Hoàn thành xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự định chạy thương mại vào cuối tháng 4/2021

(PLVN) - Công đoạn đầu tư xây dựng dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đã chính thức hoàn thành vào ngày 31/3/2021; bắt đầu công đoạn bàn giao hồ sơ, tài sản từ Bộ GTVT sang TP Hà Nội (khoảng 4 tuần). Sau công đoạn này, dự án có thể chạy thương mại, tức dịp 30/4 tới đây.
Đoàn tàu tại nhà ga Cát Linh sáng nay 31/3 (Ảnh: Minh Hữu)
Đoàn tàu tại nhà ga Cát Linh sáng nay 31/3 (Ảnh: Minh Hữu)

Dự định vận hành thương mại dịp 30/4?

Sáng nay (31/3), Bộ GTVT tổ chức tham quan dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án đã chính thức hoàn thành. Từ ngày mai 1/4, dự án chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn Ban Quản lý dự án (PMU) Đường Sắt (đại diện chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT) bàn giao hồ sơ, tài sản cho Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội) để sử dụng, vận hành dự án.

Hành khách lên tàu, chuẩn bị hành trình tham quan
 Hành khách lên tàu, chuẩn bị hành trình tham quan

Theo Bộ GTVT, thời gian bàn giao tài sản mất khoảng 3 đến 4 tuần. “Do là tài sản vốn nhà nước nên các thiết bị nhỏ nhất như bảng biển, đèn tín hiệu cũng phải được hai bên tiến hành khảo sát thực tế rồi mới ký bàn giao”, ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết.

Theo thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, sau khi PMU đường sắt bàn giao xong cho Metro Hà Nội, trên cơ sở báo cáo của hai đơn vị này, Bộ GTVT và Hà Nội sẽ thống nhất thời gian dự án vận hành thương mại. Trong điều kiện suôn sẻ, dự án có thể vận hành thương mại vào dịp 30/4 năm nay.

Nhiều hành khách đánh giá đoàn tàu chạy khá êm dịu, tuy nhiên cần kết luận đánh giá của Tư vấn ACT về mức độ an toàn kỹ thuật
Nhiều hành khách đánh giá đoàn tàu chạy khá êm dịu, tuy nhiên cần kết luận đánh giá của Tư vấn ACT về mức độ an toàn kỹ thuật

Theo ông Vũ Hồng Phương – Quyền Giám đốc PMU Đường sắt, về mặt quy trình, sau khi PMU Đường sắt bàn giao xong hồ sơ, tài sản cho Metro Hà Nội thì đoàn tàu có thể chạy thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, phần hệ thống thiết bị, Tư vấn ACT (Pháp) đưa ra 16 khuyến nghị, trong đó có khuyến nghị liên quan đến thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai. Do đó, theo ông Phương, song song với quá trình bàn giao tài liệu, tài sản, PMU Đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp với tổng thầu khắc phục những hạng mục theo khuyến nghị của Tư vấn ACT.

“Do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam, có tính đặc thù cao, kỹ thuật phức tạp nên các đơn vị tham gia thực hiện còn thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, khung pháp lý thay đổi, hợp đồng EPC chưa thật sự đầy đủ nên quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, phát sinh, dẫn tới dự án chậm tiến độ”, ông Vũ Hồng Phương nói.

Đoàn tàu đến ga Hà Đông, khách xuống tham quan
 Đoàn tàu đến ga Hà Đông, khách xuống tham quan

Khắc phục các khuyến nghị

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, dự án này kéo dài, tăng tổng mức đầu tư, chưa đáp ứng được kì vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô. “Qua dự án này, bài học rút ra là với những cái mới cần phải đi học ở nước ngoài về rồi hãy làm sẽ tốt hơn. Các dự án tương tự trong tương lai cần chuẩn bị thật kỹ khâu đầu tư, đồng thời phải đào tạo nguồn nhân lực thành thục trước khi triển khai dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Theo Bộ GTVT, hiện nay công việc còn lại của dự án là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Tư vấn ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc, bao gồm công trình và thiết bị. Liên quan đến phần hệ thống thiết bị, Tư vấn nêu ra 16 khuyến nghị, bao gồm ba nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất liên quan đến hồ sơ tài liệu; nhóm thứ hai liên quan đến thiết kế cần khắc phục. Nhóm khuyến nghị cuối cùng liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự.

Từ ga Hà Đông, đoàn tàu quay đầu để về ga Cát Linh, kết thúc hành trình chạy thử
 Từ ga Hà Đông, đoàn tàu quay đầu để về ga Cát Linh, kết thúc hành trình chạy thử

“Đây là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác”, đại diện Bộ GTVT nói và cho biết, đối với các khuyến nghị của ACT, từ tháng 1/2021 đến nay, PMU Đường sắt, Tổng thầu và Metro Hà Nội đã triển khai hoàn thành một số nội dung như cấp chứng nhận về đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp… “Bộ GTVT đang chỉ đạo PMU Đường sắt khẩn trương khắc phục các khuyến nghị còn lại, hoàn tất các thủ tục theo ý kiến của Tư vấn ACT thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư và Tổng thầu phải thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.

Từ trên tàu, hành khách có thể thảnh thơi quan sát đường phố phía dưới. Vào những giờ cao điểm, đường phố Hà Nội thường ùn tắc hàng dài
 Từ trên tàu, hành khách có thể thảnh thơi quan sát đường phố phía dưới. Vào những giờ cao điểm, đường phố Hà Nội thường ùn tắc hàng dài

Liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực thêm thành thục trong quá trình vận hành đoàn tàu, Bộ GTVT cho biết đã làm việc với  UBND TP Hà Nội để hoàn thiện các khuyến nghị về sự sẵn sàng vận hành. Cụ thể, sẽ tăng mức độ thuần thục của nhân sự vận hành; tăng số lượng nhân viên; bổ sung diễn tập trong tình huống bất ngờ; biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp…

Đọc thêm