Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp: Hiệu quả, khả thi, hướng đến đối tượng thụ hưởng

“Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp (ngày 29/3/2011) mới được thực thi một năm nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả” là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị Điều phối hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) về pháp luật và tư pháp năm 2012” của Bộ Tư pháp sáng qua (20/4).

“Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp (ngày 29/3/2011) mới được thực thi một năm nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả” là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị Điều phối hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) về pháp luật và tư pháp năm 2012” của Bộ Tư pháp sáng qua (20/4).

Hội nghị điều phối hoạt động Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp năm 2012

Phát triển về cả qui mô và chất lượng

Hoạt động HTQT về pháp luật và tư pháp của Bộ Tư pháp trong năm qua có nhiều đóng góp trong việc từng bước nâng cao kỹ năng, kiến thức, trình độ của các chuyên gia pháp luật Bộ Tư pháp nói riêng và Việt Nam nói chung. Một số lượng đáng kể cán bộ tư pháp, luật sư được đào tạo cơ bản, bổ sung cán bộ cho các thiết chế pháp luật và tư pháp, đồng thời chuẩn bị đội ngũ cán bộ tương lai, góp phần vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hệ thống tư pháp, hiện đại hóa một bước trang thiết bị làm việc của các cơ quan pháp luật và tư pháp…

Đặc biệt, bằng thực hiện Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại 1 năm qua, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ HQT cho biết: Hoạt động HTQT về pháp luật và tư pháp của Bộ Tư pháp đã tiếp tục được tăng cường và mở rộng cả về qui mô, nội dung hợp tác, tập trung nhiều vào việc hỗ trợ xây dựng pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan tư pháp, pháp chế, bổ trợ tư pháp, phổ biến tuyên pháp luật, trợ giúp pháp lý…, đổi mới theo hướng tăng cường tính chủ động của các đơn vị trong và ngoài Bộ, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các đơn vị.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động điều phối HTQT năm 2011 của Bộ vẫn bị ảnh hưởng và còn tồn tại, hạn chế một phần do nhận thức về vị trí, vai trò của HTQT về pháp luật và tư pháp trong tình hình mới còn chưa đúng đắn, do còn thiếu sự phối kết hợp và chủ động, đầu mối phụ trách hoạt động HTQT của các đơn vị, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu của công tác HTQT trong bối cảnh hiện nay…

“Tuy công tác HTQT được thực hiện có bài bản hơn dù chưa thực hiện đúng Qui chế vì các qui định còn quá “cứng nhắc”, nhưng việc ngày càng có nhiều đối tác quốc tế, có sự cân đối trong đầu tư các quan hệ hợp tác, nhấn mạnh và mạnh dạn đầu tư hợp tác với các đối tác chiến lược như Lào, Campuchia, Nga, Trung Quốc…vì lợi ích đối ngoại của đất nước, vị thế của Bộ Tư pháp trong quan hệ đối ngoại đã nhận được sự đánh giá cao của các đại sứ quán, tổ chức quốc tế… đã thể hiện bước phát triển về cả qui mô và chất lượng của công tác HTQT thời gian qua” - Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định.

Đảm bảo không trùng lắp, phục vụ nhiệm vụ chính trị

Để công tác điều phối hoạt động HTQT nói riêng và công tác HTQT về pháp luật và tư pháp nói chung của Bộ Tư pháp năm 2012 đúng nguyên tắc bình đẳng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, không trùng lắp và hiệu quả, điều quan trọng là cần có sự phối hợp, chủ động giữa các đơn vị theo đúng thủ tục. Chú trọng đến nội dung và hiệu quả của các hội nghị, hội thảo, các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài, tránh tình trạng “rồng rắn” kéo nhau đi mà nội dung “hời hợt”. Sau mỗi hoạt động HTQT, cần chia sẻ kết quả, kinh nghiệm và cơ sở dữ liệu để phục vụ cho các nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, đầu tư vào con người để đảm bảo tính bền vững cho hoạt động HTQT về pháp luật và tư pháp.

Trong năm 2012, các hoạt động HTQT và công tác đối ngoại của Bộ sẽ ưu tiên vào công tác xây dựng thể chế của Bộ, ngành, phù hợp với chương trình xây dựng pháp luật 2012 của Bộ, một số lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ mới được giao hoặc đang gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Đàm phán, ký kết và gia nhập các Điều ước quốc tế về những lĩnh vực Bộ Tư pháp được giao quản lý.

Tập trung thực hiện những định hướng chiến lược HTQT trong thời kỳ mới theo Đề án tăng cường quan hệ HTQT về pháp luật và tư pháp của Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2015. Đào tạo, bồi dưỡng phục vụ hội nhập và đề cao tính hiệu quả, khả thi các hoạt động đối ngoại, cân nhắc tới các lĩnh vực hay đối tượng ít được thụ hưởng từ các hoạt động HTQT.

H.Giang

Đọc thêm