Hội chứng chê bai

(PLO) - Ngập tràn, mang tính chủ đạo trên các trang mạng xã hội là sự chê bai, dè bỉu lẫn nhau hoặc nhằm vào một đối tượng nhất định nào đó. Chê hết, từ một bộ phim truyền hình đang ăn khách đến một giáo sư đại học mặc quần soóc giảng bài, từ một câu vận dụng thành ngữ không chính xác lắm của một diễn giả đến động thái dân dã của một lãnh đạo.
Hội chứng chê bai

Khi đã chê thì người ta chê hết lời, dùng những từ ngữ khó nghe như “óc ngắn”, “não bé bằng quả nho”... và những lời lẽ thô tục không tiện dẫn ra đây. Chỉ những hiện tượng đơn lẻ nhưng bị quy kết thành bản chất, chê cả đến dân tộc, cộng đồng, chê hiện tại chưa đủ, bới móc cả trong quá khứ. Ví dụ, lễ hội đâm  trâu thì coi đó là tộc người dã man, tương tự, những “đúc kết” tính xấu người Việt là lười nhác, thích hưởng thụ, ghen ghét...

Có người đọc báo không phải chỉ để truy cập thông tin mà còn là “bới lông, tìm vết”, dựa vào đó để bôi nhọ, công kích người khác. Không chỉ nhằm vào những hớ hênh nhất thời của những người đẹp để chê, người ta lợi dụng những “hớ hênh” của báo chí nữa. Dẫn chứng, ông Hải, Phó Chủ tịch quận 1 (TP Hồ Chí Minh) trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo giành lại vỉa hè là một việc rất đáng hoan nghênh đối với các lãnh đạo địa phương. Thế nhưng, khi có một bài báo giật tít “Ông Hải cẩu xe vi phạm...” thì lập tức họ gọi ông là “Hải cẩu”!

Không những thế, trang mạng cá nhân cũng là một phương tiện để người ta “dìm hàng” đồng nghiệp. Một cách khoe mẽ kiến thức của mình bằng cách chê bai trình độ thấp kém của đồng nghiệp rồi “vạch trần những thủ đoạn” của họ ra. Bị phê bình thì “chạm nọc” và quay sang chửi bới người góp ý cho mình một cách rất vô văn hóa.

Ai cũng có lúc “sảy miệng, lỡ lời” và cũng gặp những sai lầm ngớ ngẩn nhưng quan trọng đó không phải là bản chất và họ cũng không đáng phải nhận những chỉ trích gay gắt, quy chụp hoặc cười cợt, chê bai. Đáng để phải nói hơn là khi chúng ta chê bai người khác ấy là khi ta tự thể hiện rõ nhất về con người mình. Tôn trọng bản thân cách tốt nhất là nên tôn trọng người khác.

Chê cũng có mặt tốt là khiến người khác nhận ra sai lầm, khuyết điểm mà sửa chữa nhưng đó là chê đúng và chừng mực. Chê bai khác với phê bình ở chỗ, phê bình như “Ruồi Trâu đốt vào chân để con ngựa tiến bộ xã hội lồng lên” (tác phẩm Ruồi Trâu, tác giả Ethel Lilian Voynich), chê bai là sự xúc phạm, một thể hiện của định kiến, ghen ghét và đố kỵ.

Điều quan trọng là người có văn hóa, lịch lãm thì không a dua theo trào lưu này. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” hoặc “lời nói, đọi máu” là những châm ngôn cần nhớ khi ta mở miệng hoặc ấn phím trong tâm thế bất bình hoặc nổi giận trước những hành vi “trái tai, gai mắt” của người khác!

Đọc thêm