Hội diều làng Bá Dương Nội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chiều nay, 12/4, tại di tích miếu Diều, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, diễn ra Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội”. Sự kiện do Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đan Phượng phối hợp tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Hội diều làng Bá Dương Nội”.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Hội diều làng Bá Dương Nội”.

Tới dự buổi Lễ có nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương.

Về phía thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đặng Thị Phương Hoa.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: Đây là hoạt động nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hoá cha ông để lại; khẳng định giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội”. Đồng thời tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị di sản văn hoá độc đáo “Hội diều làng Bá Dương Nội” và di tích miếu Diều trên địa bàn huyện với du khách trong và ngoài TP.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng phát biểu tại buổi lễ.

Làng Bá Dương Nội (còn có tên là Bá Giang), xưa có tên nôm là Kẻ Bá. Đầu thế kỷ thứ XIX làng Bá Giang thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, thị trấn Sơn Tây; nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Đây vốn là vùng đất cổ bên dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), có bãi phù sa và nhiều gò, đống và cây cối rậm rạp.

Lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Từ xa xưa, người dân làng Bá Dương Nội đều thành thạo trong việc chế tác ra những chiếc diều sáo với đủ kích cỡ. Điểm độc đáo, nổi bật (duy nhất) ở Hội diều làng Bá Dương Nội là lễ hội thi thả diều gắn với một di tích (miếu Diều) thờ Thần Linh Châu Thổ, được thực hiện đầy đủ theo nghi thức tế lễ truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” cho đại diện chính quyền và nhân dân địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” cho đại diện chính quyền và nhân dân địa phương.

Lễ hội thả diều gồm các nghi lễ chính như: Lễ phong môn giải y, dịch phục; lễ dịch phục; lễ tuyên sắc; tế Chính tịch; lễ trình diều; lễ cầu phong (cầu gió) và tiến hành thả diều. Con diều nào đạt giải Nhất sẽ được mang vào miếu tế Thần Linh Châu Thổ… Hội thi diễn ra trong 3 ngày, 14- 16 tháng Ba âm lịch, trong đó chính hội là ngày 15 tháng Ba, thời điểm bắt đầu một mùa vụ gieo trồng mới của người nông dân thời xưa.

Lễ hội thi thả diều diễn ra tại Miếu Diều, là nơi thờ Thần Linh Châu Thổ, nằm giữa không gian sản xuất canh tác của cư dân nông nghiệp nơi đây. Lễ hội mang ý thức cầu phong (gió) với khát vọng cầu mưa thuận, gió hoà để sản xuất canh tác mong có một mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ.

Lễ hội cũng phản ánh nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp ven sông Hồng - con sông lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, có sức ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống sinh hoạt của cư dân vùng hạ du, góp phần hình thành nên dòng chảy văn hóa, văn minh sông Hồng.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cho biết, đón nhận danh hiệu là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng, đặc biệt là nhân dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức phát biểu tại buổi lễ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, thời gian qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, các di sản văn hóa, nghề truyền thống, nhất là hội diều và nghề làm diều sáo của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Chủ động vận dụng, cụ thể hóa sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của thành phố về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghề truyền thống và điều kiện, tình hình thực tiễn ở cơ sở.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch không gian văn hóa, không gian thực hành, trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam và nghề truyền thống Hà Nội, hướng tới quy hoạch làng Bá Dương Nội trở thành một trong những “không gian văn hóa sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. Xây dựng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội” trở thành di sản văn hóa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; nghề làm diều sáo truyền thống Hà Nội có sức sống trường tồn, mãnh liệt, không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, mà đến cả các hộ gia đình ở các vùng lân cận.

Sau Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội”, xã Hồng Hà đã khai mạc Lễ hội thả diều truyền thống.

Những con diều đủ tiêu chuẩn được đánh số thứ tự, chuẩn bị tham gia thi.

Những con diều đủ tiêu chuẩn được đánh số thứ tự, chuẩn bị tham gia thi.

Năm nay, Hội diều làng Bá Dương Nội thu hút 72 con diều dự thi. Theo thể lệ truyền thống, những con diều đủ điều kiện thi có chiều dài tối thiểu 2,2m, rộng tối thiểu 0,6m, có đủ 3 sáo (đường kính sáo phải từ 2,5cm trở lên), cánh diều không được dán bằng giấy bóng trắng… được thả trên cánh đồng làng. Những con diều có sáo hay nhất, lên cao nhất và đứng im nhất... là con diều chiến thắng.

Trong khuôn khổ Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội”; Bằng công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội”, ngoài Hội thi thả diều sáo truyền thống tại miếu di tích miếu Diều còn có các hoạt động khác như: Trang trí con đường Diều sáo “Hành trình kết nối”; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thủ đô; biểu diễn văn nghệ của các câu lạc bộ thôn; thi đấu cờ tướng, bóng chuyền hơi mở rộng…