Loạt hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội ảo....
Chỉ cần vào mục tìm kiếm trên Facebook và đánh từ khóa "tự tử", ngay lập tức sẽ hiện ra hàng loạt hội nhóm với tên gọi như: "Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo au, muốn tự tử", "Hội những người muốn tự tử", "Những người muốn chết”...
Mỗi ngày các hội nhóm này có rất nhiều người đăng bài và hầu hết các bài đăng đều theo chiều hướng tiêu cực. Có người vì áp lực công việc, người vì áp lực học hành, gia đình hay chuyện tình cảm... không thể giải quyết từ đó hình thành nên suy nghĩ muốn tự tử để chấm dứt mọi thứ.
Một tài khoản tên N.K chia sẻ: "Mọi thứ đã sắp xếp xong rồi. Thư nhắn nhủ cũng đã viết xong. Các tài khoản cũng đã đăng xuất, mọi liên lạc cũng đã xóa. Thuốc cũng đã mua, chỉ cần uống là xong. Đúng là khi trải qua rồi mới hiểu vì sao lúc đó người khác lại muốn kết thúc cuộc đời như thế. Lúc trước dù trầm cảm bao nhiêu vẫn luôn tự nhủ mọi chuyện sẽ ổn, tất cả sẽ qua. Những có lẽ cái gì cũng có giới hạn của nó, khi đạt đỉnh điểm rồi thì chỉ muốn ngủ một giấc mãi mãi..."
Hệ lụy thật
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Em cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ, lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai mà nảy sinh ý định tự tử.
Một trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi, uống thuốc ngủ tự tử sau khi bị mẹ đánh mắng.
Rất may mắn, cả 2 trường hợp trên được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng đến suốt đời.
Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng gia tăng nhưng đáng buồn là người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp kịp thời.
Suy nghĩ, cảm xúc của trẻ vị thành niên – Đừng nghĩ “chuyện trẻ con”
TS.BS Ngô Anh Vinh - Phó khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Những áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực trong trẻ ngày càng nhiều thêm. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.
Bên cạnh đó, tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối của nhiều cha mẹ ở Việt Nam dễ gặp phải sự chống đối ở trẻ. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến những hành vi phản ứng không ngờ. Một số trẻ tự tử vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống, một số khác tự tử vì “giận cha mẹ”, uất ức, tủi thân, một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, thậm chí 1 số trẻ tự tử chỉ vì muốn gây sự chú ý của người khác, để mọi người mãi nhớ đến mình.
Cha mẹ hãy quan tâm con đúng mực
TS.BS Ngô Anh Vinh cho hay, ở tuổi vị thành niên, song song với việc phát triển thể chất thì trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý. Trong giai đoạn này, sự phát triển cái “tôi” ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng cần cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn. Cha mẹ cần tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con.
Ngoài ra, cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, niềm đam mê của con. Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ.
Đặc biệt, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ. Cha mẹ hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai, những mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến.
Những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ tự tử:
Trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng.
Để lại những lời nhắn nhủ với bạn bè, mọi người qua mạng xã hội, thư, nhật ký,… với lời chào vĩnh biệt.
Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự tử như: tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao sắc nhọn….
Khoảng 19h30 ngày 12/4, Trung tâm thông tin Chỉ huy 114 Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận thông tin một nam sinh đang cố thủ trong phòng với ý định tự tử tại tòa nhà cao tầng đường Khuất Duy Tiến.
Trung tâm Thông tin chỉ huy đã điều động Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Khu vực 2, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ điều động 1 xe thang, 1 xe cứu nạn cứu hộ nhanh chóng tới hiện trường.
Thời điểm này, tại căn hộ tầng 19 của tòa nhà, nam sinh đang trong tình trạng hoảng loạn, cầm dao cố thủ trong phòng, có ý định nhảy từ ban công xuống sảnh tự tử.
Tổ công tác đã triển khai đội hình tụt dây khẩn cấp từ tầng 20 xuống giữa cửa sổ để ngăn không cho nam sinh không nhảy xuống dưới từ ban công. Đồng thời phá khoá phòng 1902 để kịp thời ứng cứu nạn nhân. Ở dưới tầng thấp, đệm hơi cũng được căng sẵn đề phòng bất trắc.
Ngay sau đó, nạn nhân được lực lượng chức năng giải cứu an toàn.
Nam sinh đang là học sinh lớp 9 tại một trường thuộc địa bàn Hà Nội. Do có chuyện căng thẳng, nạn nhân uất ức, nảy sinh ý định tự tử.