Hoàn thiện quy định về thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án

(PLVN) -Vấn đề chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án được quy định tại Luật Thi hành án dân sự (Luật THADS); Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP; Điều 8 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Trong thực tiễn, việc thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án còn nhiều vướng mắc.

Khó xác định được người nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án

Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có quy định về thủ tục thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án khi chưa xác định được người thừa kế của người phải thi hành án Tuy nhiên, đối với trường hợp người được thi hành án là cá nhân chết thì lại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: bản án tuyên ông Nguyễn Văn A phải giao tài sản là căn nhà tại xã X, huyện K cho ông B, tuy nhiên ông B đã chết không để lại di chúc, ông B có 04 người con thì 02 người là C và D đã chết, để lại những người thừa kế là vợ và con của C và D. Theo quy định tại Điều 54 Luật THADS, đối với trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, để xác định được người được nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án của người được thi hành án trong trường hợp này, đặc biệt là khi phát sinh thêm các quan hệ thừa kế thế vị là rất phức tạp. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của những người khác là đồng thừa kế của ông B. Do đó cần bổ sung quy định hướng dẫn thủ tục thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án đối với người được thi hành án để cơ quan THADS thống nhất thực hiện.

Thời gian giải quyết việc thi hành án bị kéo dài

Khoản 2 Điều 54 Luật THADS, Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan THADS có văn bản thông báo, ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại. Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án thì cơ quan THADS áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án, đồng thời ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Hết thời hạn thông báo về thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế mà không có người khởi kiện thì cơ quan THADS xử lý tài sản để thi hành án.

Thực tiễn cho thấy, việc dành thời gian 30 ngày để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại, sau đó đồng thời với việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế đối với tài sản để lại của người phải thi hành án, điều luật lại ấn định thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế là quá dài, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành án. Do đó, đề xuất sửa đổi quy định trên theo hướng: Trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan THADS có văn bản thông báo, ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại. Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án thì cơ quan THADS áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế và xử lý đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án.

Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan THADS thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án.

Đa số quan điểm cho rằng thời gian niêm yết trong trường hợp này (3 tháng) là quá dài, dẫn đến kéo dài việc thi hành án. Do đó cần quy định rút ngắn thời gian này xuống còn 30 ngày để rút ngắn quá trình giải quyết hồ sơ.

Đọc thêm