Hoạt động xây dựng pháp luật tiến bộ vượt bậc

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đánh giá: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sự bứt phá đối với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, hôm qua, phiên họp thứ 37 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về sơ kết việc triển khai Kế hoạch số 900 của UBTVQH thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm

Điểm lại những kết quả nổi bật trong triển khai Kế hoạch số 900, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đánh giá: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tạo sự bứt phá đối với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Trong giai đoạn 2005-2009, hoạt động xây dựng pháp luật đã có những tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn 2000-2004. Cụ thể, nhiệm kỳ Quốc hội (QH) Khóa XI, QH đã thông qua 64 luật, UBTVQH đã thông qua 10 pháp lệnh; đến nhiệm kỳ Khóa XII, QH đã thông qua 64 luật, UBTVQH đã thông qua 11 pháp lệnh; nếu tính đến tháng 3/2011 theo dự kiến QH khóa XII sẽ thông qua 69 luật.

“Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong giai đoạn này đã bao quát tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng cơ bản các tiêu trí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Các văn bản đã tập trung vào sáu định hướng của Nghị quyết 48, thể hiện tư duy lập pháp mới”, ông Thuận đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Sửa đổi bổ sung Hiến pháp phải coi là nhiệm vụ “trọng tâm của trọng tâm” trong vòng 5 năm tới, trong đó quan trọng nhất là đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước thực sự khoa học. Quản lý nhà nước phải đi trước một bước.

Trong các kiến nghị, theo tôi, cần nghiên cứu để hợp nhất hai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương; đồng thời bổ sung kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để tổ chức thực hiện Nghị quyết 48 (Nghị quyết đã nêu nhưng trên thực tế không thành lập mà giao cho UBTVQH) để đảm bảo việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết được đúng định hướng”.

Về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo UBTVQH, đã “có những đổi mới quan trọng, mà "điểm nhấn” là đã sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Bên cạnh đó, việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực hoạt động của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó đối với các cơ quan tư pháp, UBTVQH nhận định: các cơ quan tư pháp đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cũng như công tác tổ chức cán bộ cho các đơn vị trực tiếp liên quan đến công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy giúp việc ở TANDTC, VKSNDTC…cũng như cơ quan tư pháp cấp tỉnh ở địa phương.

Nghiên cứu kỹ việc giao quyền chất vấn

Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, toàn diện của dự thảo báo cáo, song, theo Trưởng Ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên, đổi mới tổ chức và hoạt động của QH là điều cần thiết, tuy nhiên ông băn khoăn về việc đề xuất nghiên cứu hướng giao quyền chất vấn cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. “Theo quy định chỉ có Đại biểu Quốc hội mới được quyền chất vấn”, ông Tuyên khẳng định và cho rằng, báo cáo không nên chung chung mà cần xem xét những vấn đề gì bức xúc, cần giải quyết ngay để đề ra những giải pháp phù hợp.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đồng tình: “Chỉ có cá nhân mới có quyền chất vấn chứ không phải là cơ quan, tổ chức đứng ra chất vấn”. Theo ông Vượng, nếu để Hội đồng dân tộc và các Ủy ban đều có quyền chất vấn thì phải phân cấp rõ ràng, cái gì đưa ra chất vấn ở Quốc hội, cái gì ở thường vụ Quốc hội, ở Hội đồng dân tộc, ở các Ủy ban của Quốc hội. “Chỉ riêng chuyện phải phân định như thế thôi đã rất khó rồi”, ông Vượng tiếp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng góp thêm: cần phải nghiên cứu thật kỹ về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Góp ý vào dự thảo báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc đánh giá thực thi pháp luật phải đồng bộ,  không nên dừng lại ở việc đánh giá việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, mà phải cả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân cũng như ý thức chấp hành pháp luật của họ.

Ngoài những vấn đề nêu trên, các Ủy viên thường vụ Quốc hội còn góp ý nhiều vấn đề khác liên quan đến nhu cầu định hướng và giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011 – 2020, cũng như những đề xuất, kiến nghị.

Trong đó, cơ bản đồng tình với đề nghị Bộ Chính trị tổng kết Nghị quyết 48, ban hành kết luận về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết này để khẳng định tính đúng đắn và tích cực của những tư tưởng, định hướng chiến lược trong Nghị quyết 48, nêu rõ những ưu điểm nổi bật, hạn chế, bất cập và bài học kinh nghiệm để từ đó tiếp tục chỉ đạo, định hướng cho hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo.

Bình An

Đọc thêm