Hợp pháp hóa mại dâm là "bất khả thi"?

(PLO) - Tại Việt Nam, mại dâm là bất hợp pháp. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện các tranh luận xung quanh việc có nên hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Có điều trong bối cảnh của Việt Nam, việc hợp pháp hóa có đem đến lợi ích gì không hay sẽ chỉ mang lại rất nhiều hệ lụy và liệu có đủ điều kiện hợp pháp hóa mại dâm như một số rất ít các quốc gia đang làm?
Ảnh minh họa
Pháp luật đã nới tay
Để góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng và phát triển con người Việt Nam, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua từ năm 2003, quy định những biện pháp và trách nhiệm của của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc loại trừ mại dâm. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống mại dâm, song tệ nạn này vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. 
Một số nguyên nhân khiến nạn mại dâm tồn tại như một thách thức là do đối tượng nhẹ dạ, cả tin, lười lao động, tâm lý hưởng thụ (thích nhàn hạ, ăn ngon, mặc đẹp); lợi nhuận thu được từ công việc này không nhỏ. Bên cạnh đó, công tác phòng chống mại dâm còn hạn chế như đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng chống mại dâm ở các cấp, cơ sở còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc. Kinh phí cho hoạt động ở một số tỉnh thấp. Trung bình mỗi tỉnh chi 200 triệu đồng/năm cho công tác phòng chống mại dâm. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thực sự sâu sát… 
Trước tình hình trên, mới đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng chống mại dâm trong tình hình hiện nay. Chỉ thị số 22 yêu cầu phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan liên quan khi để phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý; coi hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm là một trong những chỉ tiêu thi đua, đánh giá hàng năm đối với tổ chức và cá nhân; giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những cán bộ, đảng viên có hành vi thiếu trách nhiệm, bao che, dung túng, tham gia tệ nạn mại dâm… 
Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ, đồng thời thể hiện tầm quan trọng, tính bức xúc của công tác này trong bối cảnh dịch HIV/AIDS đang có nguy cơ lan rộng, đe dọa đến sự phát triển bền vững của các quốc gia trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã có một số ý kiến đề xuất nên đưa mại dâm trở thành một nghề công khai. Điển hình là phát biểu của một vị Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng hồi tháng 7 năm ngoái khi nói rằng “với thành phố du lịch mình, tôi cho rằng không thể không có mại dâm”. Những ý kiến này tuy chưa được chấp nhận, song đã có tác động khiến các nhà quản lý và người dân phải suy nghĩ lại về mại dâm. 
Việc Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 bãi bỏ việc đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục lao động xã hội như trước đây, mà chỉ bị phạt tiền 300 nghìn nếu vi phạm lần đầu và 5 triệu nếu tái phạm, cũng phần nào phản ánh sự nới lỏng quan niệm khắt khe về mại dâm.
Mại dâm là điều không thể chấp nhận được 
Ở chiều ngược lại, nhiều quan điểm phân tích điều kiện xã hội tại Việt Nam và cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, về vấn đề quản lý, ngay cả những nước có hệ thống pháp luật chặt chẽ như Đức, Australia, Hà Lan, việc hợp pháp hóa mại dâm vẫn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Chính phủ các nước trên gần như bất lực trong việc kiểm soát hoạt động này, khiến nó ngày một lan tràn và gây thêm nguy hại. 
Nhiều nước khác như Thụy Điển, Na Uy đã phải quay lại biện pháp cấm triệt để mại dâm sau một thời gian cho hợp thức. Trường hợp Việt Nam cho hợp thức hóa, chắc chắn mại dâm sẽ càng biến tướng và nguy hại khôn lường, các quy định quản lý sẽ chỉ là hình thức. 
Đáng lo hơn cả là về mặt đạo đức, hợp pháp mại dâm sẽ là sự đạp đổ các giá trị đạo lý gia đình, văn hóa truyền thống dân tộc, từ đó làm mất phương hướng việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, về lâu dài sẽ dẫn tới sự băng hoại đạo đức, khủng hoảng các giá trị sống ở những thế hệ tương lai. 
