Người trẻ tìm đến âm nhạc để sống tích cực hơn
Nguyễn Tố My (nhân viên ngân hàng, làm việc tại quận 3, TP.HCM) đã theo học đàn ukulele từ 3 tháng nay tại một trung tâm dạy đàn ở quận 3, và giờ đây cô đã có thể ôm loại nhạc cụ nho nhỏ dễ thương này, vừa tự đệm đàn cho mình vừa nghêu ngao hát. Tố My chia sẻ, hơn 2 năm trở lại đây, do áp lực công việc, bỗng nhiên cô nghĩ đến chuyện mình nên đi học một loại nhạc cụ nào đó để khuây khoả. Cô gái trẻ đã đăng kí học piano, guitar để rồi nhận ra mình hoàn toàn không có năng khiếu âm nhạc.Thiếu khả năng thiên phú cộng với thời gian bận rộn, Tố My khó lòng có thể đeo đuổi các loại nhạc cụ yêu cầu sự khổ luyện và lòng kiên trì.
Cuối cùng, cô đã chọn được ukulele, loại đàn có xuất xứ từ Hawai, gần giống đàn guitar nhưng nhỏ hơn nhiều, chỉ có 4 dây và âm thanh vui tai. Đàn ukulele rất dễ tập, không đòi hỏi kĩ thuật cao và được giới trẻ hiện nay rất ưa chuộng. Tố My cho biết, cô rất vui khi ước mơ biết chơi nhạc cụ của mình đã thành sự thật, và cô tìm thấy sự an ủi tâm hồn trong âm nhạc rất nhiều. Trong lớp của Tố My có những bạn trẻ là sinh viên, nhưng cũng không ít anh, chị làm văn phòng, thậm chí có những người có gia đình vẫn đi học nhạc để khuây khoả.
Sáng chủ nhật, tại những lối đi dưới bóng cây rợp mát trong công viên trước dinh Thống Nhất, người ta vẫn thường thấy một số nhóm bạn trẻ ngồi, ôm đàn hát nghêu ngao. Nhóm của Lê Thanh Thương, cựu sinh viên đại học Văn hoá TP.HCM là một trong những nhóm như thế. Thương cho biết, anh học đàn guitar từ lúc học cấp 3, nay đã là một tay đàn khá có kinh nghiệm, cuối tuần thường đến công viên đánh đàn chơi với bạn bè. Dần dà, nhiều sinh viên và các anh chị đi làm đến tham gia, xin học đàn, Thương tập hợp thành một nhóm, và cứ sáng cuối tuần hẹn nhau đến đây cùng học đàn, vừa thực tập tại chỗ, hát cho nhau nghe. Thù lao dành cho Thương, đơn giản là ổ bánh mì sang, ly café hay những bữa ăn trưa cả nhóm cùng đãi. Thế thôi, nhưng quan trọng là họ đã có một sân chơi âm nhạc thú vị.
Nhiều bạn trẻ trong nhóm học đàn của Thương chia sẻ, mỗi buổi sáng cuối tuần ôm đàn trong công viên giúp họ quên đi bao mệt nhọc của công việc hàng ngày, khi lên dây, bấm phím, những nỗi lo, nỗi buồn cũng tan biến, học đàn và chia sẻ cùng nhau khiến họ thấy mình hạnh phúc hơn.
Thắp lên tình yêu âm nhạc trong tim
Ở Cung văn hoá, có lẽ cụ Nguyễn Thị Lụa là học viên piano lớn tuổi nhất. Cụ đã trên 60 tuổi, và cũng mới đi học đàn piano cách đây có 6 tháng, chỉ học được các nguyên lý cơ bản. Cụ kể, ban đầu, khi cụ thổ lộ ý định đi học đàn, cả nhà đều kinh ngạc, tưởng cụ “lẩm cẩm”, các con gàn không cho cụ đi, bảo để thời gian rảnh nghỉ ngơi, ở nhà trông cháu, chơi với cháu. Nhưng cụ rất cương quyết, thẳn thắn chia sẻ với các con các cháu, rằng từ trẻ cụ đã rất mê âm nhạc, thích học đàn, nhưng rồi lấy chồng sớm, chồng mất sớm, vừa làm giáo viên, vừa phải bươn chải để kiếm thêm nuôi con, nên đành gác ước mơ sang một bên. Giờ đây, tất cả đã ổn, kinh tế vững, con cái yên bề gia thất, cụ muốn thực hiện giấc mơ thời son trẻ của mình. Nghe mẹ giãi bày, các con cụ thay đổi thái độ, nhiệt liệt ủng hộ mẹ đi học nhạc, lại chọn lớp, cắt cử nhau đón đưa mẹ.
Thế là, cạnh công việc trông cháu, nội trợ hàng ngày, mỗi tuần cụ lại bỏ 3 buổi chiều đến lớp học đàn cùng các bạn trẻ bằng tuổi cháu mình. Với cụ, học piano thật vất vả, lớn tuổi, tay cứng, trí nhớ không tốt. Nhưng cụ thấy rất vui và quyết tâm thực hiện bằng được giấc mơ chơi đàn của mình.
Các nhạc cụ hiện đại được bạn trẻ thời nay ưa chuộng, nhưng điều đáng ngạc nhiên là, ngay cả đàn tranh, đàn bầu và một số loại nhạc cụ dân tộc khác vẫn không ít người trẻ theo học.
Tại lớp học đàn tranh của Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương của nhà giáo ưu tú Thúy Hoan, số lượng học viên học đàn tranh luôn dao động từ 20- 30 người và hơn phân nửa học viên là những người trẻ tuổi, rất nhiều sinh viên, học sinh… Cô Út Huệ, một nghệ sĩ đàn tranh ở TP.HCM cũng không ít học viên, trong đó có các nghệ sĩ trẻ, nổi tiếng là diễn viên, người mẫu theo học, không phải để trau dồi cho nghề nghiệp, mà căn bản chỉ vì yêu âm nhạc, muốn học một nhạc cụ để cân bằng đời sống tinh thần.
Chị Nguyễn Lê Lan Chi - Phó Giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM chia sẻ, chị theo học đàn tranh hơn năm nay và thấy bao muộn phiền của mình đã gần như tan biến, nhất là khi tấu lên tiếng đàn. Chị cũng tự hào mình là một trong những người trẻ góp phần khiến các nhạc cụ dân tộc phát huy sức sống trong cuộc sống hiện đại…
Chắc hẳn, trong tâm hồn mỗi con người đều có tình yêu âm nhạc. Chỉ là trong cuộc sống hiện đại và bận rộn, người ta bỏ quên tình yêu này mà thôi. Những người trẻ dám nghĩ dám làm đã “đánh thức” tiềm năng cũng như tình yêu âm nhạc trong trái tim mình, để đem đến cho mình một đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú và sâu sắc hơn.
Ai cũng thử học một nhạc cụ, nếu ai cũng tự biết tấu lên một khúc nhạc, thì cuộc đời này sẽ ngập tràn âm thanh của yêu thương, sẽ bớt đi cay đắng, sẽ thi vị và tích cực hơn biết chừng nào…