Chuyện nhỏ của một ngôi chùa, chuyện lớn của xã hội

(PLO) - Chùa Liên Hoa (ở đường Thái Phiên, thuộc phường 8, quận 11, TP HCM) là ngôi chùa đã 20 năm  rồi không đốt vàng mã để dành tiền làm từ thiện. 
Chuyện nhỏ của một ngôi chùa, chuyện lớn của xã hội

Quyết định không đốt vàng mã đến từ lần trong một chuyến đi từ thiện giúp đồng bào Huế bị thiên tai lũ lụt, Thượng tọa Thích Duy Trấn trụ trì chùa nhìn thấy sách vở học tập của các em học sinh ở một vài trường học nơi đây ố vàng hơn cả những tờ vàng mã mà mọi người vẫn đem đến chùa để đốt, khiến Thượng tọa không khỏi suy nghĩ về việc cần phải làm gì đó để giúp học sinh nghèo.

Trở về thành phố, lại chứng kiến cảnh nhiều người đốt vàng mã với những tập giấy còn đẹp hơn giấy học trò ở vùng đất mà ông vừa tới, Thượng tọa đã quyết định vận động người dân và các phật tử khi đến lễ chùa không sử dụng vàng mã để dành tiền làm từ thiện. Thấm thoắt việc làm thiện này đã kéo dài được gần 20 năm và đã có hàng nghìn phần quà thấm đẫm nghĩa tình từ ngôi chùa nhỏ đến với những mảnh đời khó khăn. 

Việc làm của sư trụ trì ngôi chùa Liên Hoa tuy không phải ai cũng làm được, vì tâm lý của người Việt vẫn coi việc đốt vàng mã là thể hiện tình cảm, sự lo lắng cho người thân đã khuất, không thể không làm. Còn các nhà tu hành, tuy đều biết rằng trong tất cả kinh điển, kinh sách về lời dạy của Đức Phật đều không nói đến vấn đề đốt giấy tiền, vàng mã, nhưng cũng không thể từ chối vì ngại người dân, phật tử phản ứng.

Bằng chứng là khi sư trụ trì chùa Liên Hoa vận động phật tử không đốt giấy tiền, vàng mã, nhiều đã người thắc mắc tại sao chùa Liên Hoa lại cấm đốt, trong khi ở các ngôi chùa khác, việc đốt vàng mã là chuyện bình thường. Thậm chí, một số người phản ứng chủ trương này của nhà chùa bằng cách xin thỉnh hũ cốt người thân về nhà thờ.

Theo thống kê, mỗi năm trung bình có khoảng trên dưới 50 ngàn tấn vàng mã được sử dụng. Tuy xuất phát điểm từ một hành vi mang ý nghĩa nhân văn nhằm tri ân các đấng tiên tổ và các bậc tiền bối đã qua đời, tập tục đốt, rải vàng mã qua năm tháng đến nay đã bị lạm dụng biến tướng và biến chất theo hướng ngày một mê tín dị đoan hơn và gây những hệ lụy lớn cho xã hội. 

Điều đáng nói là có nhiều người nhân danh ý nghĩa nhân văn của tôn giáo để giải thích cho việc đốt vàng mã. Tuy nhiên, cũng rất nhiều nhà sư đã lên tiếng khẳng định tục đốt vàng mã là không nên. Theo sư thầy Thích Tịnh Giác trụ trì chùa Phúc Sơn, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thì đốt vàng mã làm tổn thương lòng từ bi, vì có bao nhiêu người nghèo đang đói khổ, đang mắc phải chứng bệnh nặng thì không góp tiền lại để cứu giúp họ, đóng góp để nghiên cứu chữa trị những căn bệnh nan y mà nhẫn tâm đem đốt những đồng tiền của mình một cách vô nghĩa.  

Quay lại với câu chuyện của sư thầy trụ trì chùa Liên Hoa, đối mặt với sự phản ứng của nhiều người, sư thầy vẫn kiên trì vận động các phật tử vì ông tin rằng đó là việc làm mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời. Cùng với việc vận động kinh phí, những chuyến đi từ thiện đến những vùng xa để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn mà do nhà chùa tổ chức đã khiến các phật tử dần dần nhận ra ý nghĩa, niềm hạnh phúc khi được cho đi, được sẻ chia niềm vui với những người kém may mắn trong xã hội. 

Thế mới thấy, ở đời có những điều tưởng như là truyền thống khó bỏ, dù lạc hậu, hủ tục. Nhưng hãy đặt mục đích nhân văn lên trước nhất cộng với lòng quyết tâm thì không có gì là không thể. Soi chiếu lại với vấn đề lễ hội đang biến tướng hiện nay, sẽ là không khó giải quyết tình trạng này nếu ngành văn hóa dám đối mặt, không ngại va chạm và quyết tâm làm vì mục đích phát triển văn minh xã hội.

Đọc thêm