai đứa bé phải nương tựa vào bà nội đã già
Cha tự vẫn qua đời, mẹ bỏ đi, hai đứa bé phải nương tựa vào bà nội đã già

Con trai tự tử sáng mồng 5 Tết, con dâu bỏ đi

Trời quá trưa, giữa cái rét cắt da cắt thịt, bà Trần Thị Thịa (55 tuổi) đội chiếc nón cũ đã toe vành, quần xắn ngang đùi, vắt chéo chiếc áo mưa đã rách rưới ngang vai chỉ đủ che chắn cho đứa cháu nhỏ gần 5 tuổi được bà ôm trọn phía trước.

Trên con đường mòn dẫn về nhà trơn trượt như tráng mỡ, người bà dáng vẻ khắc khổ dù mệt mỏi vì cơn đói lả sau một buổi sáng quần quật trên thửa ruộng cằn cỗi nhưng vẫn gắng hết sức lực ôm ấp cháu vào lòng, bước đi xiêu vẹo. 

Vừa mở cửa vào nhà, bà Thịa thoăn thoắt đủ việc, hết pha cho đứa cháu lớn tô mì tôm đến vệ sinh, thay áo, bóc bánh cho đứa cháu nhỏ. Bà cho hay công việc dù luôn tay luôn chân, dù khổ cực cũng không than vãn một câu, chỉ đến lúc phải trả lời những câu hỏi ngây ngô của hai đứa trẻ “bà ơi đi mô lâu rồi không về? Mẹ có em rồi ạ”, “Mẹ sao tết này không về... sao không mua áo mới cho cháu?” thì mắt bà mới lão ướt nhòe, dỗ dành bằng những câu dối lòng “ba mi đi làm xa ăn  rồi. Ừ... mẹ hai đứa có em nhỏ không về được. Đã có mệ (bà – PV) ở đây rồi”. 

Trời rét, người phụ nữ mặc độc nhất chiếc áo mỏng lộ rõ thân hình xác ve, quần vẫn xắn cao, chiếc khăn len cũ kỹ nhỏ nhắn chỉ che chắn được phần cổ; gió rét vẫn rít vào ào ào từng cơn, người phụ nữ tóc đã điểm bạc mỗi lúc lại run lên bần bật.

Bà hồi ức, giọng vẫn không ngừng run không rõ vì gió rét hay vì nỗi buồn cào xé trong lòng: “Khoảng 8h sáng mồng 5 tết năm 2015, người ta còn nghỉ tết vui chơi thì tui đã phải ra đồng cày cấy. Cấy chưa được bao thì có người trong xóm hớt hải chạy ra báo tin “thằng Thiệu thắt cổ chết rồi ả (cô – PV) ơi”, đám mạ trên tay tui rớt xuống, nghe như bị sét đánh ngang tai.

Tui vượt ruộng tìm hướng nhà của nó mà chạy về, bờ ruộng trơn trượt ngã dúi dụi mấy lần vẫn không thấy đau. Về đến nơi thì xóm làng đang vây kín quanh nhà, công an, pháp y đang làm việc, ai cũng cản tui lại không cho vào bên trong. Tui chỉ nhớ, tui khóc đến đứt từng khúc ruột rồi đất ngất đi”.

Khi tỉnh lại thì thi thể con trai của bà đã được khâm liệm xong xuôi. Kết quả từ cơ quan công an ghi nhận, nạn nhân dùng dây thừng loại lớn vắt lên cột ngang của trần nhà treo cổ tự vẫn. Mẹ nạn nhân khóc rưng rức nhớ lại:

“Lúc công an lấy lời khai, con dâu tui (vợ của nạn nhân – PV) không một giọt nước mắt. Nó khai rằng, sáng đó nó và con trai tui có lời qua tiếng lại vì chuyện tiền bạc. Toàn bộ số tiền hơn 30 triệu con trai tui đi đánh cá đưa về nó đã lặng lẽ đi gửi ngân hàng. Khi con tui cần tiền xe trở lại miền Nam làm việc thì nó một mực không đưa nên mới xảy ra cãi vả. Thằng Thiệu lấy dây nói sẽ tự tử, nó tưởng con tui chỉ dọa nên mới bỏ mặc đi ra ngoài giặt áo quần. Đến khi trở vào thì thấy chồng đã chết nên điện báo công an”. 

Mẹ nạn nhân vẫn chưa nguôi đau đớn: “Tui nghe những lời khai đó của con dâu mà lòng đau đớn như cắt. Giá như nó biết thương chồng thì đã kịp thời can ngăn chứ không đến nông nỗi dại dột thiệt mạng. Nhưng nghĩ mọi chuyện đã vậy nên tui không một lời trách móc, chỉ mong nó biết thương con, có thể thay chồng nuôi hai đứa con nên người.

Ai ngờ đám tang con tui mới được 5 ngày, mộ phần còn chưa ráo đất thì nó bỏ lại hai đứa nhỏ một mình khăn gói về nhà ngoại, không nhắn nhủ lại một câu. Thương cháu khát sữa, năm lần bảy lượt tui tìm ra nhà ông bà thông gia thuyết phục nó vào với con nhưng kết quả tui lại trở về một mình. Một thời gian sau thì dân làng nói với tui nó đã có chồng mới”. 

Tương lai mịt mờ của hai cháu nhỏ

Bà Thịa từ nhỏ không được đi học vì cha mẹ quá nghèo. Năm 20 tuổi, bà nên duyên với một thanh niên lực điền cùng xã, sinh liền tù tì 3 người con. Vợ chồng bà bám vào mấy sào ruộng chỉ gieo mạ được mùa Đông Xuân còn lại các mùa khác khô cằn hoang hóa. Không đủ ăn, người chồng bươn chải vào tận các tỉnh miền Nam làm thợ hồ, bà Thịa ở nhà nuôi con và làm thuê làm mướn. 