Nếu mại dâm được coi là một nghề thì số lượng các bạn trẻ chọn con đường này để “lập nghiệp” chắc chắn sẽ gia tăng. Thay vì chọn con đường học tập, lao động một cách nghiêm túc thì nhiều em gái sẽ chọn cái nghề không phải vất vả, nặng nhọc mà thu nhập cao hơn (Khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, vào đầu năm 2012, thu nhập trung bình của gái mại dâm đạt 10,6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ khác, cao gấp 2,5 lần thu nhập trung bình của nhóm 20% người có thu nhập cao ở Việt Nam).
TS Vũ Mạnh Lợi (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) lý giải, chẳng phải chỉ riêng Việt Nam cấm mại dâm. Hiện nay chỉ có khoảng 20 nước trên thế giới công nhận mại dâm ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn như Hoa Kỳ, Australia, Anh, Hà Lan, Đức, Nhật... đều hợp pháp hóa mua bán dâm tùy từng mức độ hạn chế về địa điểm và người được hành nghề khác nhau. Phần lớn các nước cho hợp pháp hóa mại dâm nêu ra lý do là cấm thì sẽ khó kiểm soát nạn bóc lột tình dục, buôn người và không đảm bảo sức khỏe cho người hành nghề. Tuy nhiên, đây vẫn là số nhỏ. 
Theo ông Lợi, mại dâm là điều không thể chấp nhận được về mặt hệ tư tưởng, đe dọa sự toàn vẹn của gia đình, một thiết chế xã hội rất được người Việt Nam đề cao. Mại dâm có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, về xã hội, về sức khỏe cộng đồng như việc lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Mại dâm còn bị coi là trái với thuần phong mĩ tục của đất nước. Cả hành vi bán dâm và mua dâm đều bị coi là hành vi lệch chuẩn theo chuẩn mực văn hóa hiện nay trong xã hội. 
Hợp pháp hóa là bất khả thi
Xem xét vấn đề chi phí và cơ sở hạ tầng,  các con số tính toán cho thấy việc hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam là điều bất khả thi. Ví dụ, nếu quy định cho tất cả người bán dâm đi xét nghiệm mỗi tháng 1 lần (tốn khoảng 400 USD/lần), Việt Nam sẽ phải chi ít nhất 150 triệu USD mỗi năm (tương lai có thể sẽ còn cao hơn nhiều lần khi số người bán dâm tăng). Đây là con số rất lớn, gấp 6 lần ngân sách hàng năm cho thể thao, gấp 3 lần ngân sách cho phát thanh – truyền hình và gấp 40 lần ngân sách cho xúc tiến đầu tư, du lịch. Hệ thống y tế vốn nghèo nàn của Việt Nam cũng sẽ quá tải với gần 400 nghìn lượt xét nghiệm tăng thêm mỗi năm.
Đồng tình, TS Lợi cũng không cho rằng hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam vào lúc này là giải pháp tốt. Với năng lực quản lý xã hội yếu kém hiện nay, với hệ thống giá trị đang chuyển đổi, trong đó những giá trị liên quan đến tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình, giới tính, mại dâm, người đồng tính, thái độ đối với người có HIV còn đang chưa định hình rõ trong bối cảnh một xã hội hiện đại, hội nhập với thế giới, thì việc hợp pháp hóa mại dâm không phải là phép màu để giải quyết những vấn đề nêu trên. 
“Hợp pháp hóa mại dâm có thể là giải pháp tốt cho một xã hội hiện đại, song hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp đối với thực tế ở Việt Nam. Tôi cho rằng vẫn cần coi mại dâm là hoạt động bất hợp pháp, song là dạng hoạt động bất hợp pháp đặc biệt và cần biện pháp xử lý đặc biệt. Tôi thiên về giải pháp giảm bớt kỳ thị xã hội đối người hành nghề mại dâm và tìm ra những con đường phù hợp để bảo vệ quyền hợp pháp của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực và phòng chống lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục”, TS Lợi nêu quan điểm.

Đọc thêm