Hội thảo - Thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 29/11, tại Nhà Văn hoá 3-2, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp với Cục Di sản văn hoá (Bộ VH, TT và DL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO (2003-2023) đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Hội thảo - Thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định

Dự hội nghị, về phía tỉnh Nam Định có ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh uỷ, ông Nguyễn Phùng Khoan – Phó chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Lê Đoài – Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Sở VH-TT và DL và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Về phía Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia.

Cùng tham dự còn có đông đảo nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc...

Bí thư tỉnh ủy Phạm Gia Túc cùng các đại biểu tham dự hội nghị

Bí thư tỉnh ủy Phạm Gia Túc cùng các đại biểu tham dự hội nghị

Tỉnh Nam Định nằm ở vị trí trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, mảnh đất Nam Định chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của người Việt. Trong đó có tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Thánh Cha) và Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Thánh Mẹ) - là tín ngưỡng bản địa với những giá trị nhân văn sâu sắc, in đậm trong tâm thức của nhân dân cả nước với câu ngạn ngữ “Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ”.

Tỉnh Nam Định được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với các di tích tiêu biểu như: Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), Phủ Quảng Cung - Phủ Nấp (Ý Yên),… và nhiều địa điểm thờ Thánh Mẫu khác.

Đây là một sự kiện văn hóa lớn, là niềm vinh dự, tự hào nhân dân tỉnh Nam Định và cũng là niềm vui chung của cộng đồng, chủ thể văn hóa của di sản và nhân dân cả nước. Cùng với các địa phương có di sản, tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiến hành xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”. Triển khai tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt theo khuyến nghị của Công ước 2003 UNESCO, Luật di sản văn hóa (2009) và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (2016).

“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những giá trị mang tính toàn cầu của di sản, đó là đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại, phản ánh sự chủ động, hội nhập tích cực của đất nước với quốc tế trong đó tỉnh Nam Định tự hào đại diện các địa phương có cùng Di sản tổ chức xây dựng Hồ sơ đề cử quốc gia “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trình UNESCO vinh danh, là địa phương có nhiều đóng góp tích cực.

Trong khuôn khổ sự kiện, chiều 29 đến 30/11, tại các điểm di tích Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Phủ Quảng Cung, Phủ Bóng (Nguyệt Du cung) sẽ diễn ra các hoạt động thực hành tín ngưỡng Hầu đồng thu hút sự quan tâm đông đảo của các nghệ nhân và du khách thập phương.

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Lê Thị Thu Hiền, Việt Nam đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. 500 Di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú, Có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 498 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước.

Hoạt động kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã và đang giúp cho các nhà quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa nhận diện rõ hơn về di sản để từ đó xây dựng các kế hoạch, chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể góp phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa của quốc gia và đa dạng văn hóa của nhân loại. Qua đó định hình hoạt động quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác di sản văn hóa ở các cấp. Góp phần quan trọng vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên bản sắc, thương hiệu dấu ấn riêng của địa phương có di sản.

Đọc thêm