Bà kể dù hồi trước đói khổ thiếu ăn thiếu mặc nhưng vợ chồng bà vẫn gắng gượng cho các con có cơ hội được tới trường bằng bạn bằng bè, gia đình lúc nào cũng hạnh phúc sum vầy. Nhưng mọi chuyện khổ đau bắt đầu ập tới khi có người phụ nữ từ miền Nam tìm về nhà bà “đòi chồng”.

“Năm đó chồng tui không đi theo người phụ nữ kia nhưng từ đó sinh rượu chè bê tha, hễ say xỉn là về nhà đánh vợ mắng con. Một tuần thì ông say hết cả 6 ngày, nhà lúc nào cũng không được yên ổn, cuộc sống vợ chồng như địa ngục. Mỗi lúc ổng đi nhậu về là tui phải nhanh chân chạy đi trốn không thì bị đuổi đánh quanh làng”. 

Nạn nhân là con đầu của vợ chồng bà, được tiếng học giỏi chăm chỉ nhất nhà. Năm lên lớp 7, cha nát rượu thường chì chiết đánh đập, không có tiền nộp học phí, anh phải đứt buổi. Không được đến trường nhưng lòng ham học của anh vẫn không nguôi, “ngày nó đi làm ruộng với tui tối về cứ ôm sách vở học. Cha nó say xỉn nhiều lần đốt hết sách, nó lại đi xin sách cũ của người ta về học.

Thương con, tui cắn răng thắt lưng buộc bụng đi vay mượn nộp học phí cho nó đến trường. Nó thương tui ban ngày đi học còn ban đêm đi tẩm quất cho người ta nên 2 năm sau trả hết nợ. Học hết lớp 9, nó nghỉ hẳn để vào tận Bà Rịa – Vũng Tàu theo thuyền  đánh cá xa bờ thuê để nuôi 2 đứa em”. 

24 tuổi anh Thiệu lập gia đình, vợ là người ở xã bên. Con trai đầu của vợ chồng nạn nhân đặt tên Lê Quang Trung sinh năm 2009, con trai út Lê Quang Kiên sinh năm 2012. Mẹ nạn nhân hồi tưởng: “Tụi nó quen nhau khi đi làm thuê. Cưới nhau xong thì cùng vào Nam sinh sống, con trai tui đi biển biền biệt mới về thì nghe tin đồn vợ nó có quan hệ ngoài luồng với người đàn ông khác. Con dâu tui chối phăng còn thằng Thiệu nửa tin nửa ngờ nên mới quyết định để vợ con về quê.

Bao nhiêu vốn liếng tiền bạc nó dành dụm được đều đổ vào xây dựng căn nhà này để vợ con ở. Ở quê con dâu tui khá nhàn nhã, tiền bạc con trai tui làm bán sống bán chết gửi về, mọi việc đồng áng vườn tược tui một thân một mình làm lam. Con dâu thấy tui cuốc đất cũng không phụ, cứ nằm giường ôm con ngủ”. 

Bà kể tiếp: “Hồi thằng Thiệu còn sống, nó nhiều lần than thở vì vợ lạnh nhạt, nghi ngờ vợ có nhân tình. Tui cũng nhiều lần nghe nó nói chuyện điện thoại đưa đẩy với người đàn ông lạ, nhưng bấm bụng giữ hạnh phúc cho con cháu tui liền gạt phắt đi. Tết năm đó, mọi chuyện càng như cái kim đã lộ dần, vợ chồng nó cãi nhau như cơm bữa. Sau chuyện thằng bé Kiên bị chó cắn vào đầu vì con dâu mải “tám” chuyện, mới bị chồng la mắng thì nó (vợ nạn nhân – PV) bỏ về nhà mẹ đẻ.

Tui thuyết phục mãi nó mới chịu về cùng chồng lo tết cho con. Mồng 5 tết con tui “mất”, chịu tang chồng chưa được 5 ngày thì nó bội bạc khăn gói bỏ đi cưới chồng mới. Đến nay thằng Thiệu vừa hết khó 3 năm, nó thì sắp sinh con cho người khác nhưng chưa một lần nó về thăm hai đứa nhỏ hay thắp nén nhang cho chồng.”

Người phụ nữ trông già nua hơn chục tuổi, mắt ướt nhèm nhìn hai đứa cháu: “Ở nhà thì chồng nát rượu, hai cháu bơ vơ thiếu hơi ấm của cha lẫn mẹ nên 3 năm nay tui về đây ở hẳn vừa lo nhang khói cho con vừa nuôi hai cháu.

Ban ngày tui quần quật không cuốc ruộng, gieo trồng, làm thuê làm mướn rồi chăm sóc cho các cháu không còn thời gian để buồn, chỉ đêm đến khi ôm cháu ngủ tui mới đau khổ khôn nguôi. Tui chỉ mong ông trời đừng bắt tui thác sớm, để tui sống thêm được ngày nào thì hai đứa cháu cũng đỡ bơ vơ. Đợi chúng nó cứng cáp lên chừng nào tui “đi” xuống “suối vàng” gặp con cũng không trách cứ gì”.

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm cho nhân vật trong bài viết, vui lòng gửi về địa chỉ bà Trần Thị Thịa, thôn Sen Thượng 1, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; hoặc liên hệ với tác giả bài viết qua sđt 090.354.9544 để được hướng dẫn chi tiết.

Đọc thêm